TP Hồ Chí Minh hướng đến xây dựng các thương hiệu mang tầm quốc gia
Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng 'Đề án xây dựng một số doanh nghiệp lớn với thương hiệu mang tầm quốc gia và toàn cầu', với mục tiêu tạo ra những giá trị hữu hình và vô hình.
Ngày 22/11, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và Vietnam Brand Purpose (tổ chức tư vấn chiến lược xây dựng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và các thương hiệu Made in Vietnam) đã tổ chức diễn đàn “Thương hiệu dẫn dắt bền vững” nhằm định hướng phát triển các thương hiệu cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, thương hiệu luôn có sức mạnh mềm, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của công chúng, định hình hành vi tiêu dùng, thúc đẩy ý thức trách nhiệm cộng đồng. Vì vậy, doanh nghiệp cần đầu tư phát triển thương hiệu có tầm cỡ và sức ảnh hưởng để có thể đứng vững trên thị trường. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang xây dựng “Đề án xây dựng một số doanh nghiệp lớn với thương hiệu mang tầm quốc gia và toàn cầu”, với mục tiêu tạo ra những giá trị hữu hình và vô hình.
"Một trong những trọng tâm xây dựng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam là phát triển bền vững, tạo bệ phóng giúp các doanh nghiệp vững vàng ở cả thị trường nội địa và quốc tế. Một doanh nghiệp khi đầu tư lớn vào các đổi mới sáng tạo để cho ra đời sản phẩm hoặc dịch vụ chất lượng thì cần đi kèm với các chiến dịch quảng bá, giới thiệu thương hiệu rộng khắp để người tiêu dùng biết đến sản phẩm đó. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu thành công còn giúp doanh nghiệp thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng và tạo ra xu hướng sống mới trên thị trường", ông Nguyễn Ngọc Hòa chia sẻ.
Tương tự, bà Trần Tuệ Tri, cố vấn và đồng sáng lập Vietnam Brand Purpose cho biết, thương hiệu rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thương hiệu có thể dẫn dắt và thay đổi thói quen của người tiêu dùng, doanh nghiệp cần tập trung vào xây dựng các sản phẩm chất lượng. Trong đó, cần chú trọng cung cấp các dịch vụ cần thiết cho người tiêu dùng thông qua các sản phẩm đặc trưng và thế mạnh của mình. Mục đích cuối cùng là khi nhìn vào sản phẩm, người tiêu dùng có thể nhận ra ngay sản phẩm đó thuộc doanh nghiệp nào. Khi đạt được điều này, thương hiệu mới có thể dẫn dắt thị trường và tạo ảnh hưởng tới hành vi của người tiêu dùng.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Trần Phương Nga, Giám đốc điều hành CTCP Tập đoàn Thiên Long, thương hiệu đang dẫn đầu trong ngành văn phòng phẩm Việt Nam chia sẻ rằng, để tạo ra xu hướng và duy trì vị thế của thương hiệu, doanh nghiệp phải luôn có tinh thần đổi mới, đa dạng và hội nhập. Hiện nay, công ty đã phát triển ngành hàng theo 5 nhóm sản phẩm đa dạng: Bút viết và sản phẩm tiện ích, dụng cụ mỹ thuật, dụng cụ học sinh, văn phòng phẩm và dòng sản phẩm cao cấp. Với mỗi sản phẩm, Thiên Long đều tăng thêm tính năng và hướng tới cá nhân hóa. Ví dụ, bút vẽ của Thiên Long có thể vẽ trên vải, giúp người sử dụng trang trí các vật dụng như túi vải, giày vải, bóp viết, nón, áo thun... Đối với dòng bút sáp đa năng, người dùng có thể tô như màu sáp hoặc màu nước, dễ lau rửa và sử dụng trên nhiều chất liệu.
Theo bà Nga, hiện nay, sự phát triển của thương mại điện tử đã kéo theo sự đổ bộ của hàng giá rẻ từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam, tạo áp lực cạnh tranh vô cùng lớn cho doanh nghiệp Việt. Do đó, doanh nghiệp trong nước cần tối ưu hóa chi phí để sản phẩm có giá cạnh tranh, đồng thời đầu tư nhiều hơn vào kênh bán hàng trực tuyến. Điều này đã giúp doanh thu của công ty tăng từ vài tỉ đồng mỗi năm lên hơn trăm tỉ đồng trong năm 2023 vừa qua.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực dịch vụ cũng đang tạo ra xu hướng dẫn dắt, giúp thay đổi thói quen tiêu dùng, từ đó tạo nền tảng để thương hiệu phát triển bền vững. Chẳng hạn trong lĩnh vực bán lẻ, năm 2019, Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã tuyên bố ngưng kinh doanh ống hút nhựa trên quầy kệ, thay vào đó là ống hút giấy, ống hút inox, thép an toàn hoặc thủy tinh dùng nhiều lần. Quyết định này của Saigon Co.op không chỉ góp phần tạo ra xu hướng tiêu dùng cho người dân mà còn buộc các doanh nghiệp sản xuất phải thay đổi.
Về lâu dài, theo các chuyên gia kinh tế, để xây dựng thương hiệu thành công và tạo xu hướng tiêu dùng, ngoài sự nỗ lực từ doanh nghiệp, cần có chính sách hỗ trợ liên quan đến nguồn vốn. Hiện nay, trên 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiềm lực tài chính hạn chế, nên rất khó để thành công nếu không có sự hỗ trợ kịp thời.