Phát huy di sản giáo dục Hồ Chí Minh trong đổi mới giáo dục-đào tạo ở Học viện Lục quân

Ngày 16/5, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Khoa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Khoa Tin học-Ngoại ngữ, Học viện Lục quân tổ chức hội thảo khoa học 'Di sản giáo dục Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn trong giáo dục-đào tạo ở Học viện Lục quân hiện nay'. Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025).

Quang cảnh buổi hội thảo.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Đại tá Nguyễn Bá Minh, quyền Chủ nhiệm khoa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà giáo dục mẫu mực đã để lại cho Đảng và nhân dân ta một di sản tư tưởng vô cùng quý báu. Trong đó, tư tưởng, quan điểm của Người về giáo dục có vị trí đặc biệt quan trọng.

Di sản giáo dục Hồ Chí Minh là sự nhất quán, toàn diện và nhân văn, cả về tư tưởng, phương pháp và tấm gương của Người, thể hiện trên các nội dung: Mục tiêu giáo dục, quan điểm về người học và người dạy, phương pháp giáo dục và tư tưởng về học tập suốt đời.

Đại tá Nguyễn Bá Minh, quyền Chủ nhiệm khoa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn hội thảo.

Đại tá Nguyễn Bá Minh, quyền Chủ nhiệm khoa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn hội thảo.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, chất lượng giáo dục-đào tạo của Học viện không ngừng được nâng lên, thực hiện đúng phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

Đại biểu tham dự hội thảo.

Đại biểu tham dự hội thảo.

Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới cả về nội dung chương trình và phương pháp dạy và học, việc phát huy di sản giáo dục Hồ Chí Minh trong giáo dục-đào tạo tại Học viện Lục quân hiện nay đặt ra những yêu cầu mới; nhất là cần kiên quyết khắc phục một số hạn chế về nhận thức và năng lực vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy của một số giảng viên; kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, nhà trường với đơn vị, giữa “dạy chữ-dạy nghề-dạy người” trong quá trình đào tạo; yêu cầu phát triển năng lực số, đổi mới công nghệ trong giáo dục đòi hỏi sự sáng tạo và linh hoạt hơn trong kế thừa các giá trị truyền thống giáo dục Hồ Chí Minh.

Đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo.

Đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo.

Hội thảo đã nhận được 40 tham luận từ các nhà khoa học, giảng viên của Học viện Lục quân; các tham luận đã góp phần khẳng định giá trị to lớn của di sản giáo dục Hồ Chí Minh, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm vận dụng sáng tạo di sản giáo dục Hồ Chí Minh vào công tác giáo dục-đào tạo tại Học viện Lục quân.

LÊ GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-huy-di-san-giao-duc-ho-chi-minh-trong-doi-moi-giao-duc-dao-tao-o-hoc-vien-luc-quan-post880265.html
Zalo