Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc chưa có dấu hiệu 'hạ nhiệt'

Tình hình thất nghiệp trong nhóm sinh viên tốt nghiệp ở Trung Quốc là chủ đề nóng trong những năm gần đây.

Nhiều sinh viên Trung Quốc thất nghiệp hàng loạt sau tốt nghiệp.

Nhiều sinh viên Trung Quốc thất nghiệp hàng loạt sau tốt nghiệp.

Mặc dù chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giải quyết tình trạng này, nhưng các tân cử nhân vẫn đối mặt với thị trường việc làm khắc nghiệt và không chắc chắn.

Tuy Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng tình hình thất nghiệp đang được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm người từ 16 đến 24 tuổi vẫn ở mức cao. Theo dữ liệu mới nhất từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này trong tháng 11 đã giảm xuống 16,1%. Con số này chưa tính đến những người đã từ bỏ tìm kiếm việc làm hoặc những người ở các khu vực nông thôn.

Một trong những yếu tố chính khiến thị trường lao động gặp khó khăn là số lượng sinh viên tốt nghiệp tăng lên mỗi năm. Dự báo của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy, vào năm 2025, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc sẽ đạt kỷ lục là 12,22 triệu người, tăng 430 nghìn so với năm 2024. Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ gia nhập nền kinh tế đang chịu tác động của sự tăng trưởng chậm chạp. Vì vậy, cơ hội tìm việc làm càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Một thách thức lớn khác đối với thị trường việc làm là độ “vênh” giữa yêu cầu của nhà tuyển dụng và chất lượng đào tạo của các trường đại học. Mặc dù các chuyên ngành mới như trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới hay chất bán dẫn đang rất cần nhân lực, nhưng nhiều trường đại học vẫn tiếp tục đào tạo quá nhiều sinh viên trong các ngành nghề truyền thống, không đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

Bên cạnh đó, phân biệt đối xử trong tuyển dụng cũng là vấn đề đáng lo ngại. Sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp từ các trường đại học không thuộc nhóm ưu tú thường bị từ chối ngay từ vòng tuyển chọn, mặc dù chính phủ đã cấm các hành vi phân biệt như vậy. Vì thế, nhiều người phải chuyển qua những công việc lương thấp, không tương xứng với trình độ của họ.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã đề ra các biện pháp như tăng cường các chương trình tuyển dụng sau đại học và mở rộng dịch vụ nghề nghiệp, chúng chưa đủ mạnh mẽ để giải quyết triệt để vấn đề.

Ngoài nhóm sinh viên trong nước, các sinh viên du học trở về Trung Quốc cũng đối mặt với sự bất lợi khi tìm kiếm việc làm. Nhiều doanh nghiệp nhà nước hiện ưu tiên tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp trong nước, điều này khiến cho các sinh viên du học gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp.

Theo các học giả, trong bối cảnh thị trường việc làm Trung Quốc vô cùng cạnh tranh, giáo dục đại học cần phải thay đổi và phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường lao động. Các chuyên ngành cần được cải tổ để đáp ứng những yêu cầu mới của nền kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Đối với chị Xu Ruichen, sinh viên năm cuối chuyên ngành Nghệ thuật tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, cuộc cạnh tranh việc làm năm nay có vẻ “khốc liệt hơn bao giờ hết”.

Chị Ruichen chia sẻ: “Trong các sự kiện tuyển dụng tại trường gần đây, số lượng ứng viên cho mỗi vị trí đã tăng đáng kể. Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng có kỳ vọng rất cao với sinh viên. Như khi tôi ứng tuyển vị trí biên dịch, mọi người đều được yêu cầu phải có hiểu biết nhất định về các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo”.

Theo University World News

Tú Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ty-le-that-nghiep-o-trung-quoc-chua-co-dau-hieu-ha-nhiet-post715387.html
Zalo