TP HCM kích cầu tiêu dùng nội địa mùa cuối năm
Trong những tháng đầu năm, kinh tế TP HCM tăng trưởng khá, vượt cùng kỳ năm ngoái. Để duy trì đà tăng trưởng, TP HCM triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa, kích cầu mua sắm mùa cuối năm. Phóng viên PetroTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM về hoạt động kích cầu này.
PV: Thưa ông, việc điều chỉnh lương cơ bản đã được thực hiện từ ngày 1/7, nhiều đánh giá cho rằng giá các mặt hàng tiêu dùng có thể tăng theo, TP HCM có những giải pháp nào để kiềm giữ giá, hỗ trợ người tiêu dùng?
Ông Nguyễn Nguyên Phương: Trước đây, mỗi lần tăng lương hoặc những dịp lễ, Tết... thường xảy ra các hiện tượng đầu cơ, tích trữ, “té nước theo mưa”, tăng giá bất hợp lý bởi các hệ thống phân phối còn mỏng và nguồn hàng không ổn định. Về nguyên tắc, một trong những nguyên nhân gây lạm phát, tăng giá hàng hóa là do tổng cung và tổng cầu mất cân bằng. Và khi lượng tiền lưu hành trong nền kinh tế tăng rất mạnh mà tổng sản phẩm sản xuất ra tăng thấp hơn nhiều thì lạm phát mới tăng cao. Trong khi đó, việc tăng lương không làm tăng cung tiền nên không tác động đến việc tăng giá.
Tuy nhiên, TP HCM cũng nhận định việc tăng lương từ ngày 1/7 sẽ tạo tâm lý nâng giá bán của nhà bán lẻ. Do đó, TP HCM đã có chỉ đạo quyết liệt; các quận, huyện đang bám sát thị trường và doanh nghiệp bình ổn thị trường luôn trong trạng thái sẵn sàng bổ sung lượng hàng hóa thiếu hụt cục bộ, không để mất cân đối cung - cầu, bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa… trong mọi tình huống.
Sở Công Thương cũng đã triển khai tới các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức; phối hợp cùng thanh tra Sở Tài chính, các quận - huyện, cơ quan quản lý thị trường theo dõi sát sao tình hình cung ứng hàng hóa, đặc biệt là tại các chợ truyền thống. Nếu có dấu hiệu tăng giá đột biến, cục bộ thì sẽ thông tin ngay về Sở Công Thương và Sở Tài chính để chúng tôi điều phối, can thiệp kịp thời. Cụ thể là tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định.
Hiện nay, thành phố đang triển khai chương trình bình ổn thị trường theo nguyên tắc đảm bảo cân đối cung cầu, kiểm soát thị trường với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, DN và người tiêu dùng. Hiện chương trình đã có quy chế, doanh nghiệp tham gia với lượng hàng phong phú, chất lượng, giá cả ổn định, sẵn sàng bổ sung khi xảy ra khan thiếu hàng hóa cục bộ. Hệ thống phân phối cũng phủ khắp địa bàn TPHCM, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.
PV: Theo ghi nhận, sức mua hàng hóa rất chậm do người dân thắt chặt chi tiêu, Sở Công Thương TP HCM có những kế hoạch, chương trình gì để hỗ trợ người tiêu dùng?
Ông Nguyễn Nguyên Phương: Để hỗ trợ người tiêu dùng, Sở Công Thương TP HCM phối hợp cùng các Sở, ban ngành thực hiện chương trình khuyến mãi tập trung “Mùa mua sắm - Shopping Season” chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ nay đến ngày 15/9; đợt 2 từ ngày 15/11 đến ngày 31/12/2024. Với quy mô rộng khắp, chương trình dự kiến thu hút sự tham gia của gần 10.000 DN, mang đến hơn 55.000 chương trình khuyến mại hấp dẫn trải rộng các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ ngân hàng, thanh toán, giao thông vận tải... Các ưu đãi đa dạng lên đến 100% sẽ diễn ra tại các trung tâm thương mại lớn và hàng ngàn cửa hàng trên địa bàn.
Chương trình gồm chuỗi hoạt động thiết thực nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh trong điều kiện kinh tế vẫn khó khăn như hiện nay; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh điểm nhấn là khuyến mãi, thành phố tiếp tục quan tâm chăm lo cho người lao động thu nhập thấp. Trong mùa khuyến mãi tập trung năm nay, lần đầu tiên TP HCM sẽ tổ chức bán hàng lưu động phục vụ người có thu nhập thấp tại các quận, huyện vùng sâu - vùng xa; công nhân - lao động các khu chế xuất, khu công nghiệp. Chúng tôi đã xây dựng chương trình và làm việc với các quận, huyện để đăng ký những điểm bán, dự kiến đầu tháng 8/2024 triển khai.
Chương trình dự kiến sẽ rất phong phú với sự tham gia của rất nhiều thương hiệu từ các DN lớn, kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); khuyến mãi những sản phẩm thiết thực, phù hợp với nhu cầu của người lao động có thu nhập trung bình và thấp. Ban tổ chức phối hợp với các DN áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt để có mức khuyến mãi tốt hơn, thông qua việc triển khai các app thanh toán và coupon thanh toán điện tử.