Công thức cũ kỹ nhưng 'hái ra tiền' của du lịch Singapore

Năm 2025, Singapore muốn tổ chức nhiều sự kiện lớn hơn, thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch bằng những concert.

 Các show diễn của nữ ca sĩ người Mỹ thu hút hàng chục nghìn khán giả từ khắp nơi trên thế giới. Ảnh: TAS Right Management.

Các show diễn của nữ ca sĩ người Mỹ thu hút hàng chục nghìn khán giả từ khắp nơi trên thế giới. Ảnh: TAS Right Management.

Bà Ashlynn Loo, Giám đốc phát triển du lịch của Tổng cục Du lịch Singapore, chia sẻ với kênh CNA rằng quốc gia này sẽ tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch tăng tốc trong năm nay.

"Chúng tôi sẽ xây dựng một lịch trình các sự kiện giải trí hấp dẫn để tiếp tục thu hút khách du lịch, biến Singapore trở thành điểm đến hàng đầu thế giới", bà cho biết trong một báo cáo tháng 12/2024.

Làm giàu nhờ concert

Trong năm 2024, Singapore tổ chức một loạt sự kiện lớn với sự góp mặt của nhiều ngôi sao hạng A như Taylor Swift, Ed Sheeran, Bruno Mars và Giải đua công thức 1, thu hút hàng nghìn người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới.

Đặc biệt, 6 buổi concert "cháy vé" của "công chúa nhạc đồng quê" Taylor Swift diễn ra vào tháng 3/2024 đã thu hút hơn 300.000 khán giả từ khắp nơi tề tụ về Singapore. Dù vậy, thành công của chuỗi sự kiện này dẫn đến sự xung đột từ các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, một số ý kiến chỉ trích Singapore vì đã ký các hợp đồng "độc quyền" và thúc giục chính phủ của họ hành động.

Tuy nhiên, các chuyên gia du lịch cho biết thành công của Singapore mang lại lợi ích cho toàn bộ khu vực, thay vì gây tổn hại.

 Concert The Eras Tour của Taylor Swift tại Sân vận động quốc gia Singapore vào ngày 9/3/2024. Ảnh: TenthAvenueFreezeOut.

Concert The Eras Tour của Taylor Swift tại Sân vận động quốc gia Singapore vào ngày 9/3/2024. Ảnh: TenthAvenueFreezeOut.

Ông Christopher Khoo, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn du lịch MasterConsult Services, nhận định: "Sự ồn ào của giới truyền thông và sự công khai cáo buộc Singapore dường như chiếm đoạt các chương trình của họ đã đánh thức các nguồn lực có sẵn của các quốc gia trong phân khúc thị trường này (các buổi hòa nhạc cao cấp) và chỉ ra những thiếu sót về cơ sở hạ tầng hoặc cách thức tổ chức của họ".

Ông Kevin Cheong, đối tác quản lý tại Syntegrate LLP, cũng nhận định rằng việc Singapore nổi lên như điểm đến ưa chuộng của các nghệ sĩ biểu diễn hàng đầu không chỉ mang lại lợi ích cho quốc đảo mà còn có lợi cho các quốc gia lân cận.

"Người dân từ các nước láng giềng sẽ đến Singapore du lịch, điều này có thể thúc đẩy ngành du lịch, lữ hành cũng như hàng không của họ. Bên cạnh Singapore, du khách có thể kéo dài hành trình, khám phá các nước láng giềng. Đây là một tình huống đôi bên cùng có lợi", ông nói.

Vài tuần trước khi loạt hòa nhạc năm 2024 của Taylor Swift diễn ra, một số chính trị gia trong khu vực coi việc nữ ca sĩ chỉ diễn tại Singapore là một sự "thờ ơ" với các quốc gia khác. Một nghị sĩ người Philippines thậm chí còn kêu gọi điều tra xem liệu có thỏa thuận độc quyền nào khiến Singapore trở thành điểm dừng chân duy nhất ở Đông Nam Á trong chuyến lưu diễn của Swift hay không.

Thời điểm đó, Thủ tướng Thái Lan - ông Srettha Thavisin - cũng cam kết sẽ thu hút các nghệ sĩ biểu diễn hàng đầu thế giới đến đất nước ông bằng một loạt biện pháp mới. "Chúng ta có thể đưa các ngôi sao đẳng cấp thế giới và các sự kiện hàng đầu đến Thái Lan. Điều này cần phải được thực hiện", Reuters dẫn lời ông Srettha nói vào tháng 2/2024.

Cựu Bộ trưởng Du lịch Indonesia- ông Sandiaga Uno cũng chia sẻ rằng chính phủ nước này cần rút kinh nghiệm từ "những gì Singapore và Australia đã làm được", đó là đưa được Taylor Swift về biểu diễn. "Chúng ta cần một chiến lược kiểu 'Swiftonomics' cho Indonesia", ông phát biểu.

 Một trong những chặng lưu diễn của Taylor Swifts' Era's Tour tại Mỹ. Ảnh: Gaby Deimeke.

Một trong những chặng lưu diễn của Taylor Swifts' Era's Tour tại Mỹ. Ảnh: Gaby Deimeke.

Theo ước tính của Cơ quan Tiền tệ Singapore và các nhà phân tích tư nhân, hai buổi hòa nhạc của Taylor Swift và Coldplay tại Singapore đã tạo ra doanh thu từ du lịch khoảng 350-450 triệu SGD (tương đương 258-330 triệu USD).

Trong 10 tháng đầu năm 2024, Singapore đón 13,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Thành tích này một phần đến từ chiến lược đa dạng hóa các sự kiện hấp dẫn cho nhiều đối tượng khác nhau của chính phủ.

Chia sẻ với This Week in Asia, các chuyên gia cho rằng việc Singapore trở thành điểm đến yêu thích của các buổi hòa nhạc quy mô lớn tạo ra "hiệu ứng lan tỏa du lịch" cho các quốc gia lân cận vì nơi đây có nhiều chuyến bay. Singapore thu hút các nhà tổ chức sự kiện lớn nhờ cơ sở hạ tầng hiện đại, môi trường ổn định và khả năng tiếp cận thuận tiện.

 Các ngành dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, vận tải, bán lẻ… của Singapore đều được hưởng lợi từ lượng du khách đông đảo đến tham dự tour lưu diễn. Ảnh: Shutterstock.

Các ngành dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, vận tải, bán lẻ… của Singapore đều được hưởng lợi từ lượng du khách đông đảo đến tham dự tour lưu diễn. Ảnh: Shutterstock.

Cần nhiều hơn những concert

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để thực sự trở thành điểm đến hàng đầu cho các sự kiện, Singapore cần vượt xa các buổi hòa nhạc và chú trọng vào phân khúc du lịch kết hợp sự kiện hội nghị, hội thảo và triển lãm (MICE).

"Trong ngành du lịch, MICE đại diện cho phân khúc du lịch cao cấp với tiềm năng doanh thu lớn, yêu cầu cao nhưng phần thưởng cũng lớn hơn", ông Christopher Khoo từ MasterConsult cho biết.

Những sự kiện này đòi hỏi chuyên môn cao và đầu tư dài hạn về cơ sở hạ tầng, nhân lực và trang thiết bị, mang lại cơ hội phát triển cho Singapore nếu biết tận dụng.

Tuy vậy, ông Kevin Wee cảnh báo rằng Singapore có thể thua kém các nước láng giềng trong khu vực về mặt giá cả, đặc biệt khi các quốc gia ASEAN khác cải thiện năng lực cạnh tranh.

"Nếu một quốc gia trong khu vực cung cấp được giải pháp thay thế tương đương nhưng với chi phí thấp hơn, cuộc đua sẽ trở nên rất gay cấn", ông nhấn mạnh.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cong-thuc-cu-ky-nhung-hai-ra-tien-cua-du-lich-singapore-post1522282.html
Zalo