Kỷ lục chưa từng có trong lĩnh vực hiến, ghép tạng ở Việt Nam

41 gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng người thân chết não trong năm 2024, hơn tổng số trường hợp 3 năm trước đó cộng lại.

Thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chia sẻ tại hội nghị tổng kết mạng lưới hiến mô, tạng từ người chết não 2024 và định hướng phát triển 2025 diễn ra ngày 7/1.

Trong 3 năm (2021, 2022, 2023) cả nước có 36 trường hợp chết não hiến tạng. Riêng năm 2024, đã có 41 người chết não được gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng. "Đây là con số kỷ lục của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại", Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

41 ca này tập trung ở 13 tỉnh/thành. Tỷ lệ ca ghép tạng từ nguồn hiến là người chết não tăng lên 13% tổng số ca ghép tạng (trước đây chỉ 4-6%).

Các thầy thuốc cúi đầu tri ân người chết não hiến tạng cứu nhiều bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Các thầy thuốc cúi đầu tri ân người chết não hiến tạng cứu nhiều bệnh nhân. Ảnh: BVCC

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, cho biết cùng với việc gia tăng mạnh số ca ghép tạng từ người cho chết não so với năm 2023, số lượng người đăng ký hiến mô tạng sau khi chết/chết não tăng gấp 3 lần.

Theo ông Hệ, với tốc độ tăng số ca hiến và ghép tạng từ người cho chết não như hiện nay, chỉ trong 3 năm nữa Việt Nam sẽ có số ca hiến tạng từ người cho chết não bằng với Hàn Quốc.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh 2024 là năm chuyên ngành ghép tạng ghi dấu ấn mạnh mẽ khi được vinh danh là một trong những sự kiện tiêu biểu của y học Việt Nam. Đến nay, sau hơn 30 năm thực hiện ghép tạng, với ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992, Việt Nam đã thực hiện được hơn 9.500 ca trên cả nước với sự tham gia của 27 bệnh viện, trung tâm.

Thứ trưởng cho biết 3 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta đã thực hiện thành công trên dưới 1.000 ca ghép tạng, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, dù vậy hiến - ghép tạng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh.

Theo GS Thuấn, Bộ Y tế đang chỉ đạo để từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động hiến, lấy, ghép mô tạng phát triển mạnh mẽ và bền vững. Bước đầu là cập nhật, hoàn thiện hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, từ đó đưa ra định mức kinh tế - kỹ thuật, xây dựng một mức giá được tính đúng, tính đủ, bao phủ toàn bộ chi phí cấu thành, và hướng đến thanh toán BHYT.

Thông tin tại hội nghị, tới đây, BHXH Việt Nam sẽ xem xét thanh toán 100% chi phí cho ghép thận, bao gồm toàn bộ các bước từ tư vấn, vận động đến ghép, điều trị sau ghép.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ky-luc-moi-chua-tung-co-trong-linh-vuc-hien-ghep-tang-o-viet-nam-2361089.html
Zalo