Tp. Hồ Chí Minh tiết kiệm năng lượng nâng cao hiệu quả đầu tư

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và coi đây là một trong những trụ cột quan trọng.

Trong khuôn khổ Dự án "Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam" (VSUEE), ngày 10/1, tại Tp. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức tọa đàm "Tiết kiệm năng lượng - Hiệu quả đầu tư".

Tọa đàm nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển hơn nữa thị trường đầu tư cho tiết kiệm năng lượng, tăng cường hiệu quả kết nối giữa các tổ chức tài chính với các doanh nghiệp công nghiệp trên toàn quốc.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Giám đốc Dự án nhấn mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và coi đây là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo "Chiến lược phát triển ngành năng lượng đên 2030, định hướng đến năm 2045"; khẳng định tiết kiệm năng lượng phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của toàn xã hội.

Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang, ngành công nghiệp hiện đang chiếm tới hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng của Việt nam, là một trong những lĩnh vực tiêu tốn năng lượng nhiều nhất. Trong bối cảnh đó, Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam ra đời nhằm mục đích thúc đẩy cải thiện hiệu suất năng lượng và khuyến khích đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp tại Việt Nam.

“Mục tiêu của Dự án VSUEE nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam, góp phần đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng và triển khai các nhiệm vụ, hành động giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu. Điểm nổi bật của dự án là thí điểm cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng; tháo gỡ rào cản về tiếp cận vốn vay thương mại; tạo động lực huy động các nguồn tài chính; thúc đẩy triển khai các dự án; phát triển thị trường đâu tư tiết kiệm năng lượng…”, bà Nguyễn Thị Lâm Giang nhấn mạnh.

Ông Mã Khai Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm năng lượng (Enerteam) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Ông Mã Khai Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm năng lượng (Enerteam) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Cùng quan điểm, ông Mã Khai Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm năng lượng (Enerteam) cũng chỉ ra những lợi ích của việc tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp; làm giảm chi phí sản xuất và các chi phí khác. Qua đó, nâng cao công suất và chất lượng sản phẩm; nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế; cải thiện môi trường làm việc để nâng cao sức khỏe và sự an toàn cho nhân viên.

“Việc tuân thủ theo luật tiết kiệm năng lượng còn dễ đạt được tiêu chuẩn ISO 50001 trong tương lai; góp phần giảm phát thải khí nhà kính và trong nhiều trường hợp có thể thị trường trao đổi hạn ngạch carbon; đồng thời tạo được uy tín và hình ảnh tốt của doanh nghiệp trên thị trường nhờ cải thiện các vấn đề về biến đổi khí hậu…”, ông Mã Khai Hiền khẳng định.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Mã Khai Hiền cũng chỉ ra các giải pháp, công nghệ tiết kiệm năng lượng hiệu quả cao; các phương pháp tiếp cận tiết kiệm năng lượng; các giải pháp đặc thù cho các ngành sản xuất như: xi măng, dệt may, nhựa, giấy, thép, rượu bia giải khát và chế biến thủy sản…

Trên cơ sở các hoạt động và mục tiêu của Dự án VSUEE, bao gồm các hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và những lợi ích dành cho doanh nghiệp công nghiệp và tổ chức tài chính khi tham gia vào Dự án, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) khái quát về Quỹ Chia sẻ rủi ro (RSF - thuộc hợp phần 1 của Dự án VSUEE ) có quy mô 75 triệu USD từ nguồn vốn hoàn lại do Quỹ Khí hậu xanh cấp thông qua Ngân hàng Thế giới.

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

“Quỹ Chia sẻ rủi ro không chỉ giúp cho doanh nghiệp công nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay trung – dài hạn dễ dàng; giảm bớt yêu cầu về tài sản đảm bảo; giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, tăng lợi nhuận nhờ tiết kiệm năng lượng mà còn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng dự án, lựa chọn công nghệ hay nhà cung cấp; chuẩn bị báo cáo khả thi, kiểm toán năng lượng; nâng cao năng lực quản lý năng lượng, học tập, chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt, Quỹ Chia sẻ rủi ro còn giúp doanh nghiệp nâng tầm thương hiệu thông qua các chứng chỉ từ Ngân hàng Thế giới; thương hiệu được quảng bá trên website Ngân hàng Thế giới, Ban tổ chức; nâng cao uy tín với các tổ chức tín dụng, đối tác trong và ngoài nước…”, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chia sẻ.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận xoay quanh trạm thông tin "Con đường tài chính" và "Giải pháp tiết kiệm năng lượng và các hỗ trợ kỹ thuật" nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các tổ chức tài chính trao đổi trực tiếp, giải quyết toàn diện các vấn đề liên quan trong quá trình triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng. Các đại biểu cũng tin tưởng việc kết nối chặt chẽ giữa các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp công nghiệp sẽ tạo môi trường thuận lợi, bền vững thúc đẩy hiện thực hóa các dự án tiết kiệm năng lượng, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Thanh Vũ/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tp-ho-chi-minh-tiet-kiem-nang-luong-nang-cao-hieu-qua-dau-tu/359792.html
Zalo