TP.HCM thu hút nguồn lực kiều bào bằng tinh thần đổi mới, cởi mở và khát vọng vươn xa
Dấu mốc 50 năm là thời khắc vàng để TP.HCM tăng tốc, thu hút kiều bào cùng hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu khu vực.
Suốt nửa thế kỷ qua, TP.HCM luôn là địa phương có mối liên hệ mật thiết nhất với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Hiện có khoảng 3 triệu kiều bào có mối liên hệ với TP, lượng kiều hối gửi về TP.HCM chiếm từ 40 - 53% tổng kiều hối về cả nước và đã có khoảng 500 chuyên gia, trí thức kiều bào quay về TP.HCM hợp tác, làm việc lâu dài.
Các kiều bào cho rằng nguyên nhân TP.HCM trở thành “đất lành” thu hút kiều bào không chỉ là vị thế của một đầu tàu kinh tế của cả nước, mà còn bởi tinh thần đổi mới, cởi mở và khát vọng phát triển không ngừng nghỉ.

Kiều bào cùng ngắm TP.HCM từ tuyến metro số 1, năm 2024. Ảnh: NGUYỆT NHI
TP.HCM tiên phong, cởi mở
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, TS Lê Võ Phương Nga, kiều bào Pháp, Giám đốc Tài chính và đối tác AVSE Global, cho rằng bên cạnh tình yêu với mảnh đất này, có hai nguyên nhân chính khiến ngày càng nhiều kiều bào lựa chọn quay về TP.HCM phát triển.
Cụ thể, TP.HCM là môi trường làm việc hấp dẫn, nơi đây không chỉ là trung tâm của vùng Đông Nam Bộ, là vùng kinh tế trọng điểm của phía Nam mà còn là đầu tàu phát triển kinh tế xã hội của cả nước và khu vực. Nhưng có lý do quan trọng hơn, “TP.HCM là nơi nhân tài được trọng dụng”- bà Nga nhấn mạnh.

TS Lê Võ Phương Nga.
Bà Nga lý giải các cơ chế thí điểm đã giúp TP dám đi, dám làm, dám thử nghiệm, qua đó tạo điều kiện cho các chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia cởi mở, hiệu quả vào các dự án trọng điểm.
Vị này cũng đánh giá cao việc TP luôn dành nhiều sự quan tâm, tạo cơ hội để chuyên gia kiều bào tham gia vào các dự án trọng điểm như quy hoạch sông Sài Gòn, thiết kế thương hiệu TP.HCM, hiến kế cho Nghị quyết 98…
Còn PGS-TS Bùi Quốc Bảo, kiều bào Pháp, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, bày tỏ ấn tượng với sự năng động và tinh thần cởi mở của TP.HCM. “Điều đó đã tạo nên một môi trường kinh tế cởi mở, sáng tạo và thu hút đầu tư mạnh mẽ”- ông Bảo nhận xét.
Ông cũng đánh giá TP.HCM với quyết tâm trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ cao với các định hướng rõ ràng như Khu đô thị sáng tạo phía Đông (TP Thủ Đức), chương trình phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh… đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với kiều bào có chuyên môn cao và có mong muốn đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

PGS-TS Bùi Quốc Bảo (bìa trái) chụp hình lưu niệm cùng kiều bào và lãnh đạo Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM. Ảnh: UBNVNONNTPHCM
Về mặt đầu tư, ông Bảo cho rằng việc cải cách hành chính, minh bạch hóa các quy trình đã giúp TP.HCM trở nên thân thiện hơn với các nhà đầu tư kiều bào.
“Chính sự cầu thị, lắng nghe và đồng hành của chính quyền TP đã tạo nên một môi trường tin cậy để kiều bào ‘gửi gắm tương lai’ tại quê hương. Tôi tin rằng nếu TP.HCM tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng chính sách thu hút kiều bào, không chỉ về vốn mà cả chất xám, thì TP sẽ sớm trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong khu vực”- ông Bảo nói.

Kiều bào cùng tham gia họp mặt đầu xuân năm 2025. Ảnh: HOÀNG GIANG
Kiều bào đồng hành cùng TP.HCM trong kỷ nguyên mới
Để TP.HCM có “hành trang” bước vào kỷ nguyên mới, TS Lê Thị Anh Nhàn, kiều bào Úc, giảng viên ĐH Quốc gia Úc, đánh giá việc tái đầu tư hạ tầng là việc cần thiết.
Trong bối cảnh TP.HCM cùng cả nước hướng về kỷ niệm 50 Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà Nhàn phấn khởi khi thấy hàng loạt các công trình, dự án trọng điểm được khánh thành, đi vào hoạt động. Theo bà, đó là điểm sáng, là nội lực mới và là hành trang để TP.HCM vươn mình trong 50 năm tiếp theo.



Kiều bào phấn khởi khi metro số 1 đi vào hoạt động. Ảnh: NGUYỆT NHI
“Cạnh việc tái đầu tư, tôi nghĩ TP.HCM nên chuyển hướng tập trung phát triển vào giáo dục, y tế, công nghệ thông tin, đó là các lĩnh vực TP có lợi thế vì đã xây dựng được đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao”- bà Nhàn chia sẻ.
TS Nhàn cũng nhìn nhận rất nhiều trí thức kiều bào có kinh nghiệm, các mối quan hệ quốc tế… rất mong muốn được cống hiến cho quê hương nhưng vì nhiều lý do mà chưa thể quay về TP phát triển.
Vì vậy bà gợi mở TP.HCM có thể mời gọi đội ngũ này bằng những chương trình ngắn hạn hoặc để họ tham gia vào các dự án cụ thể. Bà kỳ vọng TP.HCM sẽ có đặt hàng, giao nhiệm vụ cho kiều bào để tạo cơ hội cho kiều bào đóng góp nhiều hơn.

Kiều bào tham quan Khu công viên phần mềm Quang Trung, quận 12. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
PGS-TS Bùi Quốc Bảo, đánh giá dấu mốc 50 năm và mục tiêu tiến vào kỷ nguyên mới sẽ mở ra nhiều cơ hội cho kiều bào, đặc biệt là đội ngũ trí thức, chuyên gia về khoa học công nghệ đóng góp cho sự phát triển của TP. Song song đó, ông kỳ vọng TP.HCM có cơ chế thu hút dài hơi và linh hoạt với những đối tượng này.
“Kiều bào không chỉ cần một lời mời gọi chung chung, mà cần các chính sách cụ thể, minh bạch, mang tính đặt hàng rõ ràng trong từng lĩnh vực. Sau đó, nên để cho kiều bào biết họ đã thật sự được lắng nghe và có thể tạo giá trị tại quê hương, lúc này kiều bào sẽ chủ động quay về, không chỉ bằng vốn, mà còn bằng cả tâm huyết và chất xám”- ông Bảo đúc kết.
TS Lê Võ Phương Nga, kiều bào Pháp, Giám đốc Tài chính và đối tác AVSE Global, đánh giá TP.HCM đã đi được một chặng đường 50 năm đầy ấn tượng và chặng đường sắp tới đòi hỏi TP phải bước sang một tâm thế mới – sẵn sàng cạnh tranh với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực.

Kiều bào gặp nhau nhân dịp đầu năm mới 2024 tại UBND TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Để làm được, bà Nga khẳng định việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế của TP.HCM là cần thiết. “Tuy hiện tại so với với các trung tâm tài chính lớn như Singapore, Hồng Kông, Dubai thì TP.HCM đang đi sau nhưng đó cũng là lợi thế bởi chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nơi đi trước để xây dựng chiến lược rõ ràng, hiệu quả”- bà đánh giá.
TS Lê Võ Phương Nga cho rằng lực lượng trí thức kiều bào với am hiểu về mô hình Trung tâm tài chính quốc tế có thể chia sẻ chia sẻ cho TP.HCM các bài học, kinh nghiệm và góp phần xây dựng chiến lược hiệu quả. Bà kỳ vọng TP.HCM sẽ có đặt hàng, mời gọi chuyên gia kiều bào cùng tham gia.
“Kỷ nguyên mới không chỉ là một dấu mốc, mà là cơ hội để chúng ta khẳng định vị thế. TP.HCM phải sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới và tôi tin kiều bào sẽ đồng hành giúp TP.HCM có sức mạnh phát triển mạnh mẽ hơn trong 50 năm tới”- bà Nga nhấn mạnh.
Ông LÊ VĂN THU, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM:
Thành tựu phát triển TP.HCM có dấu ấn kiều bào
Trong suốt 50 năm qua, những thành tựu phát triển của đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng đều ghi dấu sự đóng góp bền bỉ, đầy trách nhiệm của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Từ lĩnh vực kinh tế, đầu tư, đến khoa học – công nghệ và tri thức, kiều bào đã trở thành một nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của TP.
TP.HCM luôn trân trọng và ghi nhận sâu sắc những đóng góp quý báu đó. Để hỗ trợ kiều bào quay về quê hương, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã triển khai công tác phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến kiều bào như quốc tịch, nhà ở, đất đai, cư trú, xuất nhập cảnh...
Mục tiêu là giúp kiều bào nắm bắt đầy đủ, kịp thời các quy định mới và hiểu đúng, đồng thuận với chính sách của Đảng và Nhà nước, ngày càng gắn bó mật thiết với quê hương.
Trong bối cảnh TP.HCM và cả nước bước vào giai đoạn phát triển mới, Hội xác định rõ vai trò của mình trong việc phát huy nguồn lực kiều bào, thu hút trí thức, chuyên gia, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cùng chung tay xây dựng TP.
Vì vậy, hội sẽ tiếp tục mở rộng kết nối với các tổ chức hội người Việt và Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài để truyền tải thông tin về các chủ trương lớn của Đảng, chính sách phát triển của Nhà nước và những định hướng trọng tâm của TP.HCM như Nghị quyết 57, Nghị quyết 98,…
*****
Luật sư LÂM QUANG QUÝ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ kiều bào TP.HCM:
Gỡ vướng mắc pháp lý để kiều bào kết nối bền chặt với TP.HCM
Trung tâm Hỗ trợ Kiều bào TP.HCM luôn xác định việc hỗ trợ kiều bào một cách thiết thực, hiệu quả là nhiệm vụ cốt lõi. Để tạo niềm tin cho kiều bào tiếp tục quay về cống hiến, Trung tâm mong muốn xây dựng nền tảng thông tin điện tử “Hỗ trợ kiều bào”, tích hợp các dịch vụ trực tuyến như tư vấn pháp lý, hướng dẫn thủ tục hành chính, đăng ký đầu tư, phản ánh kiến nghị… để kiều bào ở xa vẫn có thể dễ dàng tiếp cận thông tin và được hỗ trợ kịp thời.
Trung tâm cũng đề xuất TP.HCM xây dựng cơ chế phối hợp ba bên giữa Trung tâm – doanh nghiệp – các tổ chức hội kiều bào để hình thành mạng lưới hỗ trợ đầu tư, đổi mới sáng tạo, kết nối chuyên gia, nhà khoa học người Việt ở nước ngoài với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong nước.
Những hoạt động và đề xuất này không chỉ giúp kiều bào tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, hành chính mà còn là cầu nối bền chặt giữa kiều bào với quê hương, góp phần thu hút nguồn lực chất lượng cao từ kiều bào, cùng xây dựng TP.HCM.