Trà dứa có tác dụng gì?
Trà dứa có thể được sử dụng như một loại thức uống giải khát trong mùa hè. Vậy trà dứa có tác dụng gì?
1. Lợi ích của trà dứa
Dứa còn có tên gọi khác là khóm, thơm, huyền nương... Dứa có tên khoa học là Ananas sativa Liun. (Ananas sativa L.); thuộc họ Dứa (Bromeliaceae).
Quả dứa có vị chua ngọt, tính bình, có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, giúp tiêu hóa. Mùa dứa chín rộ từ tháng 4 đến tháng 6, 7 hàng năm.
Trà dứa có tác dụng:
Hỗ trợ giảm viêm
Bromelain là một loại enzyme có trong dứa. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Chemistry & Biodiversity, vỏ dứa chứa khoảng 0,23% hoạt tính của bromelain, đây là loại enzyme có tác dụng giảm viêm và sưng, do đó có thể có tác dụng tích cực đối với những người bị viêm xương khớp.

Trà dứa ngoài tác dụng giải khát còn có nhiều tác dụng khác.
Hỗ trợ tiêu hóa
Bromelain là một loại enzyme trong dứa có tác dụng phân giải protein, nên giúp cải thiện tiêu hóa và giảm khó chịu như đầy hơi và chướng bụng. Bên cạnh đó, enzyme này còn có đặc tính kháng khuẩn giúp bảo vệ ruột. Vỏ quả dứa là nguồn bromelain đặc biệt phong phú nên trà dứa làm từ vỏ đặc biệt hiệu quả trong việc hỗ trợ tiêu hóa.
Tăng cường hệ miễn dịch
Vỏ quả dứa rất giàu chất dinh dưỡng thiết yếu. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Chemistry & Biodiversity, vỏ của loại quả này chứa nhiều vitamin C, canxi, kali, carbohydrate, chất xơ và nước giúp tăng cường khả năng miễn dịch và giảm các gốc tự do gây hại cho cơ thể.
Cung cấp chất chống oxy hóa
Quả dứa chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh như flavonoid, axit phenolic, vitamin C... có tác dụng chống lại stress oxy hóa. Stress oxy hóa gây tổn thương tế bào, phát sinh nhiều bệnh tật và lão hóa sớm.
Tốt cho da
Trà dứa chứa nhiều axit ascorbic, rất quan trọng cho quá trình tổng hợp collagen. Chính vì vậy, khi tiêu thụ trà dứa sẽ giúp cải thiện sức khỏe làn da bằng cách làm giảm các dấu hiệu lão hóa, cải thiện kết cấu da.
Tăng cường mức năng lượng
Vitamin C không chỉ quan trọng đối với khả năng miễn dịch và làn da khỏe mạnh mà còn liên quan đến năng lượng.
Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, những người tham gia tiêu thụ ít vitamin C hơn sẽ bị thiếu năng lượng và yếu. Dứa chứa hàm lượng vitamin C cao và giàu bromelain hỗ trợ phân hủy protein và chuyển đổi glucose, do đó giúp tăng cường mức năng lượng cho cơ thể.
Tốt cho việc giảm cân
Trà dứa thường được làm từ vỏ, chứa ít đường và calo nhưng lại giàu enzyme có lợi nên nó đóng vai trò là một thức uống nhẹ có thể giúp giảm cân. Tuy nhiên, bản thân trà dứa không giúp giảm cân mà cần kết hợp với một chế độ ăn uống cân bằng giàu protein, carbohydrate phức hợp, chất béo lành mạnh cùng với hoạt động thể chất thường xuyên.
2. Làm thế nào để pha trà dứa?
Nguyên liệu
Vỏ của 1 quả dứa, nước vừa đủ, gừng (băm nhỏ), nước cốt chanh.
Cách chế biến trà dứa:
Đun sôi nước.
Thêm vỏ đã rửa sạch, thêm gừng và nước cốt của một quả chanh.
Đun nhỏ lửa trong 10 đến 15 phút hoặc lâu hơn nếu muốn có hương vị đậm đà hơn.
Lọc bỏ bã, có thể dùng nóng hoặc để lạnh.

Trà dứa có thể được uống nóng hoặc lạnh theo sở thích.
3. Trà dứa có tác dụng phụ không?
Mặc dù trà dứa có nhiều lợi ích nhưng cũng có thể gây một số tác dụng phụ:
Rối loạn tiêu hóa: Tiêu thụ quá nhiều trà dứa có thể dẫn đến tiêu chảy, đau bụng và buồn nôn do sự hiện diện của bromelain có trong dứa.
Dị ứng: Trà dứa có thể gây ra phản ứng dị ứng ở những người bị dị ứng hoặc không dung nạp bromelain hay dứa.
Tương tác thuốc: Trà dứa có khả năng tương tác với một số loại thuốc như làm giảm khả năng hấp thu và hiệu quả của thuốc làm loãng máu hoặc kháng sinh...
Mời bạn xem tiếp video:
Bất ngờ tác dụng của dứa đối với làn da | SKĐS