TP.HCM học được gì từ Quảng trường Thời đại New York?
Nếu Quảng trường Thời đại là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, du lịch toàn diện, thì các quảng trường ở châu Á tập trung vào thương mại, du lịch với các giá trị văn hóa.
TP.HCM đang lên kế hoạch phát triển khu vực trước chợ Bến Thành (quận 1) thành một không gian tương tự Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng TP.HCM có thể học hỏi các mô hình quảng trường trung tâm thành công trên thế giới để không chỉ tạo ra một không gian công cộng rộng rãi, thoáng đãng cho người dân và du khách, mà còn góp phần nâng cao giá trị kinh tế, văn hóa và du lịch của khu vực.
Quảng trường huyền thoại của thế giới
Thực tế, Quảng trường Thời đại (Times Square) - hình mẫu mà Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi nhắc đến - là một trong những quảng trường nổi tiếng và sôi động nhất thế giới, thu hút khoảng 50 triệu lượt khách mỗi năm, bao gồm cả người dân địa phương và du khách quốc tế.
Vào những dịp lễ hội lớn, đặc biệt là đêm giao thừa, khu vực này thu hút cả triệu người từ khắp nơi đổ về để tham gia vào sự kiện thả quả cầu (Ball Drop) tại tòa nhà One Times Square.
Nơi đây cũng có sự hiện diện của các nhà hát Broadway danh tiếng, thu hút khoảng 14 triệu khán giả mỗi năm và mang lại gần 1,5 tỷ USD từ các hoạt động nghệ thuật.
Tọa lạc tại vị trí đắc địa của thành phố New York - ngay khu trung tâm Manhattan, Times Square chỉ chiếm 0,1% tổng diện tích đất của New York nhưng tạo ra 10% việc làm và 15% sản lượng kinh tế cho cả thành phố.
Đáng chú ý, đây là nơi Nasdaq - sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ 2 thế giới - đặt trụ sở chính, từ đó chứng kiến hàng nghìn công ty rung chuông niêm yết cổ phiếu, trong đó có VinFast của Việt Nam.
Times Square cũng tập trung gần 2,9 triệu m2 diện tích văn phòng, trong đó có tòa soạn The New York Times, Morgan Stanley, Coca Cola, Disney, Spotify..., bên cạnh hơn 19.000 phòng khách sạn để phục vụ khách du lịch và công tác.
Quảng trường này cũng được ví như "thành phố không bao giờ ngủ" khi được bao quanh bởi hàng trăm nhà hàng, quán bar, trung tâm giải trí và hoạt động đường phố hấp dẫn 24/7.
Phần lớn các tòa nhà trong khu vực đều được bao phủ bởi hệ thống màn hình quảng cáo LED khổng lồ và ánh sáng hiện đại, biến Times Square thành một "thánh địa quảng cáo ngoài trời".
Các thương hiệu liên tục xuất hiện trên con phố bận rộn nhất thế giới bất chấp chi phí "khổng lồ" cho mỗi phút vận hành. Năm 2014, Google là công ty đầu tiên đặt quảng cáo tại màn hình DOOH lớn nhất tại đây, hơn 11.612 m2 - cao tương đương một tòa nhà 8 tầng, với giá 2,5 triệu USD trong 4 tuần.
Gần nhất, Tòa tháp 47 tầng TSX Broadway đã được mở cửa vào năm 2023, sau quá trình cải tạo, nâng cấp kéo dài nhiều năm. Với tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD, dự án này đã phục hồi Nhà hát Palace lịch sử, đồng thời phát triển tổ hợp khách sạn sang trọng kết hợp không gian bán lẻ, giải trí, cùng hệ thống chiếu sáng hiện đại và màn hình LED 18.000 feet vuông.
Khu vực Times Square nói chung cũng được quy hoạch cơ sở hạ tầng giao thông phát triển vượt trội, kết nối trực tiếp với 11 tuyến tàu điện ngầm, các tuyến xe buýt, cùng hệ thống taxi và dịch vụ di chuyển khác. Năm 2023, New York đã chi 250 triệu USD để nâng cấp các dịch vụ giao thông công cộng, nhằm tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho người dân và du khách.
Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc: Nơi giao thoa giữa truyền thống và hiện đại
Nếu Quảng trường Thời đại khai thác toàn diện các khía cạnh tài chính, thương mại và du lịch, thì các quảng trường ở châu Á khẳng định nỗ lực dung hòa giữa lịch sử, văn hóa truyền thống và các yếu tố hiện đại.
Quảng trường Thiên An Môn, với diện tích 440.000 m2, là một trong những quảng trường lớn nhất thế giới và là biểu tượng văn hóa, chính trị quan trọng của Trung Quốc.
Khu vực quanh Quảng trường Thiên An Môn được quy hoạch kết hợp hài hòa giữa yếu tố lịch sử và hiện đại, với các công trình kiến trúc mang giá trị văn hóa, lịch sử như Cổng Thiên An Môn, lăng Chủ tịch Mao Trạch Đông và Bảo tàng Trung Quốc.
Trong khi đó, sự hiện đại được tìm thấy ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia và các cơ sở hạ tầng giao thông như ga tàu điện ngầm, tạo sự kết nối hiệu quả giữa các khu vực.
Từ đây, du khách dễ dàng di chuyển tới Cố Cung chỉ sau 5 phút đi bộ, hoặc tới Di Hòa Viên trong khoảng 30 phút bằng tàu điện ngầm. Vạn Lý Trường Thành cách khoảng 1,5-2 giờ di chuyển bằng ôtô, còn Tòa nhà Trung Nam Hải chỉ cách 10-15 phút đi bộ.
Trong khi đó tại Nhật Bản, Quảng trường Shibuya, nằm ở trung tâm khu vực Shibuya của Tokyo, từ lâu cũng đã trở thành một biểu tượng văn hóa và thương mại nổi bật.
Khu vực này đang trải qua quá trình tái phát triển quy mô lớn, với mục tiêu trở thành biểu tượng hiện đại của Tokyo, nâng cao vai trò trong nền kinh tế và văn hóa TP.
Một trong những dự án nổi bật trong quá trình tái cấu trúc khu vực Shibuya là Shibuya Scramble Square, bao gồm 3 tòa nhà với tổng diện tích 276.000 m2, dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Tổ hợp này trực tiếp kết nối với ga Shibuya và bao gồm các cửa hàng, văn phòng, đài quan sát Shibuya Sky trên mái và khu vực đỗ xe.
Nằm ngay tại ga Shibuya, nơi có khoảng 3,32 triệu lượt di chuyển mỗi ngày, dự án tạo không gian văn phòng và thương mại, đồng thời cải tạo diện mạo khu vực và tối ưu hóa kết nối giao thông.
Ga Shibuya, một trong những nút giao thông chính của Tokyo với 9 tuyến tàu điện ngầm, sẽ được nâng cấp, giảm tải giao thông và thuận tiện hơn cho việc di chuyển đến các khu mua sắm cao cấp và các điểm du lịch nổi tiếng như Harajuku, Shinjuku và Roppongi.
Với Hàn Quốc, Quảng trường Gwanghwamun tọa lạc tại trung tâm Seoul cũng là biểu tượng lịch sử và văn hóa quan trọng của quốc gia này. Nằm giữa Cung điện Gyeongbokgung và Nhà Xanh (Cheong Wa Dae), quảng trường không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn mà còn là trung tâm chính trị và văn hóa của Hàn Quốc.
Tháng 11/2020, chính quyền Seoul bắt đầu dự án cải tạo và mở rộng Quảng trường Gwanghwamun với mục tiêu biến nơi đây thành điểm đến văn hóa và lịch sử hấp dẫn hơn. Sau gần 2 năm thi công, đến tháng 8/2022, quảng trường đã chính thức mở cửa trở lại cho công chúng.
Quảng trường mới có diện tích 40.300 m2, gấp đôi trước đây, trong đó 1/4 diện tích dành để trồng hơn 5.000 cây xanh, tạo không gian xanh mát cho du khách.
Quảng trường Gwanghwamun được kết nối với các tuyến giao thông công cộng phát triển của Seoul, bao gồm tàu điện ngầm và xe buýt, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và người dân tiếp cận.
Từ đây, khách du lịch có thể di chuyển dễ dàng đến các khu vực nổi tiếng khác trong thành phố như Myeongdong (5-10 phút), Gangnam (20-25 phút), Dongdaemun (5-10 phút), Insadong (5 phút đi bộ) và Yeouido (20 phút).
Theo bà Trang Bùi, TP.HCM có thể tham khảo mô hình phát triển quảng trường song song với hệ thống metro ở các quốc gia, đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng xung quanh, bao gồm giao thông, công viên và các tiện ích công cộng khác.
"Điều quan trọng hơn hết là việc mở rộng quỹ đất dành cho thương mại dịch vụ tại khu vực này, cũng như tháo gỡ những nút thắt về các vấn đề pháp lý. Bên cạnh đó, việc bảo tồn không gian xanh và tạo ra các khu vực công cộng chất lượng cao cũng rất quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân", bà nêu quan điểm.