'Mắt sáng, lòng trong, bút sắc' trong thời đại AI

'Mắt sáng, lòng trong, bút sắc' là ba yêu cầu cơ bản nhất của người cầm bút trong sự phát triển của trí tuệ nhân tạo hiện nay. Đây vừa là cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với đạo đức nghề nghiệp của người nhà báo.

Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) cũng chính là lúc những nhà báo như chúng ta nhìn nhận rõ hơn về trách nhiệm của mình với sự nghiệp cách mạng để tiếp tục phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, tiếp bước cha anh, chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn góp phần đưa đất nước tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Báo chí cách mạng Việt Nam với phương châm: "Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển" đang ngày càng lớn mạnh và thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam. Tròn một thế kỷ gần trôi qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần quan trọng và thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và xây dựng phát triển đất nước; cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Đặc biệt, báo chí đã là vũ khí sắc bén trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được Đảng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

 Phóng viên báo chí tác nghiệp tại Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất ngày 15/12/2023 tại Kon Tum. Ảnh: Trung Quân.

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất ngày 15/12/2023 tại Kon Tum. Ảnh: Trung Quân.

Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, cũng là lúc nhiều người nhắc đến câu nói nổi tiếng của nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Hữu Thọ (bút danh Hữu Thọ) khi nói về nghề báo cao quý, vinh quang và nhọc nhằn: "Làm cái nghề này phải mắt sáng, lòng trong, bút sắc thì mới nên nghề".

Phải "Mắt sáng" để nhà báo có thể phán đoán, sớm quyết đoán và có tinh thần “dấn thân”, “lăn lộn với cuộc sống”, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách đi đến tìm hiểu tận cùng của vấn đề. “Mắt sáng” cũng đặt ra yêu cầu với nhà báo phải thể hiện cái nhìn toàn diện, đúng sự việc, không phiến diện, áp đặt vấn đề theo ý kiến cá nhân, hoàn thành sứ mệnh của báo chí là dẫn dắt dư luận xã hội.

Phải "Lòng trong" để giúp nhà báo sáng tạo đúng tôn chỉ, mục đích, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc chứ không tư lợi riêng; để vượt qua tất cả cám dỗ khi dấn thân vào môi trường làm báo sôi động và khắc nghiệt; để nhắc nhở nhà báo phải luôn ghi nhớ “10 điều về đạo đức người làm báo” được Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 5 (khóa X) Hội Nhà báo Việt Nam thông qua ngày 15/12/2015.

Phải "Bút sắc" để nhà báo có tác phẩm báo chí hay, thu hút được sự quan tâm của công chúng với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Mắt có sáng và lòng có trong thì mới đạt được “Bút sắc”. “Bút sắc” chính là sức mạnh của nội dung bài viết tác động đến công chúng, làm thay đổi cuộc sống, xã hội theo hướng tích cực nhất là trước tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư hiện nay.

Trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã có những bước tiến lớn được ứng dụng rộng rãi hầu hết trong các lĩnh vực đời sống - xã hội trong đó có lĩnh vực báo chí, qua đó mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Với xu hướng phát triển mạnh mẽ AI, báo chí sẽ có nhiều ảnh hưởng trực tiếp với sự xuất hiện đa dạng của báo chí số, sự vận hành linh hoạt từ sáng tạo nội dung đến sản xuất các dòng sản phẩm với một hệ sinh thái số mà báo điện tử làm trung tâm, triển khai công nghệ số trong toàn bộ hoạt động dưới hình thức tòa soạn hội tụ. Có thể nói, trí tuệ nhân tạo AI là công cụ không thể thiếu của ngành công nghiệp nội dung số, đồng thời đặt ra những thách thức lớn trong quản trị nội dung đối với nhiều tòa soạn trước nguy cơ gia tăng tin giả với tốc độ sản xuất cao của báo chí tự động, làm phát sinh những vướng mắc về pháp lý và đạo đức báo chí.

Ví dụ như trong hoạt động báo chí, một sản phẩm của trí tuệ nhân tạo là Chat GPT đã hỗ trợ rất nhiều hoạt động nghiệp vụ báo chí, hỗ trợ nhà báo tiết kiệm thời gian và công sức lao động nghề nghiệp trong quá trình viết bài, biên tập, quản trị nội dung để gia tăng tốc độ sản xuất tin, bài của phóng viên và các tòa soạn báo. Tuy nhiên, lạm dụng Chat GPT cũng gắn với nguy cơ vi phạm đạo đức báo chí. Đó là, nguy cơ vi phạm bản quyền tác giả do Chat GPT là dữ liệu mở, ai cũng có thể khai thác, sử dụng nhưng lại không được "kiểm định" do đó nguy cơ dùng dữ liệu và tin giả trong tác phẩm báo chí là rất cao nếu như quản trị nội dung trong tòa soạn không theo kịp được sự phát triển của công nghệ số.

 Phóng viên báo chí tác nghiệp tại Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất ngày 15/12/2023 tại Kon Tum. Ảnh: Trung Quân.

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất ngày 15/12/2023 tại Kon Tum. Ảnh: Trung Quân.

Ngoài ra, những sản phẩm giả mạo do AI thực hiện với sự can thiệp nội dung của con người có thể trở thành vũ khí mới trên mặt trận thông tin, gây ra các hệ lụy khó lường và nguy hại cả về kinh tế và quân sự, trong nước và quốc tế. Điển hình là trong những năm gần đây xuất hiện nhiều bức ảnh, videoclip, giọng nói giả mạo lan truyền trên Internet, mạng xã hội gây ra nhiều hậu quả cho người dân và doanh nghiệp.

Để hạn chế nguy cơ vi phạm đạo đức báo chí trong bối cảnh bùng nổ báo chí số và ứng dụng AI, các cơ quan báo chí, một mặt, cần cụ thể hóa và chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi số báo chí theo Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 06/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; khai thác những tiện ích từ mạng xã hội và đẩy mạnh ứng dụng AI trong sản xuất nội dung, phân phối, phát hành; ứng dụng AI cho khối tương tác, quản lý tòa soạn; tập trung các ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất, nghiên cứu và phân khúc công chúng trên phiên bản báo điện tử, cũng như trong quản trị nội bộ; phát triển dịch vụ giá trị gia tăng để phát triển kinh tế báo chí số, xây dựng chương trình tương tác và ứng dụng tin tức có tính năng vượt trội, giải quyết các vấn đề bản quyền và thực thi các mô hình báo chí số; phát triển hệ sinh thái số cho cơ quan báo chí.

Mặt khác, các cơ quan báo chí cần coi trọng và quán triệt các nguyên tắc đạo đức báo chí trong quy trình hoạt động tác nghiệp của các nhà báo; chú trọng an toàn và an ninh thông tin; thực hiện kiểm chứng đầy đủ các thông tin từ mạng xã hội bảo đảm tính chính xác, kịp thời, hữu ích, vì lợi ích của đất nước và nhân dân... Đặc biệt, cần xây dựng quy trình và đưa ra các chế tài cần thiết nhằm ngăn chặn sự vi phạm về đạo đức nhà báo; trong đó, cần tập trung xây dựng quy trình sàng lọc phát hiện bài gửi nào là do AI viết. Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí và các cơ sở đào tạo báo chí nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng giáo dục đào tạo theo hướng "dạy thực chất, thi thực chất"; tăng cường thời lượng giảng dạy về đạo đức báo chí cho phóng viên và lãnh đạo cơ quan báo chí, coi đây là điểm mấu chốt trong các mô hình đào tạo trong thời gian tới; các hội thảo chuyên đề về đạo đức báo chí cần được tổ chức gắn với các khóa học kĩ năng cho sinh viên, cán bộ quản lý với các tình huống cụ thể. Đạo đức nghề nghiệp là một trong những phẩm chất có tính chất nền tảng của hoạt động báo chí.

Trong nhiều trường hợp, đạo đức nghề nghiệp cần được nhấn mạnh hơn nghiệp vụ báo chí, bởi đó là yếu tố thuộc tư chất của con người, là lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc đối với công việc và xã hội. Đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong Bài nói chuyện tại Lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp 1 ngày 12/6/1956 "Có tài phải có đức. Có tài mà không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai".

Không giống như bất cứ một nghề nào khác, trong nghề báo của chúng ta nghề nghiệp luôn luôn gắn liền với lý tưởng. Trăn trở làm sao để luyện ngòi bút, luyện cách cầm máy, ứng dụng AI để tạo ra những tác phẩm báo chí xuất sắc vì mỗi bài báo, mỗi tấm ảnh, mỗi phóng sự, mỗi file âm thanh, file video đều chứa một thái độ, một ý tưởng, một ước vọng giống như những "đứa con tinh thần" của mỗi nhà báo.

Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay là dấu ấn ôn lại truyền thống, lịch sử tốt đẹp của ngành báo, tôn vinh nghề báo. Chúng ta vui mừng trước những thành quả rất to lớn của báo chí nước nhà, thì vẫn còn không ít băn khoăn trước thực tế một số cơ quan báo chí bị khiển trách do chủ quan, thiếu trách nhiệm, dẫn đến sai phạm, vi phạm nguyên tắc, đạo đức nghề báo. Một số nhà báo chưa đủ bản lĩnh, không thường xuyên rèn luyện dẫn đến thông tin sai lệch, gây hiệu ứng xấu trong dư luận xã hội. Thực tế đó đòi hỏi mỗi nhà báo phải không ngừng trau dồi kiến thức, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức và luôn nhắc nhớ chính mình phải “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”; xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, phát triển phồn vinh, thịnh vượng. Đó cũng chính là niềm vinh quang, tự hào riêng có của người làm báo.

Trung Quân

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/mat-sang-long-trong-but-sac-trong-thoi-dai-ai-2099005.html
Zalo