TP Hồ Chí Minh: 50 năm văn hóa, nghệ thuật 'phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai'
Chiều 16/4, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm với chủ đề '50 năm văn hóa, nghệ thuật TP Hồ Chí Minh - Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai', với sự tham dự của đại diện Sở ban ngành, nhiều nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, văn nghệ sĩ tiêu biểu.
Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, ông Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, sau 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với sự phát triển chung của cả nước, TP Hồ Chí Minh hiện nay đang là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục,...của cả nước.

Quang cảnh buổi tọa đàm với chủ đề "50 năm văn hóa, nghệ thuật TP Hồ Chí Minh - Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai". Ảnh: Hồng Phúc.
Đặc biệt, thành phố là nơi có nền văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển năng động, sáng tạo. Đảng bộ và chính quyền thành phố luôn quan tâm và xem việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người thành phố là xây dựng nền tảng tinh thần, từ đó làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16 tháng 8 năm 2008 của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
Do đó, ông Lê Hồng Sơn bày tỏ mong muốn, buổi tọa đàm sẽ là cơ hội để thành phố lắng nghe góp ý, hiến kế sâu sắc của các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia văn hóa, văn nghệ sĩ. Từ đó, giúp thành phố cụ thể hóa các nội dung, nội hàm và phương hướng, giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, gắn với thực tiễn tại TP Hồ Chí Minh.

NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cho đại biểu tham dự. Ảnh: Hồng Phúc.
Chia sẻ tại tọa đàm, Đạo diễn, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Đạt - Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh cho biết, 50 năm qua là một hành trình bản sắc văn hóa, nghệ thuật truyền thống của thành phố được bồi đắp thêm nhiều giá trị mới của đổi mới, hội nhập và phát triển.
Theo Đạo diễn Nguyễn Thanh Đạt, sau ngày 30/4/1975 Sài Gòn - TP hồ Chí Minh trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của khu vực phía Nam và cả nước. Đây cũng là "cái nôi" tập trung các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, với đa dạng các hoạt động từ đào tạo nhân lực, sáng tác, in ấn, xuất bản, đến giao lưu, biểu diễn của nhiều đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước.
Trong xuyên suốt hành trình ấy, đã hình thành một cộng đồng trẻ đông đảo, với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đầy sáng tạo, diễn ra hàng ngày. Tuy nhiên, không phải mọi người trẻ đều được tiếp cận và nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của văn hóa, nghệ thuật đối với phát triển của đời sống xã hội. Do đó, Đạo diễn Nguyễn Thanh Đạt kiến nghị, UBND TP Hồ Chí Minh, mà trực tiếp là các Sở Văn hóa - Thể thao Thành phố cần có giải pháp khuyến khích giới trẻ phát triển khả năng sáng tạo và tư duy phản biện trong nghệ thuật. Song song đó, tạo cơ chế phát triển và quảng bá các sản phẩm nghệ thuật của giới trẻ. Bởi vì, nếu được định hướng đúng đắn và có sự đầu tư thích hợp, giới trẻ TP Hồ Chí Minh sẽ không chỉ là những người yêu nghệ thuật mà còn là những người sáng tạo, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền văn hóa nghệ thuật trong tương lai.

NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Hồng Phúc.
Chia sẻ về tình hình phát triển văn hóa, nghệ thuật của TP Hồ Chí Minh thời gian qua, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã tổ chức các cuộc thi, trại sáng tác thường xuyên nhằm phát hiện, bồi dưỡng tài năng, khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tác với mục tiêu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đặc sắc, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, ca ngợi quê hương đất nước, phản ánh công cuộc đổi mới, bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới Tổ quốc.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh, phần lớn văn nghệ sĩ thành phố đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong hoạt động nghệ thuật, trong ứng xử xã hội và tiên phong trong nhiều phong trào, góp phần truyền cảm hứng tích cực đến cộng đồng. Nhiều tác phẩm sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng, về công cuộc xây dựng và phát triển của thành phố có sức sống lâu bền vượt thời gian, được nhiều thế hệ công chúng yêu thích.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các đơn vị Sở, ngành, địa phương; các trưởng ĐH, CĐ; Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật và các Hội văn học, nghệ thuật thành phố; các văn nghệ sĩ cũng đã nêu nhiều ý kiến, góp ý sâu sắc, sát với thực tiễn phát triển văn hóa, nghệ thuật của TP Hồ Chí Minh. Những ý kiến này là chất liệu quan trọng để TP Hồ Chí Minh nhận định, đánh giá và đề ra định hướng hoạt động văn học, nghệ thuật trong thời gian tới.