Tất bật chăm đào Tết

Những ngày này, các hộ trồng đào tại tỉnh Lâm Đồng đang tất bật thực hiện công đoạn tuốt lá đào, tập trung chăm sóc, chuẩn bị cho thị trường Tết.

Ông Chu Văn Lợi lặt lá đào để ép cây ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán

Ông Chu Văn Lợi lặt lá đào để ép cây ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán

Tại xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, không khí nhộn nhịp khi người dân chăm sóc những gốc đào để chuẩn bị xuất vườn, phục vụ thị trường. Ai nấy cũng đang tranh thủ tuốt lá, tỉa cành, chăm sóc cây để cho ra hoa đúng thời điểm Tết Nguyên đán 2025. Xã Hiệp Thạnh là một trong những địa phương có số lượng hộ dân trồng hoa, cây cảnh tăng dần những năm trở lại đây. Riêng nghề trồng đào có khoảng 8 hộ với khoảng hơn 4 ha. “Những ngày cuối tháng 12 Dương lịch, gia đình tôi đã bắt đầu tuốt lá đào. Khi lá bị tuốt, dinh dưỡng của cây sẽ không nuôi lá nữa mà chuyển sang nuôi búp. Đây được xem là công đoạn rất quan trọng, đòi hỏi người trồng cần tính toán kỹ lưỡng bởi chỉ cần tuốt lá sớm hay muộn quá đều ảnh hưởng đến chất lượng cây đào”, ông Nguyễn Bá Toàn (45 tuổi), chủ một vườn đào tại xã Hiệp Thạnh chia sẻ.

Do thời tiết thất thường, nhiều gốc đào hoa ra lẻ tẻ trong những ngày đầu tháng 1/2025

Do thời tiết thất thường, nhiều gốc đào hoa ra lẻ tẻ trong những ngày đầu tháng 1/2025

Với khoảng 300 gốc đào to để bán dịp Tết Nguyên đán năm nay, ông Toàn cho biết đa số gần 200 gốc đào lớn gia đình ông chăm sóc để cho người dân khu vực Đức Trọng và Đơn Dương thuê, một số nhỏ đào mình chăm sóc do chủ nhân gửi, số còn lại bán trong dịp Tết Nguyên đán đã gần kề. Về cơ bản năm nay ông hãm đào nở đúng Tết, nụ đào đều đẹp hơn dịp Tết Nguyên đán 2024.

Còn tại khu vực thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà) và một số xã lân cận, người trồng đào cũng đang tất bật không kém. Nhiều hộ dân cho biết, đến hẹn lại lên, cứ vào độ cuối tháng 11 Âm lịch hàng năm, các nhà vườn trồng đào đã bắt đầu bận rộn đón khách hàng đến chọn cây đẹp, thuê đào chơi Tết. Tại tổ dân phố Đông Anh 1, thị trấn Nam Ban, ông Chu Văn Lợi cho biết, năm nay gia đình ông tập trung chăm sóc hơn 400 gốc đào các loại để phục vụ thị trường. Theo ông Lợi, hiện thị hiếu nhiều người dân không còn chuộng đào cành mà chuyển sang trưng các gốc đào bon sai, đào thế, đào chậu. Chính vì thế ngay từ đầu năm, ông đã tiến hành ghép, tạo tán các gốc đào theo thế huyền, thác đổ, ngũ phúc, long phụng…

Vườn đào Mười Lời - TP Đà Lạt tất bật vào vụ Tết

Vườn đào Mười Lời - TP Đà Lạt tất bật vào vụ Tết

Với kinh nghiệm đời thứ 4 nối nghiệp nghề truyền thống, ông Chu Văn Lợi không khó để có thể nắm bắt được đặc trưng khí hậu theo từng năm để điều chỉnh các khâu chăm sóc, đảm bảo cây ra hoa vào đúng dịp Tết. Đến nay, phần lớn đào trong vườn đã có người đặt cọc thuê. Trung bình mỗi gốc đào được thuê với giá 2,5 triệu đồng. Cá biệt những gốc đào cổ thụ, có tuổi đời 40 - 50 năm thì cho thuê với giá 15 - 20 triệu đồng.

Theo thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 150 hộ dân trồng đào các loại, nhiều nhất tại huyện Lâm Hà, Đức Trọng, TP Đà Lạt,... với diện tích canh tác khoảng 40 ha. Được biết, dịp Tết Nguyên đán năm nay, do ảnh hưởng của bão Yagi (bão số 3) nên nhiều diện tích trồng đào các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng ít nhiều nên dự kiến giá đào năm nay sẽ tăng nhẹ so với Tết Nguyên đán năm 2024.

C.THÀNH - H.SA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202501/tat-bat-cham-dao-tet-1ee1f14/
Zalo