Rủi ro địa chính trị gia tăng, các bậc cha mẹ Trung Quốc dần 'quay lưng' với giáo dục quốc tế
Con đường du học và có được bằng cấp quốc tế - những tiêu chuẩn từng được tầng lớp trung lưu Trung Quốc coi là nền tảng cho thành công của tương lai - đang dần mất đi sức hấp dẫn, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro địa chính trị toàn cầu gia tăng đáng kể.

Con đường du học và có được bằng cấp quốc tế - những tiêu chuẩn từng được tầng lớp trung lưu Trung Quốc coi là nền tảng cho thành công của tương lai - đang dần mất đi sức hấp dẫn. (Nguồn: SCMP)
Nhận thấy tương lai nhiều bất định, cô Eva Deng một giám đốc nhân sự đang sinh sống tại Thâm Quyến - một thành phố phía Nam Trung Quốc đã buộc phải đưa ra quyết định khó khăn mà bản thân chưa từng nghĩ đến - chuyển cậu con trai 12 tuổi từ trường quốc tế sang công lập.
Mặc dù đã đạt được trình độ tiếng Anh lưu loát, Eva Deng cuối cùng đã từ bỏ kế hoạch cho con đi du học ở Anh hay Mỹ, thay vào đó hướng mục tiêu đến các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc để theo học các chuyên ngành liên quan đến khoa học và công nghệ mới nổi như bán dẫn hay trí tuệ nhân tạo (AI).
Cậu bé kết thúc chương trình học 6 năm theo hệ giáo dục của Anh quốc để tham gia các cuộc thi trong nước về Lập trình, Toán học và Khoa học - những môn học quan trọng đối với học sinh Trung Quốc khi xét đầu vào các trường trung học và đại học hàng đầu trong nước.
Chuẩn bị lộ trình cho con trai có thể đủ điều kiện để vào học tại một đại học danh tiếng của Trung Quốc trong tương lai, cô Eva Deng cũng đã chi hàng chục nghìn NDT để theo học các khóa học về lập trình. "Có vẻ những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc từ các trường đại học trong nước sẽ có tương lai tươi sáng phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế Trung Quốc hơn", cô dự báo.
Khi giáo dục quốc tế không còn là lựa chọn hàng đầu
Những trường hợp như cô Eva Deng đang dần trở nên phổ biến tại Trung Quốc - phản ánh sự chuyển hướng nhu cầu của tầng lớp trung niên tại quốc gia có dân số lớn thứ hai thế giới - những người từng luôn coi nền giáo dục quốc tế là lựa chọn tối ưu.
Theo các chuyên gia giáo dục, động lực chuyển hướng đến từ những rủi ro địa chính trị và yếu tố bất ổn của tình hình thế giới. Cùng với đó là tăng trưởng kinh tế chậm lại, rủi ro về tài chính, khủng hoảng của thị trường bất động sản...khiến cho tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ ngày càng tăng cao.
“Không chỉ riêng con trai tôi – gia đình một số học sinh khác trong lớp cũng đang nghĩ đến việc chuyển sang trường công khi các bậc phụ huynh bắt đầu cân nhắc về tương lai của các con trong bối cảnh tình hình quốc tế nhiều biến động. Việc theo học tại một trường đại học trong nước có lẽ sẽ tốt hơn cho con trẻ", cô Eva Deng chia sẻ.
Trong khi đó, theo cô Fang Li, một phụ huynh khác ở Quảng Châu có con đang học ở trường quốc tế than phiền, học phí du học ở nước ngoài vẫn không ngừng tăng cao - có thể chiếm một khoản tiền tiết kiệm rất lớn, trung bình từ 600.000 - 700.000 NDT/năm đối với một gia đình trung lưu.
Dù trước đó, cô Fang Li có kế hoạch cho con đi du học tại Mỹ nhưng thời điểm này cô lại đang trở nên thận trọng hơn khi xét đến vấn đề tài chính, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Cô Fang Li cho biết, nếu như trước đây phần lớn các bậc phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu đều muốn đưa con cái ra nước ngoài du học thì giờ đây quan điểm đó đã thay đổi khá nhiều. "Những sinh viên trẻ học ở nước ngoài đang ở một vị thế ngày càng khó xử. Họ đang phải đối mặt với một tương lai mà cơ hội việc làm cho sinh viên quốc tế ở châu Âu và Mỹ có thể giảm mạnh do những ảnh hưởng về địa chính trị, trong khi thị trường việc làm trong nước cũng đang ngày càng cạnh tranh", cô phân tích.
Một mối quan tâm khác đối với các bậc phụ huynh Trung Quốc trong những năm gần đây là sự gia tăng bạo lực và phân biệt sắc tộc đối với người châu Á ở một số quốc gia phương Tây. Đáng chú ý, tình trạng này đang có xu hướng gia tăng trong đại dịch và sau một loạt chính sách chống nhập cư của chính quyền Tổng thống Trump.
"Chúng tôi luôn muốn con cái mình được tiếp xúc với nhiều văn hóa khác nhau và mở rộng tầm nhìn nhưng các vấn đề phân biệt sắc và xung đột văn hóa đang ngày càng trở nên khó cân bằng", cô Eva Deng lo lắng.
Không giống như nhiều năm trước, khi bằng cấp nước ngoài thường được các nhà tuyển dụng Trung Quốc coi trọng hơn bằng cấp từ một trường đại học trung bình trong nước, thì hiện nay nhiều dấu hiệu cho thấy bằng cấp nước ngoài không còn được ưa chuộng trên thị trường việc làm Trung Quốc.
Theo báo cáo xu hướng nhân tài gần đây do công ty tuyển dụng Liepin của Trung Quốc thực hiện, riêng trong quý I và quý II/2025, hơn 70% nhà tuyển dụng Trung Quốc cho biết, họ không có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực có bằng cấp nước ngoài.
Thậm chí một số thành phố lớn như Quảng Đông hay Bắc Kinh cũng đưa ra quy định, những người trở về từ nước ngoài sẽ không đươc phép tham gia chương trình tuyển dụng công chức đặc biệt - vốn dành cho những sinh viên tốt nghiệp các đại học hàng đầu đất nước.
Bên cạnh đó, "so với các thế hệ trước, thế hệ GenZ - vốn sinh sau năm 2000 của Trung Quốc lớn lên trong điều kiện khá giả và có ý thức tự hào dân tộc tốt hơn - không còn mặn mà với việc du học" - Chen Zhiwen, nhà nghiên cứu giáo dục và là thành viên của Hiệp hội Chiến lược phát triển giáo dục Trung Quốc cho hay.
Cũng theo Hiệp hội này, ngày càng ít sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc chọn theo đuổi việc học lên cao ở nước ngoài. Đại học Bắc Kinh cho biết, số sinh viên đại học theo đuổi các bậc học cao hơn ở nước ngoài năm 2024 đã giảm khoảng 21% so với năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Đại học Thanh Hoa chứng kiến mức giảm 28% trong cùng kỳ. Viện Công nghệ Bắc Kinh ghi nhận mức giảm 50%. Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc và Đại học Phục Đán cũng báo cáo mức giảm lần lượt là 28,57 và 17,7% trong cùng kỳ.
Ông Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh, lưu ý rằng văn hóa du học hiện tại của Trung Quốc vẫn chủ yếu hướng đến bằng cấp. Nhưng hiện tại, xu hướng này đang sụt giảm sức khấp dẫn khi số lượng sinh viên nước ngoài và lượng người hồi hương tăng lên.
"Cùng với khoản đầu tư tài chính đáng kể, giá trị của việc du học lấy bằng cấp làm động lực đang ngày càng bị nghi ngờ", ông Xiong Bingqi nói.
Mỹ mất dần sức hấp dẫn
Không chỉ chuyển hướng sang các đại học trong nước, nhiều gia đình trung lưu cũng chuyển hướng cho con du học ở các quốc gia Đông Nam Á cung cấp dịch vụ giáo dục quốc tế nhưng với chi phí sinh hoạt thấp hơn Mỹ, châu Âu.
Báo cáo từ Công ty tuyển dụng hàng đầu Zhaopin.com cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trở về từ Malaysia và Singapore năm 2024 đã tăng lần lượt 70,5% và gần 35%, do chất lượng giáo dục tương đối cao và chi phí sinh hoạt thấp.
Vương quốc Anh cũng là một địa điểm được yêu thích của du học sinh Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới gia tăng căng thẳng.
"Ngày càng nhiều tổ chức du học cung cấp các khóa học A-level, nhắm mục tiêu đến Vương quốc Anh, trong khi loại bỏ chương trình giảng dạy nâng cao (AP), nhắm mục tiêu đến Mỹ", Baron Wu, chuyên gia đến từ công ty giáo dục quốc tế lớn có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết.

Du học Mỹ đang mất dần sức hút đối với sinh viên Trung Quốc. (Nguồn: SCMP)
Dữ liệu từ Cục Lãnh sự Trung Quốc, số lượng thị thực du học Mỹ mới - thị thực F-1 - được cấp cho công dân Trung Quốc trong năm học 2023 cũng giảm khoảng 18% so với năm 2019. Từng là điểm đến hàng đầu của các sinh viên Trung Quốc, Mỹ đã giảm sức hút đáng kể so với nhiều quốc gia khác.
Theo Báo cáo Open Doors năm 2023 về Trao đổi giáo dục quốc tế do Viện giáo dục quốc tế công bố, số lượng sinh viên Trung Quốc tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014, ở mức dưới 290.000 sinh viên.
Sự giảm sút đáng kể về số lượng các sinh viên Trung Quốc theo học tại Mỹ cũng đến từ những chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Theo đài NBC News, tính đến ngày 16/4, chính quyền Mỹ đã thu hồi thị thực của sinh viên quốc tế tại ít nhất 32 tiểu bang, chỉ 3 tháng sau khi ông Trump nhậm chức. Các luật sư và chuyên gia chính sách về di trú cho biết, việc tập trung vào sinh viên quốc tế là một phần trong chiến dịch trấn áp nhập cư và trục xuất lớn hơn của chính quyền Tổng thống Trump, khi những người nhập cư ở mọi tình trạng đều bị giám sát chặt chẽ.
Chính quyền mới cũng gây sức ép buộc Đại học Harvard cung cấp cho các cơ quan an ninh hồ sơ chi tiết về các sinh viên quốc tế như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm buộc các trường đại học hàng đầu của Mỹ phải tuân thủ theo những quy định mới.
"Đó chỉ là một phần trong toàn bộ kế hoạch của họ nhằm giảm hoàn toàn tình trạng nhập cư", Jath Shao, một luật sư về di trú có trụ sở tại Cleveland, người điều hành một công ty luật trực tuyến và đại diện cho một số sinh viên quốc tế, phần lớn là người châu Á, cho biết. "Họ nhắm vào những người nhỏ bé và yếu đuối - những người không có nhiều nguồn lực để tự vệ".
Sinh viên và các trường đại học cho biết đang có một tâm lý hoang mang lớn về lý do đằng sau việc thu hồi visa, tính hợp pháp của các hành động từ phía chính phủ, cũng như về các lựa chọn mà những người đã mất visa hoặc trong tình trạng cư trú hiện có thể làm để tiếp tục con đường học tập của mình.
Du học sinh Trung Quốc vẫn là nhóm du học sinh lớn nhất tại Mỹ trong 15 năm, cho đến khi Ấn Độ vượt qua vào năm ngoái. Theo dữ liệu từ Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), sinh viên Trung Quốc đóng góp khoảng 14,3 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ thông qua học phí và chi tiêu sinh hoạt.