TP. Hồ Chí Minh tự tin cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình
Khép lại năm 2024 với nhiều biến động bất lợi của tình hình kinh tế thế giới, vượt qua mọi rào cản, TP. Hồ Chí Minh đã nỗ lực vượt bậc, tăng tốc, bứt phá, tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật quan trọng, tạo bước đi vững chắc, tự tin và tiên phong cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhiều kết quả nổi bật
Sau gần 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) luôn đứng đầu về phát triển kinh tế với tỷ trọng đóng góp trên 22% GDP, chiếm gần 1/3 thu ngân sách cả nước, năng suất lao động bình quân cao hơn 2,6 lần so với bình quân cả nước… Năm 2024, TP.HCM tiếp tục giữ vị trí, vai trò đầu tầu kinh tế của cả nước.
Tập trung triển khai nhanh nhất các nhiệm vụ đột phá chiến lược
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chia sẻ, để chuẩn bị hành trang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, toàn hệ thống chính trị của thành phố tập trung triển khai nhanh nhất các nhiệm vụ đột phá chiến lược đã được Trung ương xác định đi đôi với đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành của đảng bộ, chính quyền các cấp.
Điểm lại những kết quả đạt được cũng như hạn chế tồn tại của năm 2024, mặc dù tỷ lệ giải ngân đầu tư công không đạt như kỳ vọng do nhiều yếu tố khách quan nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các công trình, dự án trọng điểm của thành phố vẫn duy trì tiến độ, đẩy mạnh “thần tốc” vào dịp cuối năm. Với các công trình dự án trọng điểm là đường Vành đai 3, nút giao An Phú, tăng tiến độ lên cấp số nhân; tuyến Metro số 1 đưa vào vận hành đúng lịch trình…, nhiều dự án giao thông tiếp tục được hoàn thiện và khởi công mới… đang tạo dấu ấn, tạo đà cho bước phát triển tiếp theo của thành phố năm 2025.
Vượt qua rất nhiều khó khăn, rào cản bởi nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, kinh tế của thành phố tiếp tục hồi phục tích cực, chuyển dịch theo hướng hiện đại, có mức tăng trưởng khá. Đa số các chỉ tiêu nhiệm vụ đều cơ bản hoàn thành và vượt tiến độ đề ra. Mức tăng trưởng GRDP đạt khoảng 7,17%. Thu ngân sách trên địa bàn cả năm là hơn 502.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2023, đóng góp khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước.
Đặc biệt, hai nội dung trọng tâm trong chủ đề năm 2024 là thực hiện chuyển đổi số và Nghị quyết 98 của Quốc hội đạt kết quả tích cực. Cụ thể, về tháo gỡ khó khăn, khơi dậy tiềm năng, nguồn lực xã hội, trong lĩnh vực quản lý đầu tư.
Đối với TP.HCM, việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền mạnh sẽ giải phóng được nguồn lực của các quận, huyện, TP. Thủ Đức; tăng tính chủ động, cải cách hành chính cho cấp cơ sở được xem là một trong những quyết sách mang tính đột phá để phát triển. Mới đây nhất, kỳ họp lần thứ 20 HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 cũng đã thông qua Đề án Phân cấp quản lý nhà nước của UBND TP.HCM trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND thành phố đề xuất phân cấp 18 lĩnh vực cho 2 sở, các địa phương và đã được HĐND TP.HCM thông qua, giúp giảm khâu trung gian trong quá trình tham mưu thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương.
Tự tin tạo đột phá chiến lược
Năm 2025, TP.HCM đề ra 10 nhóm giải pháp trọng tâm để phát triển toàn diện; kiến tạo động lực mới để tăng trưởng GRDP đạt trên 10%, tích lũy đủ thế và lực cùng cả nước bước vào “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng TP.HCM phải đi tiên phong để đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu trở thành đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo; là thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước và vượt qua ngưỡng thu nhập cao…
Phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí vươn lên, quán triệt sâu sắc quan điểm, gợi mở của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, TP.HCM đang tiếp tục kiên trì vai trò tiên phong. Đó là việc xây dựng nền kinh tế tri thức, xây dựng một thành phố thông minh cùng khát vọng đi đầu trong đổi mới sáng tạo; một thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á.
Cùng với đó là đột phá trong hoàn thiện thể chế, chính sách, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả quản trị đô thị. Đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tái cấu trúc không gian hệ thống đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường liên kết vùng, phát triển các ngành kinh tế và các lĩnh vực xã hội quan trọng, đặc biệt là thực hiện các dự án đang tồn đọng và một số dự án tạo động lực phát triển.
Ba yếu tố cơ bản phải vượt trội
TS. Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 cho rằng, bước sang giai đoạn mới, TP.HCM phải tạo đột phá hạ tầng, nâng cao vai trò cửa ngõ giao lưu kinh tế trong nước và quốc tế, xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. TP.HCM phải là địa phương thực hiện thành công nhất việc nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ba yếu tố cơ bản mà TP.HCM cần chú trọng là nâng cao năng lực cạnh tranh thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng... phải vượt trội. Nếu không vượt trội thì không làm được. Đặc biệt là khâu đột phá trong phát triển công nghệ cao, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược, trong đó, chú trọng thu hút các dự án đầu tư bảo đảm đầy đủ cả ba yếu tố: công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, TP.HCM phải đi đầu trong chuyển đổi số và kinh tế xanh. Trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế phải cao hơn trung bình cả nước từ 1,2 - 1,5 lần. Hoạt động kinh tế tại TP.HCM phải có tính thị trường cao nhất cả nước với ba khía cạnh: tăng trưởng kinh tế bền vững, tiến bộ công bằng xã hội và phúc lợi cho người dân, bảo vệ môi trường.
Theo TS. Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, những đột phá để làm cơ sở cho TP.HCM vươn mình khi bước vào kỷ nguyên mới là phải chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông liên kết vùng. Điều đáng mừng là, nếu như trước năm 2022, TP.HCM gần như không có đường vành đai nào xứng tầm, (chỉ có vành đai 2 hàng chục năm chưa khép kín), thì chỉ trong vòng 2 năm qua, TP.HCM đã khởi công vành đai 3 và đang chuẩn bị các thủ tục khởi công vành đai 4.
Như vậy, trong vòng 10 năm tới, TP.HCM sẽ có hệ thống đường vành đai tương đối hoàn chỉnh phục vụ liên kết vùng, liên kết cả nước và một số nước trong khu vực. Với việc phát triển các đường vành đai, TP.HCM sẽ mở ra các quỹ đất, tạo ra các không gian phát triển đô thị mới cho thành phố.