Thái Nguyên thúc đẩy chuyển đổi số, tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn
Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 700 doanh nghiệp chuyển đổi số, kinh tế số đóng góp 20% vào GRDP của tỉnh; đến năm 2030 có trên 3.000 doanh nghiệp công nghệ số, phấn đấu kinh tế số chiếm trên 30% GRDP của tỉnh.
Quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ đã mang lại những tác động tích cực đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Đặc biệt, chuyển đổi số góp phần quan trọng tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên phát triển các dự án công nghệ có sức lan tỏa lớn, thân thiện với môi trường và mang lại giá trị gia tăng cao.

Ký kết Biên bản ghi nhớ giữa tỉnh Thái Nguyên và TikTok Việt Nam
Là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết Chuyên đề (Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh) về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Thái Nguyên đã sớm nắm bắt cơ hội để kiến tạo và phát triển, đến nay đã cơ bản hoàn thành 15/15 mục tiêu chuyển đổi số theo Nghị quyết số 01-NQ/TU.
Thái Nguyên hiện có 324 doanh nghiệp công nghệ số cung cấp nền tảng, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số, tư vấn giải pháp chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ giải pháp công nghệ thông tin và trên 5.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với các nền tảng số; tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh ước tính cả năm 2024 là 711,6 nghìn tỷ đồng.
Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 700 doanh nghiệp chuyển đổi số, kinh tế số đóng góp 20% vào GRDP của tỉnh; đến năm 2030 có trên 3.000 doanh nghiệp công nghệ s, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%,...
Tỉnh hiện đang đứng thứ 4 cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 220 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 11,26 tỷ USD.
Đáng chú ý, khoảng 70% trong số các dự án này thuộc về các ngành sản xuất công nghệ cao, chủ yếu là sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử.
UBND tỉnh Thái Nguyên đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt thành lập Khu Công nghệ thông tin tập chung Yên Bình, với diện tích khoảng 197,61 ha.
Đây sẽ là tiền đề thu hút đầu tư, góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh đi đầu của cả nước về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và điện tử; tạo môi trường làm việc đạt tiêu chuẩn quốc tế, thu hút lao động chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước.
Việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền thân thiện, công khai minh bạch, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cũng là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thu hút đầu tư các nhà đầu tư tiềm năng, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững.
Các giải pháp như cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện, xây dựng bộ phận một cửa, xây dựng mô hình chính quyền điện tử… đã giúp Thái Nguyên đứng ở vị trí 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, tăng 3 bậc và tăng 3,4% so với năm 2022; xếp thứ 2 khu vực các tỉnh trung du miền núi phía Bắc (sau tỉnh Bắc Giang). Kết quả này đã phản ánh sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên.
Xác định cải cách hành chính vừa là động lực, vừa giải pháp mang tính đột phá để tạo môi trường thu hút đầu tư, thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường triển khai các giải pháp số; rà soát, bãi bỏ, đề xuất bãi bỏ các TTHC đang gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh,… tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Song song với quá trình tập trung xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu về kết nối, xử lý dữ liệu, bảo đảm an toàn, an ninh mạng,... thì cần có nguồn nhân lực có đủ khả năng, trí tuệ và kinh nghiệm để vận hành hạ tầng số và nền tảng số.
Đặc biệt, trong Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quan điểm, đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, được ưu tiên hàng đầu, được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá, cạnh tranh ưu đãi đầu tư…
Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng của chuỗi sản xuất chip toàn cầu, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo tham gia vào công tác đào tạo nhân lực ngành công nghệ bán dẫn; trong đó, Đại học Thái Nguyên là một trong 18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Để chuẩn bị lực lượng lao động cho ngành công nghiệp bán dẫn, Thái Nguyên chủ động triển khai chiến lược đào tạo bài bản nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về Đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 (Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 15/11/2024) và Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 (Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 24/01/2025).
Thực hiện hiệu quả hai kế hoạch này sẽ giúp phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn; tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất và kinh doanh, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Việc xây dựng nền tảng công nghệ cao sẽ giúp tỉnh Thái Nguyên tận dụng tối đa các tiềm năng hiện có về tài nguyên, hạ tầng các khu công nghiệp, nhân lực và vị trí địa lý, tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế địa phương.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc; xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội... Với tiềm năng, lợi thế và cơ chế chính sách hợp lý, đây sẽ là cơ hội cho Thái Nguyên thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn vào đầu tư, từ đó tạo bước phát triển đột phá hơn nữa trong tương lai gần.
Theo TT (Trang thông tin điện tử chuyển đổi số Thái Nguyên)