Nếu bị ông Trump áp thuế quan, châu Âu có thể đánh vào Big Tech Mỹ
Một động thái như vậy sẽ kéo lĩnh vực dịch vụ vào một cuộc chiến thương mại tiềm tàng giữa hai bờ Đại Tây Dương...
![Chủ tịch EC Ursula von de Leyen - Ảnh: Bloomberg.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_3_51410721/e16d29be11f0f8aea1e1.jpg)
Chủ tịch EC Ursula von de Leyen - Ảnh: Bloomberg.
Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch tấn công Thung lũng Silicon bằng các biện pháp trả đũa nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện các lời đe dọa áp thuế quan lên hàng hóa từ khối này. Một động thái như vậy sẽ kéo lĩnh vực dịch vụ vào một cuộc chiến thương mại tiềm tàng giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Nguồn tin gần gũi với kế hoạch này tiết lộ với tờ báo Financial Times rằng Ủy ban châu Âu (EC) đang tìm cách sử dụng “công cụ chống lại sự ép buộc” (ACI) của khối trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột thương mại với Washington. Việc sử dụng công cụ này sẽ cho phép EU nhắm mục tiêu vào các ngành dịch vụ của Mỹ như các công ty công nghệ lớn (Big Tech).
Một quan chức cho biết “tất cả các lựa chọn đều được cân nhắc” và nói rằng sử dụng ACI là lựa chọn phản ứng cứng rắn nhất mà EU có được ở thời điểm hiện tại mà không vi phạm luật pháp quốc tế.
Được thiết lập trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump và sau đó được sử dụng như một sự ngăn ngừa đối với Trung Quốc, công cụ này cho phép EC - cơ quan điều hành của EU - áp đặt các hạn chế đối với thương mại dịch vụ nếu xác định rằng một quốc gia đang sử dụng thuế quan đối với hàng hóa của EU để buộc khối này phải thay đổi chính sách.
Theo lời giới chức EU, việc ông Trump đe dọa sử dụng thuế quan để ép Đan Mạch nhượng lại đảo Greenland và gây áp lực buộc EU từ bỏ hình phạt đối với công ty công nghệ Mỹ sẽ cấu thành điều kiện để EC sử dụng ACI.
Được một số quan chức EU mệnh danh là “súng chống tăng bazooka” khi có hiệu lực vào năm 2023, ACI cho phép khối lựa chọn trong số nhiều biện pháp trả đũa, như thu hồi sự bảo vệ đối với quyền sở hữu trí tuệ hoặc việc khai thác thương mại quyền đó - chẳng hạn hoạt động tải xuống phần mềm và dịch vụ phát trực tuyến. Cơ chế này cũng cho phép EU chặn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc hạn chế tiếp cận thị trường trong các nhóm dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và tài chính khác.
Một quan chức EU khác cảnh báo rằng mặc dù khối này thành thạo trong việc xử lý thuế quan đối với hàng hóa, nhưng vẫn có thể gặp trở ngại trong việc mở rộng tranh chấp sang các lĩnh vực mới bao gồm dịch vụ và quyền sở hữu trí tuệ.
Tuần trước, ông Trump cho biết chắc chắn sẽ áp thuế quan lên EU, đề cập đến hành động của Brussels đối với các công ty công nghệ Mỹ và thâm hụt thương mại hàng hóa lớn của Mỹ với EU. Tuy nhiên, ông chưa đưa ra thông tin chi tiết về thời điểm các biện pháp sẽ được áp dụng hoặc liệu EU có thể đàm phán về việc hoãn thuế quan như Canada và Mexico đã đạt được hay không.
Ngày thứ Ba tuần này, các bộ trưởng thương mại EU đã họp tại Warsaw, Ba Lan, để thảo luận về các mối đe dọa từ Tổng thống Mỹ. Các quan chức nắm được thông tin về các cuộc thảo luận kín cho biết đa số các bộ trưởng dự họp bày tỏ sự ủng hộ đối với hành động trừng phạt nếu cần thiết.
Ủy viên thương mại EU Maros Sefcovic cho biết ông muốn đàm phán cách tránh thuế, nhưng nói thêm: “Nếu bị tấn công, chúng tôi sẽ phản ứng kiên quyết”. Ông cũng lưu ý rằng EU có mức thâm hụt thương mại lớn với Mỹ về dịch vụ dù có thặng dư về thương mại hàng hóa với nước này.
Một số nước thành viên EU cảnh giác với nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế quá yếu. Một nhà ngoại giao EU có nhiều thông tin về các cuộc thảo luận cho biết: “Chủ trương của chúng tôi là muốn giảm căng thẳng”.
Tuy nhiên, bất kỳ sự trả đũa nào mà EU có đối với hành động thuế quan của Mỹ cũng sẽ phải tương xứng và EC sẽ phải đưa ra được bằng chứng về thiệt hại mà thuế quan đó gây ra cho các ngành công nghiệp của EU. EC cũng phải tìm kiếm sự chấp thuận của ít nhất 15 trong số 27 quốc gia thành viên để có thể đưa ra biện pháp trả đũa. Việc tham vấn có thể mất nhiều tuần, chẳng hạn việc áp thuế quan trả đũa Mỹ vào năm 2018 của EU phải mất 3 tháng mới được thực thi.
Ngược lại, Canada và Mexico đã công bố các biện pháp trả đũa vào tuần trước chỉ vài giờ sau khi Washington quyết định áp thuế lên tới 25% đối với hàng hóa từ hai nước này. Sau đó, ông Trump đã hoãn việc thuế quan này do lãnh đạo hai nước các cam kết trấn áp người di cư vượt biên trái phép và hoạt động buôn lậu ma túy vào Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Pháp Laurent Saint-Martin nói với Financial Times rằng dù có ACI trong tay, EU có thể cần đến các biện pháp trả đũa nhanh hơn. “Tốc độ là một trong những vấn đề then chốt, châu Âu phải có sự chuẩn bị sẵn sàng sớm hơn lần trước. Chúng ta phải đoàn kết hơn và nhanh hơn”, ông nói.
Vào tháng 3/2018, ông Trump áp mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm. EU mất tới 3 tháng để phê duyệt các biện pháp trả đũa đối với lượng hàng hóa trị giá 2,8 tỷ euro của Mỹ.