TP.HCM mở sàn giao dịch việc làm cho người khuyết tật
Đây là lần thứ tư TP.HCM tổ chức sàn giao dịch việc làm đặc biệt dành riêng cho người khuyết tật.
Có khiếm khuyết ở chân và thị lực chỉ 4/10, chị Lê Diệu Thảo (37 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) gặp khá nhiều khó khăn khi tìm việc làm. Chị Thảo từng là công nhân đóng gói sản phẩm tại một công ty hải sản, công việc phần lớn thời gian chỉ ngồi làm nên chị gắn bó đã được 10 năm.
Mong sớm có việc để vượt qua khó khăn
Gần đây, do kinh tế khó khăn, công ty buộc phải cắt giảm lao động. Chị Thảo lao đao vì gánh nặng kinh tế do phải lo cho cha đang bị bệnh ung thư và con nhỏ. Chị thường lên các trang tuyển dụng lao động khuyết tật, hy vọng tìm được một công việc ổn định ở lĩnh vực thủ công, ít đi lại và gần nhà để tiện chăm sóc gia đình.
“Không có trình độ học vấn cao, sức khỏe hạn chế là rào cản lớn khi tôi tìm việc làm. Tôi từng tìm được công việc phù hợp nhưng bị công ty từ chối tuyển dụng vì thị lực phải đạt trên 7. Tôi mong sớm tìm được việc làm để có thu nhập vượt qua giai đoạn khó khăn này” - chị Thảo bộc bạch.
Các trung tâm dạy nghề nên dạy cho người khuyết tật những gì họ cần, thay vì dạy nghề mà trung tâm có.
Mặc dù có bằng chuyên ngành thiết kế đồ họa nhưng vì đôi chân bị tật, phụ thuộc xe lăn khiến anh Trần Bình Nguyên (26 tuổi, ngụ quận 12) gặp vất vả khi tìm việc làm. Anh Nguyên tâm sự khi doanh nghiệp kinh doanh khó khăn, phải cắt giảm nhân sự thì đối tượng người khuyết tật (NKT) như anh nằm trong đợt mất việc đầu tiên.
“Tôi muốn tìm một công việc ổn định, gắn bó lâu dài. Đối với tôi, không gì hạnh phúc hơn được đi làm, có đời sống công sở như những người bình thường khác. Mong rằng các doanh nghiệp có cái nhìn bao dung, tin tưởng hơn để chúng tôi có thể phát huy được thế mạnh của mình” - anh Nguyên trần tình.
NKT không chỉ là đối tượng ưu tiên mà cần phải nhìn nhận họ là lực lượng lao động có tiềm năng, vai trò tích cực trong xã hội. Giải quyết việc làm cho NKT là trách nhiệm giúp họ khẳng định bản thân, giá trị của mình với gia đình và xã hội, giúp họ tự tin hòa nhập, cống hiến cho sự phát triển chung của đất nước.
Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ chỉ đạo tổ chức thêm nhiều sàn giao dịch việc làm hơn nữa để NKT có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với các việc làm phù hợp.
Bà HUỲNH LÊ NHƯ TRANG, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận việc làm
Theo Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật TP.HCM Võ Văn Anh, hiện người bình thường tìm việc đã khó khăn, những người có khiếm khuyết lại càng khó khăn hơn. “Trong làm việc có thể năng suất của NKT không đạt như người bình thường nhưng ở họ luôn có sự cần cù, nỗ lực, chịu khó. Bản thân NKT rất muốn có công việc để tự nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên, vấn đề tìm việc làm với họ thực sự còn nhiều nan giải” - ông Anh bày tỏ.
Cũng theo ông Anh, có nhiều lý do để các doanh nghiệp “ngại” tuyển dụng lao động khuyết tật. Trong đó, sức khỏe và trình độ kinh nghiệm là rào cản lớn nhất. Đó là chưa kể sau khi tuyển, doanh nghiệp sẽ mất thêm một khoảng thời gian đào tạo kỹ năng, bố trí chỗ làm… cho lao động mới.
“Các trung tâm dạy nghề nên dạy cho NKT những gì họ cần, thay vì dạy nghề mà trung tâm có. Khi đó, NKT sẽ tự tin hơn với kiến thức, kỹ năng của mình, cơ hội tìm việc chắc chắn cao hơn. Chẳng hạn, người khiếm thị có xu hướng học nghề massage, người không đi lại được thì học nghề thiết kế đồ họa, thiết kế web…” - ông Anh nêu.
Ông Hoàng Văn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, cho biết việc tổ chức sàn giao dịch việc làm cho lao động khuyết tật là cần thiết và quan trọng. “Bên cạnh tạo thuận lợi cho NKT tiếp cận thông tin tuyển dụng, tìm việc làm phù hợp, đây còn là dịp để các doanh nghiệp, trường dạy nghề giới thiệu việc làm, tư vấn hỗ trợ học nghề, kết nối việc làm cho NKT” - ông Thắng nói.
Nhờ những lần tham gia tuyển dụng lao động khuyết tật, ông Trần Hoàng Tuấn, Công ty TNHH Công nghệ Hoàng Phát Đạt, đã tuyển được nhiều nhân viên phù hợp và gắn bó với công ty đến nay. Ở sàn giao dịch việc làm lần này, ông Tuấn muốn tìm năm kỹ thuật viên máy tính cho vị trí nghiên cứu sản phẩm, hỗ trợ khách hàng.
“Chúng tôi đồng cảm và luôn tạo cơ hội, hỗ trợ hết mình những lao động có khiếm khuyết. Khi tuyển dụng, chúng tôi thường tìm kiếm ưu điểm, lợi thế ở họ chứ không nhìn vào hạn chế” - ông Tuấn chia sẻ.•
Gần 400 vị trí việc làm cho lao động khuyết tật
Ngày 27-10, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM và Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và tạo việc làm cho NKT phối hợp tổ chức sàn giao dịch việc làm dành cho NKT năm 2023, thu hút gần 30 đơn vị, doanh nghiệp với 365 vị trí việc làm.
Các ngành được tuyển dụng nhiều là thợ may, kỹ thuật viên vi tính, nhân viên văn phòng, thợ thủ công, thợ máy, đầu bếp... Dịp này, ban tổ chức cũng trao 350 phần quà (200.000 đồng/phần quà) và 30 suất học bổng học nghề (trị giá 6 triệu đồng/suất) cho NKT khó khăn, vươn lên trong học tập.
Ông HOÀNG VĂN THẮNG, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM