TP Hồ Chí Minh: Tăng tốc các dự án giao thông trọng điểm

Trong bối cảnh giao thông ngày càng quá tải, TPHCM đã tập trung triển khai hàng loạt công trình quan trọng. Những dự án như nút giao An Phú, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và tuyến đường Vành đai 3 đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào khai thác.

Thi công cả ngày lẫn đêm

Tiếp nối thành công của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dự án metro số 2 đang được thi công khẩn trương. Trên các công trường, hàng trăm công nhân cùng các loại máy móc làm việc xuyên suốt ngày lẫn đêm. Nhà thầu phấn đấu hoàn thành toàn bộ các hạng mục cơ bản như hệ thống cấp thoát nước, hạ tầng kỹ thuật và các ga ngầm theo đúng kế hoạch dự kiến vào giữa năm 2025.

Ông Phan Công Bằng, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, chia sẻ, các đội thi công phải làm việc trong điều kiện đặc biệt khó khăn bởi hầu hết các hạng mục nằm dọc hai bên đường Cách Mạng Tháng Tám có mật độ giao thông cao. Để giảm thiểu tác động đến người dân, công nhân chỉ thi công vào ban đêm (từ 20 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau). Sau đó, mặt bằng được hoàn trả để các phương tiện lưu thông bình thường...

Trong khi đó, việc giải quyết tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất đang được kỳ vọng rất lớn vào công trình Nhà ga T3, với tổng vốn đầu tư 10.990 tỷ đồng. Công trình bao gồm nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng, hệ thống cầu cạn và sân đỗ máy bay.

Đến nay, dự án đã hoàn thành 83% tổng khối lượng, bao gồm cả phần xây thô và đang tiến hành hoàn thiện nội thất. Dự kiến, công trình sẽ đưa vào khai thác đúng dịp 30-4-2025, giúp nâng công suất phục vụ lên 20 triệu hành khách/năm. Đây không chỉ là bước ngoặt lớn trong nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không mà còn giảm áp lực cho nhà ga hiện hữu.

Tại TP Thủ Đức, công trình nút giao An Phú - một trong những nút giao hiện đại nhất TPHCM, cũng đang dần hoàn thiện sau gần 2 năm thi công. Các kỹ sư và công nhân miệt mài thực hiện các công đoạn khoan, đổ bê tông và lắp ráp. Phần lớn cầu vượt và hầm chui đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng kết nối các tuyến đường trọng điểm như Mai Chí Thọ và Đồng Văn Cống. Khi đưa vào sử dụng, nút giao này sẽ giúp giảm ùn tắc và tăng cường lưu thông cho khu vực phía Đông thành phố.

Phấn đấu hoàn thành Vành đai 3 trước thời hạn

Dự án đường Vành đai 3 đang được triển khai trên địa bàn huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn, với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”. Hiểu được tầm quan trọng của dự án, lãnh đạo TPHCM thường xuyên kiểm tra từng hạng mục công trình và chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, sớm đưa dự án đường Vành đai 3 (đoạn 15km qua địa bàn TP Thủ Đức) vào khai thác phục vụ người dân, không đợi đến mốc tiến độ cam kết ngày 30-4-2025.

Dự án đường Vành đai 3 có tổng chiều dài hơn 90km, là tuyến đường liên vùng đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Trong đó, mỗi địa phương thực hiện 2 dự án, gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng. Toàn tuyến Vành đai 3 khi hoàn thành ngoài kết nối giao thông, tạo hành lang đô thị, công nghiệp cho 4 tỉnh thành dự án đi qua, còn tác động cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường kiểm tra và chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 3

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường kiểm tra và chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 3

Theo đồng chí Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, tầm quan trọng của Vành đai 3 là trục giao thông chiến lược, kết nối liên vùng. Với mốc tiến độ được chủ đầu tư đưa ra cuối năm 2025 sẽ thông xe kỹ thuật đoạn trên cao nên tiến độ cần rút ngắn hơn.

Khi đưa vào khai thác, tuyến đường sẽ giúp giảm áp lực giao thông cho khu Đông thành phố, góp phần vào mục tiêu quốc gia là năm 2025 cả nước sẽ có 3.000km đường cao tốc. Với tinh thần như vậy, mới đây thành phố đã phát động phong trào “Đợt thi đua 365 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường Vành đai 3 đoạn qua TPHCM”, kỳ vọng dự án sẽ hoàn thành sớm nhất có thể.

“Với yêu cầu toàn dự án phải hoàn thành giữa năm 2026 nên các đơn vị cần tập trung nguồn lực, giải pháp thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình”, đồng chí Bùi Xuân Cường nhấn mạnh.

Khởi công nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1

Ngày 31-12, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ phối hợp Sở GTVT TPHCM khởi công dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên quốc lộ 13 và cầu Bình Phước 1 trên quốc lộ 1. Mục tiêu của dự án là đảm bảo độ tĩnh không các cầu trên sông Sài Gòn đạt tối thiểu 7m, tạo điều kiện phát triển giao thông đường thủy, tăng cường kết nối các cảng thủy nội địa của TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh và các tỉnh lân cận.

Dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 có phạm vi từ mố cầu hiện hữu phía quận Bình Thạnh (cách 93,4m, hướng về Bến xe Miền Đông cũ) đến mố cầu phía TP Thủ Đức (cách 92,4m, hướng về đường Phạm Văn Đồng), với tổng chiều dài khoảng 770,4m. Dự án nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1 kéo dài từ mố cầu hiện hữu phía quận 12 (cách 152m, hướng về nút giao Ngã Tư Ga) đến mố cầu phía TP Thủ Đức (cách 128m, hướng về nút giao Bình Phước), với tổng chiều dài khoảng 759,69m.

QUỐC HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tp-ho-chi-minh-tang-toc-cac-du-an-giao-thong-trong-diem-post775792.html
Zalo