Người dân, doanh nghiệp Việt đang 'khát' khung pháp lý cho tiền số
Việt Nam đang có những nỗ lực nắm bắt và xem xét các quy định để quản lý hiệu quả tiền mã hóa (tiền số).
Các nước đã có những chuyển động mạnh mẽ về phát triển tiền số và đưa vào hoạt động giao dịch trong nền kinh tế.
Những chuyển động mạnh mẽ
Khi Hàn Quốc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế Busan (BIFC), họ đã cho phép giao dịch một số loại tiền mã hóa nhất định trong BIFC, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia vào thị trường này một cách hợp pháp và an toàn.
Gần đây nhất là Mỹ đã cho phép Bitcoin giao dịch trên sàn chứng khoán thông qua các quỹ ETF. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cam kết đưa ra chính sách có thể sẽ mua và nắm giữ Bitcoin như một tài sản dự trữ.
Theo nghiên cứu do Tổ chức tư vấn Atlantic Council (Mỹ), các quốc gia thuộc G20 hiện đều đang xem xét triển khai tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Hiện có tổng cộng 44 quốc gia đang thử nghiệm CBDC, tăng từ 36 quốc gia so với năm ngoái.
Trung Quốc, quốc gia đang thực hiện thử nghiệm CBDC lớn nhất thế giới, cũng ghi nhận số giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) tăng gần gấp bốn lần, (tương đương 987 tỉ USD).
Ngân hàng Trung ương Châu Âu khởi động thử nghiệm đồng Euro kỹ thuật số kéo dài nhiều năm.

Các nước trên thế giới đã xem xét nghiêm túc xây dựng các quy định nhằm tạo ra sân chơi minh bạch và tận dụng các cơ hội từ đồng tiền số. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Sơn, Đại học RMIT cho biết, một số quốc gia đã thực thi các chiến lược hiệu quả để quản lý tiền mã hóa, cho Việt Nam những bài học quý giá. Cụ thể, Singapore đạt được cân bằng giữa quy định và đổi mới. Luật Dịch vụ thanh toán bắt buộc các doanh nghiệp tiền mã hóa phải có giấy phép hoạt động và thực hiện các biện pháp chống rửa tiền nghiêm ngặt.
Ngoài ra, môi trường thử nghiệm cô lập của Singapore cho phép các công ty khởi nghiệp blockchain thử nghiệm giải pháp sáng tạo trong một môi trường được giám sát, vừa đảm bảo an toàn vừa thúc đẩy sáng tạo.
Nhật Bản, một trong những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này, đã công nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp từ năm 2017. Các sàn giao dịch tiền mã hóa tại Nhật Bản phải đăng ký và tuân thủ những biện pháp chống rửa tiền (AML) và an ninh mạng nghiêm ngặt. Cách làm này không chỉ bảo vệ nhà đầu tư mà còn thúc đẩy đổi mới blockchain.
Song song đó, Liên minh châu Âu (EU) đã giới thiệu Luật về Các thị trường trong ngành tài sản tiền mã hóa (MiCA), tạo ra một khung pháp lý thống nhất để bảo vệ người tiêu dùng, tăng cường tính minh bạch và đảm bảo tính bền vững của thị trường giữa các quốc gia thành viên.
Trong khi đó, Hoa Kỳ sử dụng biện pháp phi tập trung, với việc các cơ quan liên bang và tiểu bang cùng chia sẻ trách nhiệm giám sát. Các cơ quan như Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) và Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) thực thi tuân thủ nghiêm ngặt các quy định để bảo vệ nhà đầu tư và đảm bảo tính liêm chính của thị trường.
“Những ví dụ này chứng minh rằng quản lý tiền mã hóa không chỉ là kiểm soát rủi ro mà còn đặt nền tảng cho sự đổi mới và tăng trưởng kinh tế. Việt Nam có thể học hỏi từ những mô hình này để xây dựng khung pháp lý vững chắc riêng” – tiến sĩ Sơn nói.
Chiến lược của Việt Nam
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI cho biết, trong thập kỷ qua, đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của công nghệ trên toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực tài sản số, bao gồm blockchain, tiền mã hóa, token hóa tài sản, và các ứng dụng phi tập trung (DeFi).
Tiền mã hóa tạo tiềm năng phát triển cho ngành thương mại điện tử. Với nhiều tính năng ưu việt, tiền mã hóa đã và đang được sử dụng tại nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất của hoạt động tài chính, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Tài sản số không còn là khái niệm xa lạ mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống tài chính toàn cầu. Những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này không chỉ thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà còn xây dựng được vị thế chiến lược trong nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng của tài sản số, một yếu tố cốt lõi là sự minh bạch và rõ ràng trong khung pháp lý. Theo ông Hưng, Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ, yêu công nghệ và sẵn sàng thử nghiệm những xu hướng mới. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta trở thành trung tâm phát triển tài sản số trong khu vực.

Việt Nam sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng, minh bạch để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tài sản số, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và các bên tham gia thị trường. Ảnh: PHƯƠNG MINH
“Các doanh nghiệp trong lĩnh vực blockchain và tài sản số tại Việt Nam vẫn phải hoạt động trong điều kiện thiếu định hướng, khiến họ mất lợi thế cạnh tranh so với các nước láng giềng như Singapore hay Thái Lan.
Thiếu quy định dẫn đến việc không thể bảo vệ người dùng trước những hoạt động lừa đảo hoặc thiếu minh bạch. Những nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn công nghệ lớn có xu hướng chọn quốc gia khác có môi trường pháp lý thuận lợi hơn” – ông Hưng nói.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã xây dựng Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, có thể đưa ra trình Quốc hội thông qua trong giai đoạn tới. Tại dự thảo luật này, lần đầu tiên, đã có định nghĩa về tài sản số, là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối, mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.
Trong đó, dự thảo luật cũng yêu cầu các bộ, ngành chịu trách nhiệm ban hành hoặc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định quản lý liên quan đến tài sản số trong ngành, lĩnh vực phụ trách, phù hợp với điều kiện thực tế.
Ông Nguyễn Duy Hưng nhận định, việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản số tại Việt Nam không chỉ là nhu cầu của các doanh nghiệp mà còn là điều kiện cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ nói riêng và nền kinh tế nói chung.
“Việt Nam sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng, minh bạch để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tài sản số, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và các bên tham gia thị trường.
Với tầm nhìn chiến lược và sự hỗ trợ từ Chính phủ, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo về tài sản số trong khu vực. Đây không chỉ là cơ hội để chúng ta bắt kịp xu thế toàn cầu mà còn là cách để nâng tầm vị thế quốc gia trên bản đồ công nghệ thế giới” – ông Hưng nhận định.
Tiến sĩ Sơn khuyến nghị, Việt Nam có thể tận dụng kinh nghiệm quốc tế để phát triển khung pháp lý rõ ràng cho tiền mã hóa. Bước đầu tiên là xác định xem tiền mã hóa như Bitcoin là tài sản hay chứng khoán, giúp làm sáng tỏ việc quản lý giao dịch và bảo vệ nhà đầu tư.
Yêu cầu các sàn giao dịch tiền mã hóa đăng ký và tuân thủ các quy định chống rửa tiền là điều hết sức quan trọng để đảm bảo tính minh bạch, an ninh tài chính và giảm thiểu các rủi ro như gian lận hoặc tài trợ tài chính bất hợp pháp.
Việc triển khai mô hình thử nghiệm có thể tạo ra một môi trường hỗ trợ cho doanh nghiệp blockchain phát triển các giải pháp sáng tạo dưới sự giám sát của chính phủ. Singapore đã chứng minh tính hiệu quả của mô hình vừa thúc đẩy đổi mới vừa đảm bảo trách nhiệm giải trình này.
“Quan trọng nhất, Việt Nam phải cân bằng giữa việc bảo vệ nhà đầu tư với thúc đẩy đổi mới công nghệ. Một khung pháp lý được thiết kế tốt sẽ mở ra tiềm năng của blockchain trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo vệ hệ thống tài chính quốc gia”, vị chuyên gia Đại học RMIT lưu ý.