TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu: Tăng cường điều động, luân chuyển cán bộ cấp tỉnh về cấp xã

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương và BR-VT vừa phối hợp tổ chức Hội nghị đánh giá công tác triển khai, phối hợp và tiến độ thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã của 3 địa phương; triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Chủ trì Hội nghị có Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi; Bí thư Tỉnh ủy BR-VT Phạm Viết Thanh.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi; Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh chủ trì Hội nghị. (Ảnh: D.Khương)

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi; Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh chủ trì Hội nghị. (Ảnh: D.Khương)

Theo ông Nên, đây là thời điểm đánh dấu bước khởi đầu cho hành trình xây dựng TP HCM giai đoạn mới, một giai đoạn sẽ hình thành "siêu đô thị" tầm vóc quốc tế, một cực tăng trưởng mạnh mẽ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Việc sáp nhập 3 tỉnh, thành không chỉ là thay đổi địa giới hành chính mà là một cuộc cách mạng về tổ chức, tư duy, tầm nhìn, khát vọng, tạo cơ hội mới cho tương lai phát triển bền vững cho TP mới và cả nước. Việc sáp nhập không chỉ bổ sung cho nhau mà sẽ tạo nên xung lực mới cho đầu tàu kinh tế tăng tốc, dẫn dắt, lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp. Đi đôi với đó là sự gắn kết truyền thống, văn hóa của 3 địa phương có lịch sử lâu đời, với ưu thế mỗi nơi có sắc thái, đặc trưng, tiềm năng và thế mạnh riêng.

Ông Nên nhận định, thời gian qua, 3 địa phương đã chủ động phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm cao và chấp hành nghiêm các yêu cầu về sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã.

Việc hợp nhất vừa tạo ra thời cơ, nhưng cũng đi kèm thử thách, mà trước hết là nhân sự; đòi hỏi cần phải chọn, bố trí nhân sự đủ sức gánh vác trọng trách mới để bộ máy mới vận hành thông suốt, đáp ứng các yêu cầu mới. Đặc biệt là bộ máy cơ sở phải gần dân hơn, sát dân hơn, phục vụ người dân và DN tốt hơn.

Trước đó, tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Nguyễn Thanh Nghị báo cáo công tác triển khai, phối hợp và tiến độ thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã của 3 địa phương; triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Cụ thể, 3 địa phương đã xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và trình Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ; tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trình HĐND các tỉnh, thành và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ đúng thời gian quy định, trước 1/5.

Về số lượng đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, sau khi sáp nhập, tổng số ĐVHC cấp xã của TP HCM mới là 168 (113 phường, 54 xã và 1 đặc khu), giảm 61,9% so với 441 ĐVHC cấp xã ban đầu.

Tỉnh BR - VT trước khi sáp nhập có 77 phường, xã, thị trấn; dự kiến sau khi sắp xếp còn 30 phường, xã, đặc khu; giảm 47 phường, xã, đặc khu (tỉ lệ 61%). Tỉnh Bình Dương trước khi sáp nhập có 91 phường, xã, thị trấn; dự kiến sau khi sắp xếp còn 36 phường, xã; giảm 55 phường, xã, thị trấn (tỉ lệ 60%). TP HCM trước khi sáp nhập, có 273 phường, xã, thị trấn. HĐND TP đã thông qua Nghị quyết khi sắp xếp còn 102 phường, xã; giảm 171 phường, xã, thị trấn (tỉ lệ 63%).

Các cơ quan chức năng 3 tỉnh, thành đã phối hợp, trao đổi; thảo luận, góp ý xây dựng các nội dung đề án sắp xếp; đề xuất các phương án về sử dụng tài sản công, bố trí trụ sở hành chính, bố trí nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) bảo đảm phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Theo đề án, sẽ bố trí trụ sở chính trị - hành chính tại TP HCM và có thêm 2 cơ sở tại tỉnh BR - VT và tỉnh Bình Dương để ổn định bộ máy thời kỳ đầu sau sắp xếp. Sau đó, trong quá trình thực hiện sẽ nghiên cứu, đề xuất các phương án phù hợp.

Ưu tiên hàng đầu là tạo điều kiện và giảm thiểu tác động để CBCCVC an tâm công tác; giữ lại nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục bồi dưỡng, tạo điều kiện phát huy năng lực thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP HCM mới sau sắp xếp.

Ban Chỉ đạo đã bổ sung hoàn chỉnh đề án sắp xếp, hợp nhất; xây dựng triển khai bảo đảm vận hành các hệ thống thông tin của 3 địa phương sau khi hợp nhất.

Về chuẩn bị phương án nhân sự (khi sắp xếp, hợp nhất), thống nhất tăng cường điều động, luân chuyển cán bộ ở tỉnh, TP về công tác tại phường, xã, đặc khu. Với địa bàn có quy mô dân số, tổ chức đảng và đảng viên lớn, có vai trò là động lực phát triển kinh tế; có thể phân công các Ủy viên Ban Thường vụ hoặc Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, TP giữ nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy cấp xã.

Về chế độ chính sách với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi sắp xếp, BR - VT đề nghị thực hiện theo Nghị quyết của HĐND tỉnh; TP HCM đang xây dựng chính sách hỗ trợ.

Về thực hiện chế độ, chính sách cán bộ, riêng tại TP HCM có 186 người có đơn xin giải quyết chế độ, chính sách theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP (trong đó, có 58 người diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý); đã ban hành quyết định giải quyết cho 124 người (trong đó, có 35 người diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý).

Duy Khương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tp-ho-chi-minh-binh-duong-ba-ria-vung-tau-tang-cuong-dieu-dong-luan-chuyen-can-bo-cap-tinh-ve-cap-xa-post548575.html
Zalo