TP.HCM quy định số lượng ủy viên Ban thường vụ cấp xã chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp

Thành ủy TP.HCM quy định số lượng ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Đảng ủy xã, phường và Đảng ủy cấp trên trực tiếp cơ sở trực thuộc Thành ủy nhiệm kỳ 2025- 2030.

Thành ủy TP.HCM vừa ban hành kế hoạch chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ cơ sở và đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở nhiệm kỳ 2025-2030.

Kế hoạch được triển khai dựa theo Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Công văn 8413 của Ban Tổ chức Trung ương về việc thống nhất một số nội dung tổ chức đại hội đảng các cấp.

 Thành ủy TP.HCM ban hành kế hoạch chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ cơ sở và đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở nhiệm kỳ 2025-2030.

Thành ủy TP.HCM ban hành kế hoạch chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ cơ sở và đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở nhiệm kỳ 2025-2030.

Tại kế hoạch này, Thành ủy TP.HCM cũng quy định số lượng cấp ủy viên, ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Đảng ủy xã, phường và Đảng ủy cấp trên trực tiếp cơ sở trực thuộc Thành ủy nhiệm kỳ 2025- 2030.

Ban thường vụ đảng bộ cấp xã trực thuộc Thành ủy có từ 9 đến 11 người

Cụ thể, với Đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở trực thuộc Thành ủy, Ban chấp hành đảng bộ xã, phường trực thuộc Thành ủy có từ 27 đến 33 người. Trong đó, đảng bộ hợp nhất, sáp nhập từ 2 xã (phường) hoặc đảng bộ xã không thuộc diện hợp nhất, sáp nhập, thì số lượng tối đa không quá 27 người; đảng bộ hợp nhất, sáp nhập từ 3 xã (phường) trở lên, thì số lượng tối đa không quá 33 người.

Ban thường vụ đảng bộ xã, phường trực thuộc Thành ủy có từ 9 đến 11 người.

Định hướng cơ cấu ban thường vụ gồm: Bí thư; phó bí thư; chủ tịch HĐND (bí thư hoặc phó bí thư thường trực kiêm nhiệm); chủ tịch UBND; 1 phó chủ tịch HĐND, 1 phó chủ tịch UBND; chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, trưởng ban xây dựng Đảng; chỉ huy trưởng quân sự; trưởng công an; chủ tịch Ủy ban MTTQ và cơ cấu khác (nếu có) do Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định.

Hai phó bí thư gồm: 1 phó bí thư thường trực và 1 phó bí thư, chủ tịch UBND.

Định hướng cơ cấu Đảng bộ các cơ quan Đảng, Đảng bộ UBND

Với Đảng bộ các cơ quan Đảng TP, ban chấp hành có không quá 41 người, ban thường vụ có không quá 11 người.

Thành ủy TP cũng nêu định hướng cơ cấu ban thường vụ như sau: Phó bí thư Thường trực Thành ủy là bí thư đảng ủy; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP làm phó bí thư thường trực đảng ủy; 1 Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy là phó bí thư đảng ủy; 1 phó bí thư đảng ủy chuyên trách (có thể cơ cấu tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TP); 1 nhân sự trong Thường trực HĐND TP; Chánh Văn phòng Thành ủy.

Lựa chọn 4 trong 5 lãnh đạo cấp phó của các cơ quan, đơn vị: Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo và Dân vận, Ban Nội chính, Mặt trận Tổ quốc (trong đó cơ quan, đơn vị có Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy giữ chức phó bí thư, thì không giới thiệu nhân sự tham gia ủy viên ban thường vụ đảng ủy) và 1 người là bí thư cấp ủy trực thuộc Đảng bộ các cơ quan Đảng TP.

Sẽ có 3 Phó bí thư: 1 phó bí thư thường trực là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; 1 phó bí thư là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và 1 phó bí thư chuyên trách.

Đối với Đảng bộ UBND TP.HCM, ban chấp hành có không quá 41 người; ban thường vụ có không quá 11 người.

Định hướng cơ cấu ban thường vụ như sau: Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP là bí thư đảng ủy; Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP là phó bí thư thường trực đảng ủy; các Phó Chủ tịch UBND TP; Giám đốc Sở Nội vụ; Chánh Văn phòng UBND TP; 1 - 2 Phó bí thư Đảng ủy chuyên trách (có thể cơ cấu 1 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố); cơ cấu còn lại do Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định.

Sẽ gồm 1 phó bí thư thường trực và 1 - 2 phó bí thư chuyên trách.

Thành ủy TP.HCM cũng lưu ý, sau khi phân công, kiện toàn nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030, thì Ban Thường vụ Thành ủy mới chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư nhiệm kỳ 2025 - 2030 của các đảng bộ nêu trên.

Đối với các đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở khác, số lượng ủy viên ban chấp hành sẽ từ 21 đến 27 người; số lượng ủy viên ban thường vụ là từ 7 đến 9 người và có từ 1-2 phó bí thư.

Ở cấp cơ sở, với các đảng bộ (chi bộ) cơ sở trực thuộc Đảng bộ các cơ quan Đảng TP và Đảng bộ UBND TP thì Ban chấp hành có không quá 15 người, Ban thường vụ có không quá 5 người.

Về định hướng cơ cấu, Thành ủy nêu rõ với các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam TP gồm 1 cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị làm bí thư đảng ủy; 1 cấp phó của người đứng đầu là phó bí thư đảng ủy; 1 phó bí thư đảng ủy chuyên trách (nếu có); người đứng đầu một số đơn vị trực thuộc do đảng ủy xem xét, quyết định cơ cấu cụ thể.

Đối với các đảng bộ khác, người đứng đầu cơ quan, đơn vị là bí thư đảng ủy; cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị (trong đó, 1 người là phó bí thư thường trực đảng ủy); 1 phó bí thư đảng ủy chuyên trách (đối với đảng bộ cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở); người đứng đầu cơ quan tổ chức cán bộ (nếu có chức danh này); người đứng đầu một số đơn vị trực thuộc do đảng ủy xem xét, quyết định cơ cấu cụ thể.

Đảng bộ cơ sở có 1 phó bí thư đảng ủy. Đảng bộ cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở có 1 phó bí thư thường trực đảng ủy và 1 phó bí thư đảng ủy chuyên trách. Số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cơ bản thực hiện như ở nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đảng bộ thực hiện hợp nhất, sáp nhập phải đảm bảo đúng số lượng theo quy định sau 5 năm

Với đảng bộ thực hiện hợp nhất, sáp nhập (gồm cả Đảng bộ Công an) theo quy định, thì số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, phó bí thư, ủy ban kiểm tra cấp ủy tại thời điểm hợp nhất, sáp nhập có thể nhiều hơn số lượng nêu tại kế hoạch này.

Thành ủy cũng yêu cầu tối đa không quá tổng số lượng hiện có của các đảng bộ trước khi hợp nhất (không bao gồm các nhân sự đến tuổi nghỉ hưu, nghỉ công tác hoặc chuyển công tác khác); chậm nhất sau 5 năm kể từ ngày thành lập đảng bộ mới, thì số lượng phải thực hiện theo quy định.

Đối với những đảng bộ cấp xã hợp nhất, sáp nhập, thì thực hiện theo quy định nêu tại kế hoạch. Riêng Đảng bộ Quân đội, Đảng bộ Công an thực hiện theo quy định riêng của Bộ Chính trị.

Đảng bộ tập đoàn kinh tế có từ 11-13 ủy viên Ban thường vụ

Thành ủy TP.HCM cũng nêu rõ, đối với những đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước tổ chức theo mô hình đảng bộ toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty nêu tại Quy định số 60/2022 của Ban Bí thư, có phạm vi hoạt động rộng, nhiều đầu mối trực thuộc, có số lượng đảng viên lớn,... thì số lượng ban chấp hành không quá 39 người, ủy viên ban thường vụ từ 11 đến 13 người.

Đối với đảng bộ cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước có phạm vi hoạt động rộng, nhiều đầu mối trực thuộc, đông đảng viên, thì số lượng cấp ủy không quá 19 người, ban thường vụ không quá 5 người. Đảng bộ cơ sở được giao hoặc thí điểm giao một số quyền cấp trên cơ sở theo Quy định số 113/2023 của Ban Bí thư, thì số lượng cấp ủy không quá 27 người, ban thường vụ từ 7 đến 9 người, do Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định số lượng cụ thể.

Cơ cấu cấp ủy do ban thường vụ xã, phường và các đảng ủy cấp trên trực tiếp cơ sở trực thuộc Thành ủy căn cứ vào quy định chung và tình hình, đặc điểm cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị để hướng dẫn phù hợp.

THANH TUYỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-quy-dinh-so-luong-uy-vien-ban-thuong-vu-cap-xa-chuan-bi-cho-dai-hoi-dang-cac-cap-post847629.html
Zalo