TP Hồ Chí Minh: Sinh viên thú y 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' tiêm phòng dại cho chó mèo

Khoảng 60 sinh viên ngành Thú y - Chăn nuôi, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện, cùng cán bộ thú y địa phương đến từng khu phố, gõ cửa từng nhà tại các quận Gò Vấp và Quận 12 để tiêm phòng vaccine dại cho chó, mèo.

Đây là năm thứ hai liên tiếp khoa Thú y – Chăn nuôi phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh triển khai chương trình “Phòng, chống dịch bệnh động vật tại TP Hồ Chí Minh”, diễn ra từ ngày 14/5 đến 31/5. Không chỉ là hoạt động phòng dịch thường niên, chiến dịch còn là dịp để sinh viên được rèn luyện kỹ năng thực hành, nâng cao năng lực chuyên môn và tinh thần phục vụ cộng đồng.

Sinh viên được tập huấn trước khi thực chiến. Ảnh: N.T

Sinh viên được tập huấn trước khi thực chiến. Ảnh: N.T

Trước khi tham gia, sinh viên được chuyên gia từ Trạm Chăn nuôi và Thú y liên Quận 12 – Gò Vấp và giảng viên nhà trường tập huấn đầy đủ về kỹ thuật tiêm phòng, giao tiếp với người dân và xử lý tình huống thực tế. Trong suốt chiến dịch, các bạn được chia thành từng nhóm nhỏ, phối hợp cùng cán bộ thú y đi từng khu phố, hộ dân để khám sàng lọc, tiêm vaccine phòng dại, ghi nhận thông tin tiêm chủng, cấp giấy chứng nhận và hướng dẫn người dân cách chăm sóc vật nuôi an toàn.

Các chuyên gia từ Trạm Chăn nuôi và Thú y liên Quận 12 - Gò Vấp và thầy cô hướng dẫn kỹ năng thực hành để sinh viên tham gia hiệu quả vào chiến dịch tiêm phòng tại cộng đồng. Ảnh: N.T

Các chuyên gia từ Trạm Chăn nuôi và Thú y liên Quận 12 - Gò Vấp và thầy cô hướng dẫn kỹ năng thực hành để sinh viên tham gia hiệu quả vào chiến dịch tiêm phòng tại cộng đồng. Ảnh: N.T

So với những buổi thực hành trên giảng đường, hoạt động thực tế mang đến nhiều trải nghiệm đặc biệt. Các sinh viên không chỉ học cách xử lý khi vật nuôi kích động, chủ nuôi e ngại, hay không gian tiêm không thuận lợi, mà còn rèn luyện kỹ năng mềm trong tiếp xúc cộng đồng.

Sinh viên lắng nghe hướng dẫn và phối hợp cùng Trạm Chăn nuôi - Thú y liên quận Quận 12 triển khai chiến dịch. Ảnh: N.T

Sinh viên lắng nghe hướng dẫn và phối hợp cùng Trạm Chăn nuôi - Thú y liên quận Quận 12 triển khai chiến dịch. Ảnh: N.T

Phạm Ngọc Trâm Anh, sinh viên năm 2 chia sẻ: “Lúc đầu em khá hồi hộp khi lần đầu được tiếp xúc trực tiếp với người dân và vật nuôi trong môi trường thật. Nhưng nhờ sự hỗ trợ tận tình của thầy cô và cán bộ trạm, em tự tin hơn từng ngày. Nhìn những chú chó, mèo khỏe mạnh và người dân tin tưởng, em cảm thấy rất tự hào về công việc mình đang làm”.

59 sinh viên sẽ được chia thành từng nhóm đến từng khu phố, tiếp cận hộ dân kiểm tra tình trạng vật nuôi và thực hiện tiêm phòng. Ảnh: N.T

59 sinh viên sẽ được chia thành từng nhóm đến từng khu phố, tiếp cận hộ dân kiểm tra tình trạng vật nuôi và thực hiện tiêm phòng. Ảnh: N.T

Theo ThS. Vũ Hải Yến, Phó Trưởng khoa Thú y - Chăn nuôi, chiến dịch không chỉ giúp địa phương nâng cao tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại mà còn tạo cơ hội để sinh viên áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn, nâng cao năng lực hành nghề trong tương lai.

“Chúng tôi luôn hướng đến việc đào tạo sinh viên vừa có năng lực chuyên môn, vừa có trách nhiệm với cộng đồng. Đây cũng là cách để kết nối nhà trường với các đơn vị thú y địa phương, cùng chung tay phòng chống dịch bệnh”, cô Yến cho biết.

Đây cũng là dịp để các bác sĩ thú y tương lai thể hiện năng lực chuyên môn, sự tận tâm và tác phong nghề nghiệp trong môi trường thực tế. Ảnh: N.T

Đây cũng là dịp để các bác sĩ thú y tương lai thể hiện năng lực chuyên môn, sự tận tâm và tác phong nghề nghiệp trong môi trường thực tế. Ảnh: N.T

TP Hồ Chí Minh hiện là địa phương duy nhất trên cả nước đạt chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại cấp tỉnh. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo trên địa bàn thường xuyên đạt trên 90% tổng đàn nhờ các chiến dịch tiêm phòng đại trà vào tháng 3 - 5 hằng năm và tiêm bổ sung theo từng lứa tuổi.

Tuy nhiên, để duy trì kết quả này, ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng, cần có sự đồng hành từ phía người dân trong việc thống kê đàn vật nuôi định kỳ (vào ngày 1/1 và 1/7 hằng năm), hỗ trợ công tác rà soát, chuẩn bị vaccine, vật tư và đội ngũ tiêm phòng.

Chiến dịch diễn ra từ ngày 14/5 - 31/5, kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ tiêm phòng cho vật nuôi tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: N.T

Chiến dịch diễn ra từ ngày 14/5 - 31/5, kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ tiêm phòng cho vật nuôi tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: N.T

Với sự chung tay của lực lượng sinh viên trẻ, giàu nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, chiến dịch phòng chống bệnh dại năm nay không chỉ giúp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả mà còn lan tỏa tinh thần học để phục vụ cộng đồng, một giá trị cốt lõi trong đào tạo nguồn nhân lực ngành thú y hiện nay.

Theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó mèo cần đảm bảo đạt ít nhất 70% tổng đàn để có hiệu quả trong phòng chống bệnh dại. Mũi tiêm phòng vaccine dại đầu tiên thực hiện vào lúc chó mèo được 12 tuần tuổi, sau đó hằng năm tiêm phòng nhắc lại. Trong trường hợp chó hoặc mèo được tiêm phòng trước 12 tuần tuổi, lịch tiêm phòng đầu tiên phải được tiêm chủng bổ sung 1 mũi tiêm vào lúc 12 tuần tuổi hoặc lớn hơn (hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất vaccine). Hằng năm, tiêm phòng nhắc lại nhằm tạo miễn dịch phòng chống bệnh dại tốt hơn cho chó, mèo.

Đan Phương/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/anh/tp-ho-chi-minh-sinh-vien-thu-y-di-tung-ngo-go-tung-nha-tiem-phong-dai-cho-cho-meo-20250517201321685.htm
Zalo