Cuộc xâm lăng tĩnh lặng - Bài 3: Quốc gia có nền văn hóa vững chắc sẽ vượt qua mọi thử thách (Tiếp theo và hết)
Tại hội thảo cấp quốc gia '80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023)-Khởi nguồn và động lực phát triển' tổ chức ngày 27-2-2023, nhấn mạnh tính cấp bách trong cuộc chiến chống xâm lăng văn hóa, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: 'Cần kiên quyết chống lại mọi sự xâm lăng về văn hóa, bài trừ các hình thức văn hóa lai căng, mê tín, dị đoan, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục'.
Sức mạnh văn hóa Việt Nam
Theo thống kê của Bộ Công an Việt Nam, hằng năm, có hàng nghìn tài liệu chiến tranh tâm lý phá hoại tư tưởng; hàng chục nghìn thư ân xá quốc tế xâm nhập, tán phát, đưa vào bằng nhiều con đường khác nhau. Những điều này đặt ra vấn đề, chúng ta phải có những giải pháp cụ thể nào chống lại hiện tượng “xâm lăng văn hóa” trong chiến lược “diễn biến hòa bình” và “sức mạnh mềm văn hóa” của các cường quốc đang tác động trực diện đến tư tưởng, suy nghĩ của người dân trong nước, đặc biệt là thanh niên Việt Nam hiện nay, nhằm nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho rằng: Nền văn hóa Việt Nam có sức mạnh riêng. Nền văn hóa ấy trải qua hàng nghìn năm đấu tranh, chưa bao giờ khuất phục trước các nước lớn có sức mạnh lấn át về kinh tế hay sức mạnh quân sự. Đặc trưng lớn của văn hóa Việt Nam là sức mạnh tự thân. Vừa chống lại mạnh mẽ, vừa tiếp nhận, tiếp biến có ý thức, khiến cho các cuộc tấn công từ ngoại bang đều thất bại.
Cũng về vấn đề này, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, văn hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển của một quốc gia, đặc biệt là những quốc gia như Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ trình độ phát triển trung bình đến cao. Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là động lực và nguồn lực thúc đẩy sự phát triển bền vững về mọi mặt: Kinh tế, xã hội, khoa học, giáo dục...
Trong quá trình chuyển tiếp này, văn hóa giúp định hình bản sắc dân tộc, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống, đồng thời tạo ra sự ổn định xã hội và sự đồng thuận trong các chính sách phát triển. Một quốc gia có nền văn hóa vững mạnh sẽ có khả năng vượt qua các thử thách trong quá trình toàn cầu hóa, giữ vững được bản sắc trước những thay đổi nhanh chóng về mặt kinh tế và công nghệ.
Bên cạnh đó, văn hóa còn là yếu tố then chốt trong việc xây dựng niềm tin, tinh thần cộng đồng, và động lực làm việc của người dân. Văn hóa không chỉ là yếu tố truyền tải giá trị tinh thần mà còn là công cụ định hướng, quản lý sự thay đổi trong xã hội. Đối với các quốc gia đang phát triển như chúng ta, văn hóa có thể là chìa khóa để xây dựng nền tảng vững chắc, bảo đảm sự phát triển toàn diện, hài hòa giữa các lĩnh vực và nâng cao đời sống của nhân dân.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn còn nhấn mạnh, để phát triển văn hóa trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chiến thắng các thế lực thù địch muốn áp đặt văn hóa, xâm lăng văn hóa, chúng ta cần xây dựng và củng cố nền văn hóa vừa giữ vững được bản sắc truyền thống, vừa thích ứng và phát triển cùng những thay đổi nhanh chóng của thời đại. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, bản sắc văn hóa dân tộc như một ngọn lửa thiêng cần được gìn giữ và trao truyền. Giữa dòng chảy mạnh mẽ của các luồng văn hóa ngoại nhập, bảo vệ bản sắc dân tộc không phải là sự khép kín mà là cách khẳng định lòng tự tôn, bản lĩnh và sự độc đáo của dân tộc ta. Bản sắc ấy là tâm hồn, là cội nguồn của sự phát triển, giúp chúng ta đứng vững và không bị hòa tan giữa những biến động của thế giới.
Văn hóa cần được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển
Muốn đánh bại các thủ đoạn nô dịch, xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch thì văn hóa phải thực sự đóng vai trò trong việc định hình các chuẩn mực xã hội, tạo ra tinh thần đồng thuận, nuôi dưỡng những giá trị cốt lõi như lòng nhân ái, tinh thần sáng tạo và ý thức cộng đồng. Một quốc gia có nền văn hóa vững chắc là một quốc gia có khả năng vượt qua mọi thử thách, duy trì sự ổn định và đồng lòng để tiến bước.
Văn hóa với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, cần được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển trong kỷ nguyên mới. Đó không chỉ là một khía cạnh phụ trợ cho kinh tế hay xã hội mà là yếu tố cốt lõi định hình bản sắc, tạo dựng giá trị và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Nếu coi kinh tế là xương sống thì văn hóa chính là linh hồn, là nguồn năng lượng tinh thần giúp xã hội phát triển hài hòa, toàn diện. Văn hóa phải thực sự là ánh sáng “soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa là sức mạnh vô hình nhưng bền vững, là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội thịnh vượng cả về vật chất lẫn tinh thần.
Vậy phải làm gì để bản sắc văn hóa của dân tộc không bị mai một, hòa tan, trộn lẫn vào các dòng văn hóa khác của các nước hay các trào lưu mới trên thế giới, khi chúng ta hội nhập với thế giới ngày càng sâu hơn? TS Nguyễn Ánh Hồng, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Để ngăn chặn tình trạng xâm lăng văn hóa, đặc biệt trên mạng xã hội thì chúng ta phải trang bị cho cộng đồng và trước hết là các bạn trẻ những hiểu biết về văn hóa giao tiếp, ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội phải được trang bị và đưa vào trong chương trình giáo dục. Tôi nhấn mạnh rằng, nếu các bạn trẻ tăng cường hiểu biết những giá trị của văn hóa truyền thống, hiểu biết được hệ giá trị trong tâm thức của văn hóa Việt Nam và luôn có lòng tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và có trách nhiệm để bảo vệ các giá trị văn hóa đó, họ sẽ có sức đề kháng trước những tác động của văn hóa ngoại lai”.
Đánh giá cao phương án phải giáo dục cho thế hệ trẻ từ sớm, PGS, TS Bùi Hoài Sơn cũng nhấn mạnh: Giáo dục văn hóa cần phải trở thành trọng tâm. Bắt đầu từ gia đình, trường học cho đến cộng đồng. Giáo dục văn hóa không chỉ là việc truyền dạy lý thuyết mà còn là sự trải nghiệm thực tế thông qua các hoạt động nghệ thuật, lễ hội, phong tục, tập quán. Khi văn hóa trở thành một phần tự nhiên trong đời sống hằng ngày, nó sẽ không bị lãng quên hay pha loãng.
Gìn giữ bản sắc văn hóa, lan tỏa giá trị cốt lõi
Vậy cần làm gì để giữ vững bản sắc văn hóa trong dòng chảy toàn cầu hóa? PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho rằng: Trước hết, điều căn bản là xác định rõ giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc. Chúng ta cần hiểu sâu sắc về lịch sử, phong tục, tập quán, triết lý sống và những giá trị truyền thống đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Đây là nền tảng không thể thay thế, là căn cốt của bản sắc dân tộc.
Sáng tạo không có nghĩa là thay đổi bản chất của văn hóa, mà là tìm kiếm những cách thức mới để biểu đạt và truyền tải những giá trị ấy. Việc biến văn hóa thành một "tài sản" không chỉ giúp bảo tồn mà còn phát triển và quảng bá văn hóa dân tộc ra thế giới. Hội nhập với thế giới là điều tất yếu, nhưng giữ gìn bản sắc văn hóa là nhiệm vụ quan trọng hơn bao giờ hết, để dân tộc ta luôn có một bản ngã riêng biệt, tự tin bước ra thế giới với một vị thế đáng tự hào.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: Để văn hóa thực sự là nền tảng cho sự phát triển bền vững, chúng ta cần hành động quyết liệt và đồng bộ trên cả phương diện lý luận, thực tiễn và đầu tư. Về lý luận, trước tiên, chúng ta cần xây dựng một hệ thống lý luận về phát triển văn hóa hiện đại nhưng vẫn giữ được tính bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển lý thuyết liên ngành là cực kỳ quan trọng. Văn hóa không thể tách rời với kinh tế, chính trị hay môi trường. Ngoài ra, làm tốt công tác phối hợp giữa văn hóa và các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh. Mối quan hệ này cần được xử lý trên tinh thần kết nối và tương hỗ lẫn nhau. Điều này có thể nhìn từ cách thức phối hợp tổ chức, uy tín, thông điệp tích cực của Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 vừa diễn ra cách đây ít ngày. Văn hóa đã len lỏi vào mọi lĩnh vực, và ngược lại trong mọi lĩnh vực đều có yếu tố văn hóa.
Về đầu tư, văn hóa cần được đầu tư xứng tầm cả về tài chính lẫn nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực văn hóa phải đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng con người mới cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bởi con người chính là chủ thể của mọi sự phát triển, đặc biệt trong một thế giới đầy biến động và cạnh tranh. Văn hóa giúp tạo ra những công dân có trách nhiệm, có lòng yêu nước và ý thức tự hào về bản sắc dân tộc; sống có đạo đức, lòng nhân ái và ý thức cộng đồng.
Những giá trị này không chỉ tạo nên một cá nhân hoàn thiện mà còn góp phần xây dựng một xã hội đoàn kết, bền vững và mạnh mẽ. Trong kỷ nguyên mới, khi công nghệ và toàn cầu hóa tác động mạnh mẽ, nền tảng văn hóa chính là yếu tố giúp con người giữ vững bản sắc, tránh bị cuốn theo những trào lưu hay ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài. Đây là cái gốc để chiến thắng trước văn hóa ngoại lai, lai căng, xâm lăng văn hóa.
Đặc biệt, cần nhìn văn hóa như một yếu tố chiến lược trong việc nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, biến văn hóa thành “sức mạnh mềm” để hội nhập một cách chủ động, tự tin đánh bại âm mưu, ý đồ của các thế lực muốn đồng hóa, xâm lăng văn hóa. Hành động quyết liệt từ sớm, từ xa, để đừng bao giờ "văn hóa bị lâm nguy" như lời cảnh tỉnh của đại văn hào Nga M.Gorki.
NGUYỄN HÒA