Cải cách tổ chức bộ máy: Yếu tố quan trọng, cốt lõi cho mục tiêu tăng trưởng hai con số

'Việc thay đổi về tổ chức bộ máy, thay đổi về cơ chế chính sách góp phần tạo nên một mô hình nhà nước gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, và hoạt động có chất lượng cao', TS Bùi Đức Thụ, nguyên Phó Trưởng ban Công tác Đại biểu, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ với Tiền Phong.

Tăng trưởng cao nhưng phải bền vững, lâu dài

Tại buổi gặp mặt các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trí thức, nhà khoa học, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, 2025 là năm rất quan trọng đối với đất nước để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược. Tuy nhiên, nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình lúc nào cũng rình rập nếu chúng ta không tìm được con đường mới, bước đi mới. Chính vì vậy, đây chính là thời điểm để khởi điểm cho những tính toán về định hướng chiến lược. Ông chia sẻ gì về vấn đề này?

Nhìn lại năm 2024, Việt Nam là một điểm sáng tăng trưởng GDP ở khu vực và trên thế giới, với mức tăng 7,09% - vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Đó là một thành tựu rất tốt. Vấn đề đặt ra là có sự tăng trưởng nóng không? Với chỉ số lạm phát bình quân 3,63%, cho thấy thị trường của chúng ta tương đối ổn định, ở mức chấp nhận được và sự tăng trưởng tương đối lành mạnh. Trong mức tăng trưởng đó, quý sau cao hơn quý trước, cho thấy đà tăng trưởng của đất nước đang có và nếu có cơ chế chính sách tốt sẽ tiếp tục duy trì được.

 Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị tổng kết của Chính phủ và chính quyền địa phương. Ảnh: Nhật Bắc

Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị tổng kết của Chính phủ và chính quyền địa phương. Ảnh: Nhật Bắc

Năm 2025 là một năm hết sức quan trọng, năm cuối của một giai đoạn để xác lập tiền đề, điều kiện, điểm xuất phát cho kế hoạch 5 năm tới (2026 - 2030), mà kế hoạch giai đoạn tiếp theo là phải hiện thực hóa được mục tiêu quy mô GDP và GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã đề ra. Năm 2025 cũng là tiền đề để hiện thực hóa mục tiêu đến 2030 trở thành nước thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 sẽ trở thành nước có thu nhập cao.

Quốc hội đã quyết định mục tiêu tăng trưởng năm 2025, nhưng nếu chỉ tăng trưởng ở mức đó, và những năm sau chỉ đạt khoảng 6,5 – 7%, thì khó có thể hiện thực hóa mục tiêu đề ra. Với quy mô GDP hiện nay của Việt Nam đạt 476,3 tỷ đô vào cuối năm 2024, dân số gần 100 triệu người, chúng tôi tính toán, để hiện thực hóa được mục tiêu năm 2030 và 2045, những năm tới, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam phải là hai con số. Đây là một thách thức, gánh nặng, đòi hỏi rất lớn để hiện thực hóa mục tiêu Đại hội Đảng XIII đã đề ra.

Để đạt tăng trưởng 2 con số, chúng ta phải dựa vào cơ chế, chính sách và giải pháp gì, thưa ông?

Tăng trưởng luôn là vấn đề khó, cũng là phương tiện, mục tiêu mọi quốc gia hướng đến. Tăng trưởng cao đã khó, nhưng tăng trưởng cao bền vững càng khó hơn nhiều. Chúng ta có thể đạt tăng trưởng hai con số bằng con đường nới lỏng tài khóa, tiền tệ và huy động các nguồn lực khác. Tuy nhiên, đó là con đường không bền vững.

Con đường bền vững là phải đặt tăng trưởng trong sự ổn định, tức phải kiểm soát được lạm phát, kiểm soát được các cân đối lớn của nền kinh tế, luôn giữ ở trạng thái cân bằng cho phép. Do vậy, đi kèm với yêu cầu tăng trưởng hai con số, phải đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững. Đó là yêu cầu bao trùm nhất.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ lão thành các tỉnh thành phía Nam. Ảnh: VOV

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ lão thành các tỉnh thành phía Nam. Ảnh: VOV

Để làm được điều này, trước tiên, chúng ta phải huy động được mọi nguồn lực trong, ngoài nước cho đầu tư phát triển. Tiềm lực để huy động các nguồn lực trong nước vẫn còn, nhưng làm sao để huy động được? Tôi cho rằng, quan trọng nhất vẫn là cơ chế, chính sách, phải tập trung tháo gỡ những rào cản đang trở thành những nút thắt, như những “cơn gió ngược” cản trở sự phát triển kinh tế.

Do vậy, từng ngành, từng cấp, từng lĩnh vực phải rà soát, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp để xử lý về cơ chế, chính sách, tháo gỡ nhanh, kịp thời, ổn định bền vững về chính sách. Có như vậy mới giải phóng được sức sản xuất, thu hút được mọi nguồn lực trong nền kinh tế. Nếu cơ chế bất cập, doanh nghiệp không đầu tư thì vốn vẫn tồn đọng trong nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng.

Phát triển bằng nội lực mới là cốt lõi, bền vững

Ông có thể đưa ra ví dụ về những cơ chế còn gây cản trở, cần tháo gỡ?

Ví dụ như việc hành chính hóa quan hệ kinh tế, cấm đoán quá nhiều, thủ tục hành chính quá nhiều, dẫn đến làm mất cơ hội đầu tư trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hay có những cơ chế chúng ta can thiệp vào thị trường, giá cả, lưu thông chưa thật đúng theo bản chất của kinh tế thị trường, cũng ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư.

Rồi chính sách nay ban hành, mai sửa đổi, mà nếu sửa đổi tốt hơn còn duy trì được động lực, nhưng nếu ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp, dẫn đến doanh nghiệp nản lòng. Có những cái nay cho làm, mai lại cấm, nay mở ra, mai thiết lại bằng các quy định, thì không thể huy động được các nguồn lực trong nước, không thể giải phóng được sự phát triển của lực lượng sản xuất trong nước.

Tăng trưởng kinh tế bằng nhiều con đường, nhưng con đường phát triển bằng nội lực, bằng chính các nhà đầu tư trong nước mới là cái cốt lõi, bền vững, mới là điều kiện để tạo tiền đề duy trì sự độc lập, tự chủ về kinh tế của đất nước, từ đó mới duy trì được độc lập thực sự về chính trị của quốc gia. Vì thế, để thúc đẩy tăng trưởng, khơi dậy các nguồn lực trong nước, phải đổi mới mạnh mẽ hơn về cơ chế chính sách.

Vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, đã chỉ đạo vấn đề cải cách tổ chức bộ máy. Tôi cho rằng, đây là một trong những yếu tố hết sức quan trọng, cốt lõi. Việc thay đổi về tổ chức bộ máy, thay đổi về cơ chế chính sách góp phần tạo nên một mô hình nhà nước gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả và hoạt động có chất lượng cao; thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân, nhà nước phục vụ, kiến tạo phát triển.

 TS Bùi Đức Thụ.

TS Bùi Đức Thụ.

"Chỉ có hoàn thiện thể chế nhà nước mới khơi dậy được các nguồn lực trong nước và thu hút các nguồn lực nước ngoài để đầu tư vào đất nước ta. Có như vậy mới hiện thực hóa được mục tiêu đề ra", TS Bùi Đức Thụ.

Về cơ chế thu hút các nguồn lực ngoài nước vào đầu tư thì sao, thưa ông?

Có thể nói, cơ chế, chính sách của chúng ta gần đây có nhiều thay đổi, thu hút được nguồn lực từ nước ngoài đầu tư vào nền kinh tế rất khá. Mức tăng trưởng 7,09% trong năm 2024 - một trong những yếu tố quan trọng là thu hút được nguồn lực đầu tư ngoài nước. Năm 2024, đầu tư FDI đăng ký trên 38 tỷ USD, trong số này đã giải ngân được khoảng 2/3, đóng góp rất lớn vào tổng đầu tư toàn xã hội, cũng như thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng.

Năm 2025 và những năm tiếp theo, chúng ta cần tiếp tục ổn định môi trường đầu tư trong nước, ổn định cơ chế chính sách, các quan hệ kinh tế, với những cơ chế cởi mở, thông thoáng để thu hút nguồn lực nhiều hơn, để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng.

Để đạt được điều đó, chúng ta cần thay đổi thể chế để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Qua đó, chúng ta phải ban hành các cơ chế chính sách, hình thành được các loại thị trường và kiểm soát vận hành một cách lành mạnh. Không chỉ dừng ở thị trường hàng hóa dịch vụ mà vấn đề rất lớn hiện nay là thị trường tài chính, thị trường tiền tệ, ngoại hối, chứng khoán, lao động…

Các loại thị trường này chúng ta đã có nhưng chưa thật sự ổn định. Hay thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vừa mới được mở ra để thu hút nguồn lực cho đầu tư, nhưng cơ chế, chính sách kiểm soát không tốt, dẫn đến tình trạng lừa đảo, để lại những hậu quả tương đối nặng.

Do vậy, để huy động được nguồn lực trong ngoài nước, cần hoàn thiện cơ chế thị trường, tăng cường quản lý thị trường, đảm bảo đúng pháp luật, tránh tình trạng thích thì làm, không làm được thì cấm, dẫn đến cản trở nhà đầu tư.

Phân cấp, giao quyền đi kèm giao trách nhiệm

Để đạt tăng trưởng hai con số, Tổng Bí thư cũng nêu rõ, cần thực hiện chính sách khoán tăng trưởng cho các địa phương, đi kèm với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm tạo sự năng động, sáng tạo... Đây sẽ là giải pháp hiệu quả để đóng góp vào sự tăng trưởng chung của cả nền kinh tế, thưa ông?

Rõ ràng, kinh tế Việt Nam muốn tăng trưởng cao, các khu vực kinh tế từ trung ương đến địa phương đều phải tăng trưởng cao. Do vậy, muốn tăng trưởng cả nước cao, tất cả các ngành, các cấp đều phải tập trung vào lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, coi đó là nhiệm vụ chính trị cấp bách, trọng tâm, trọng điểm trong những năm tới.

Tháo gỡ điểm nghẽn, phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương để thúc đẩy tăng trưởng (Ảnh minh họa)

Tháo gỡ điểm nghẽn, phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương để thúc đẩy tăng trưởng (Ảnh minh họa)

Để đạt được điều đó, Bộ KH&ĐT phải tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các địa phương nỗ lực đạt được các chỉ tiêu cao hơn, làm căn cứ cho HĐND các cấp quyết định chỉ tiêu phát triển, tăng trưởng kinh tế địa phương mình. Nên giao chỉ tiêu và coi đó là nhiệm vụ chính trị, một trong những yếu tố đánh giá năng lực quản lý, điều hành của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Tất nhiên, đi kèm với đó phải có sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ. Thực tế có những nút thắt, rào cản, ví dụ một dự án đầu tư lớn bằng các nguồn vốn của trung ương, triển khai ở địa phương, phải làm quá nhiều thủ tục, xin phép quá nhiều cơ quan. Trong khi đó, các cơ quan lại quá thận trọng, cứ chuyển đi chuyển lại, dẫn đến kéo dài thời gian.

Chẳng hạn với thị trường bất động sản, vì sao giá cao đột biến như vậy? Một trong những yếu tố quan trọng là nguồn cung không tăng, trong khi nhu cầu vẫn như vậy. Cung không tăng vì các dự án gần đây thiết quá chặt, hoặc nhiều cơ quan tổ chức nhà nước không tiến hành quyết liệt, nên số dự án được duyệt rất ít. Nguồn cung giảm, cộng tâm lý nọ kia, dẫn đến giá tăng, tạo nên sự bất ổn, bong bóng bất động sản.

Do vậy, bây giờ phải rà soát và đẩy mạnh phân cấp theo hướng cấp nào làm tốt hơn, hiệu quả hơn, chất lượng hơn, nhanh hơn thì giao cho cấp đó. Nhưng đi kèm với phân cấp, giao quyền phải giao trách nhiệm. Quyền càng to, trách nhiệm càng lớn. Cấp nào làm, cấp đó hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả, quản lý điều hành.

Cần tránh tình trạng tập trung quá nhiều ở trung ương, các ngành, nhưng ngược lại, cũng phải tránh phân cấp quá mạnh mẽ. Cái gì địa phương làm tốt hơn, dứt khoát phải giao cho địa phương. Nhưng nhiệm vụ gì của trung ương thì trung ương phải làm. Ví dụ, với những dự án lớn như “quả đấm thép” của nền kinh tế, rồi phát triển liên vùng, phát triển tổng thể nền kinh tế, những vấn đề thuộc cơ chế chính sách trọng điểm mà chỉ trung ương làm được thì trung ương phải làm cho được và làm cho tốt.

Đi kèm với đẩy mạnh phân cấp, cũng cần chú ý đến sự phân công, phân nhiệm rõ ràng. Ở cùng một cấp, anh nào làm gì cũng phải phân công rõ. Tránh tình trạng dồn cho một cơ quan, dẫn đến không rõ chức năng nhiệm vụ, dẫn đến chồng chéo, ai cũng có quyền tham gia, nhưng lại chẳng ai chịu trách nhiệm.

Thẩm quyền, trách nhiệm quy định rõ sẽ tạo thành bộ máy thông suốt, trở thành những bộ phận như linh kiện của chiếc đồng hồ, giúp bộ máy hoạt động một cách hiệu lực, hiệu quả.

Cảm ơn ông !

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cai-cach-to-chuc-bo-may-yeu-to-quan-trong-cot-loi-cho-muc-tieu-tang-truong-hai-con-so-post1708707.tpo
Zalo