Metro – bước tập dượt mới của văn minh đô thị hiện đại

Metro có thể vắng hơn ngày đầu khai trương rất nhiều khi bắt đầu thu phí, do giá vé và cả sự tiện lợi đi lại. Các sự cố chập điện, mất điện tuần rồi giống như phép thử để các chuyến metro của TPHCM an toàn hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Việc vận hành hiệu quả hệ thống giao thông công cộng mới cũng là bài toán lâu dài của quy hoạch. Câu chuyện của các thành phố trong khu vực cũng đáng được suy ngẫm…

Dòng người xếp hàng dài chờ trải nghiệm tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: N.K

Dòng người xếp hàng dài chờ trải nghiệm tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: N.K

1. Tháng 12-1999, tuyến đường sắt trên cao BTS Skytrain khai trương ở Bangkok, Thái Lan. Trong những ngày đầu khai trương và được miễn phí, người sử dụng đông nghẹt. Nhưng khi bắt đầu thu phí, hai tuyến BTS Skytrain bắt đầu vắng hẳn và chỉ có dân văn phòng sử dụng.

Bởi lúc đó người dân chưa quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoàn toàn mới này ở Bangkok. Kế đến, hệ thống chưa hoàn thiện bởi hai tuyến đầu tiên chưa thể phủ khắp thành phố, kết nối với xe buýt và xe ôm chưa thuận tiện. Cuối cùng là giá vé, dù được xem là rẻ hơn taxi và cả xe ôm, nhưng giá vé ban đầu vẫn là sự trở ngại với những người có thu nhập thấp.

Nhưng hệ thống đường sắt trên cao BTS và rồi hệ thống xe điện ngầm MRT phát triển nhanh chóng. Ban đầu, mức công suất dự kiến là 105.000 lượt khách mỗi ngày, nhưng lượng khách thực tế luôn thấp hơn. Hai mươi năm sau, năm 2019, lượng khách trên toàn hệ thống đạt 750.000 lượt khách mỗi ngày. Cái bất tiện mà người dân và du khách phàn nàn nhiều nhất là phải mua vé riêng lẻ, bởi các tuyến hay nhánh khác nhau thuộc các chủ đầu tư và nhà điều hành khác nhau.

Hệ thống skytrain và metro của Bangkok được đánh giá là hiệu quả và tiện lợi, nhưng các sự cố như chập điện, mưa dột hay ngập nước không phải không có. BTS Skytrain xây ở trên cao, nhưng một số vùng của Bangkok có thể bị ngập, khiến việc đến nhà ga gặp khó khăn. Các lỗi kỹ thuật nhỏ thuộc lỗi hệ thống, cửa tàu bị kẹt, hoặc mất điện cục bộ vẫn xảy ra, nhưng tất cả thường được xử lý nhanh chóng.

Tương tự, hệ thống metro cũng gặp các sự cố như vậy, nhưng những nhà thiết kế đã dự liệu trước và xử lý tốt. Chẳng hạn, Bangkok thường bị ngập lụt trong mùa mưa, nên các cửa ra vào của metro được xây bục và tường chống lũ cao hơn 1 mét. Theo Bangkok Post, tai nạn lớn nhất là sự va chạm giữa hai đoàn tàu tháng 1-2005, làm khoảng 160 người bị thương…

2. Các thành phố lớn khác ở Đông Nam Á cũng gặp các vấn đề tương tự như Bangkok. Manila của Philippines là thành phố đầu tiên ở Đông Nam Á có hệ thống đường sắt nội thành dùng chở khách (light rail) vào năm 1984, và metro vào năm 1999. Singapore xây dựng tuyến metro đầu tiên vào năm 1987 và vẫn đang tiếp tục mở rộng. Kế tiếp là Kuala Lumpur, Malaysia triển khai từ năm 1996 và gần nhất là Jakarta của Indonesia vào năm 2019…

Tất cả hệ thống đều có một điểm chung là thưa thớt khách ngay khi bắt đầu thu phí. Chính quyền các thành phố có cách tiếp cận khác nhau trong chuyện giá vé, sự kết nối thuận tiện với các phương tiện khác.

Trong khi hệ thống metro Jakarta đang được xây dựng, Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo lúc đó đã triệu tập nhà điều hành các hãng gọi xe công nghệ như Grab và Gojek để thảo luận việc phân bổ hợp lý tài xế ở các trạm, tạo sự thuận tiện cho hành khách đi lại, nhằm loại bỏ hẳn phương tiện cá nhân.

Nhưng bài học thành công trong xây dựng hệ thống metro Jakarta sẽ không thể áp dụng cho Bali, hòn đảo du lịch nổi tiếng nhất của nước này. Bởi các khác biệt về địa hình địa chất, mật độ dân cư và tiềm năng kinh tế - xã hội. Nhưng dù vậy, giai đoạn đầu xây dựng hệ thống đường sắt nội thành của dự án trị giá 20 tỉ đô la đã khởi công vào tháng 9-2024 vừa qua.

Với chiều dài 230 ki lô mét, hệ thống metro Singapore được xem là hiện đại và hiệu quả nhất khu vực. Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xây dựng mạng lưới MRT và xe buýt phủ khắp đảo quốc, nhà ga và điểm chờ xe buýt sạch sẽ. Giá rẻ, vé tích hợp sử dụng được trên metro, xe buýt và các phương tiện khác.

Kể từ năm 2018, Cơ quan quản lý giao thông và đất đai (LTA) của Singapore đã xây dựng 200 ki lô mét đường đi bộ có mái che từ trạm xe buýt và metro đến các khu dân cư. LTA nói, người đi bộ có thể tìm đường đi có mái che trong phạm vi 400 mét từ trạm MRT và 200 mét từ trạm xe buýt. LTA khuyến khích người dân sử dụng đường chỉ dành cho người đi bộ, trước khi quy định này trở thành bắt buộc từ ngày 1-7-2025.

3. Ở một hệ thống trưởng thành và lâu đời như Melbourne Metro ở Úc, chính quyền có cách tiếp cận khác. Xe tram - xe điện chạy bằng cáp trên mặt đất - xuất hiện tại đây từ năm 1885. Hệ thống xe điện ngầm chỉ hoạt động từ năm 1980.

Cứ từ 2 giờ chiều ngày 24-12 (Christmas Eve) và ngày 31-12 (New Year Eve) thì Metro - công ty xe lửa, xe điện ngầm của Melbourne - hoàn toàn thả cửa cho hành khách được đi lại miễn phí trong hôm đó và ngày hôm sau. Metro còn tăng chuyến, có những chuyến tàu vào lúc rạng sáng để khách đi chơi có thể an toàn về nhà. Dĩ nhiên Metro không lỗ vì chính quyền đã tìm nhà tài trợ để Metro có thể miễn phí cho khách. Ngoài nhà tài trợ vận chuyển, chính quyền cũng tìm nhà tài trợ pháo hoa cho sự kiện countdown chào năm mới. Đường phố vẫn đông vui nhưng bớt kẹt xe, an toàn và vui vẻ.

Nhưng trước đó, các thông điệp nhắc nhở mọi người hãy để xe hơi ở nhà, sử dụng xe công cộng để đến nơi tiệc tùng, vui chơi… được đăng trên báo, phát trên radio và truyền hình. Mọi người luôn được nhắc nhở rằng trong tâm trạng quá vui vào dịp lễ, ai cũng có thể quá chén mà vẫn lái xe thì có thể gây ra tai nạn. Và chính quyền chính là người trả tiền cho các quảng cáo đó.

4. Sự cố chập điện và mất điện khiến nhiều đoàn tàu dừng hoạt động trong tuần rồi, tình trạng đông nghẽn trong ngày đầu khai trương miễn phí và rồi sẽ dần vắng khách khi bắt đầu thu phí… Đây sẽ là những vấn đề mà hệ thống metro TPHCM phải đối diện trong thời gian sắp tới. Có nhiều điều cần cải thiện để thuyết phục người dân thành phố bỏ hẳn xe máy để sử dụng metro. Đã có những chiếc xe buýt của Phương Trang từ khắp nơi đổ về các ga, xe của các hãng gọi xe công nghệ cũng vậy…

Dù đã khai trương chính thức, nhưng hệ thống vẫn đang chạy thử, kiểm tra khả năng xử lý của đội ngũ vận hành và cả ứng xử văn minh ở nơi công cộng của người dân thành phố.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/metro-buoc-tap-duot-moi-cua-van-minh-do-thi-hien-dai/
Zalo