TP HCM giảm nghèo vượt tiến độ: Món quà ý nghĩa dành tặng người dân

Từ cuối năm 2022, TP HCM đã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo chung của cả nước, hoàn thành mục tiêu quan trọng trước thời hạn

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết Đảng bộ và chính quyền TP HCM luôn xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển Thành phố.

Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật mà Chương trình giảm nghèo bền vững của TP HCM đã đạt được?

- Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM: Năm 2021 là năm đầu của giai đoạn 2021-2025, TP HCM triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững theo phương pháp đo lường nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo Thành phố. Đây cũng là năm bùng phát dịch COVID-19 nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Với sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng từ các cấp ủy, chính quyền và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng đồng, TP HCM triển khai thực hiện nhiều chính sách và giải pháp kích cầu kinh tế, ổn định xã hội và chăm lo hỗ trợ giảm nghèo trong thời gian qua.

TP HCM đã đạt được những kết quả nổi bật, minh chứng cho hiệu quả của Chương trình giảm nghèo bền vững và chính sách hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, TP HCM đã giảm được 69.914 hộ nghèo và cận nghèo, tương đương 2,76% tổng số hộ dân.

Cuối năm 2022, TP HCM đã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo chung của cả nước, hoàn thành mục tiêu quan trọng trước thời hạn.

Cuối năm 2023, TP HCM chỉ còn 8.293 hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố, chiếm tỉ lệ 0,33% tổng số hộ dân và hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 là "Đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố" trước 2 năm.

Đồng thời, TP HCM cũng hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện người có công với cách mạng.

Hiện nay, TP HCM đã có 14 địa phương (gồm quận 1, 3, 5, 6, 7, 10, 11, Bình Thạnh, Bình Tân, Phú Nhuận, Tân Phú, huyện Củ Chi, Bình Chánh và TP Thủ Đức) hoàn thành phúc tra không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều Thành phố giai đoạn 2021-2025. Dự kiến, đến cuối tháng 3 năm 2025, 8 quận, huyện còn lại (bao gồm quận 4, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ) sẽ hoàn thành công tác phúc tra; góp phần hoàn thành mục tiêu "Thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố giai đoạn 2021-2025" hướng đến chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM. Ảnh: Hoàng Triều

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM. Ảnh: Hoàng Triều

Trong những năm đầu thực hiện của giai đoạn 2021-2025, TP HCM gặp khó khăn về tạo nguồn vốn để thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho hộ trong Chương trình giảm nghèo. Qua đề xuất của TP HCM, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Việc này không chỉ thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh cho TP HCM mà còn góp phần tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn gặp phải. Trong đó, có nút thắt về nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm. Chính sách này mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp khó khăn, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động.

Nguồn vốn vay ưu đãi này đã góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp, giảm nạn "tín dụng đen", giúp người lao động có vốn tự tổ chức sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình. Qua đó, góp phần quan trọng trong thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn Thành phố.

Phóng viên: Được biết, Chương trình giảm nghèo bền vững là một trong những công trình thi đua tiêu biểu cấp thành phố chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã về đích vượt tiến độ đề ra.

Xin ông cho biết ý nghĩa của việc đưa chương trình này hoàn thành sớm so với mục tiêu ban đầu?

Đảng bộ và chính quyền TP HCM luôn xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển Thành phố. Qua thực hiện, Chương trình giảm nghèo bền vững được chia ra làm 7 giai đoạn, với 11 lần nâng chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập, 4 lần thay đổi tên gọi của chương trình.

Chất lượng các hoạt động giảm nghèo được từng bước nâng lên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và thực trạng về mức sống của người dân Thành phố. Việc này nhằm chăm lo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, tiếp thêm sức mạnh cùng với khát vọng vượt khó để vươn lên thoát nghèo.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Thị Diệu Thúy trao quyết định công nhận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố giai đoạn 2021-2025 cho quận Phú Nhuận. Ảnh: Ái My

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Thị Diệu Thúy trao quyết định công nhận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố giai đoạn 2021-2025 cho quận Phú Nhuận. Ảnh: Ái My

Năm 2025 này là tròn 95 năm Quốc khánh nước ta (2.9.1930-2.9.2025) và tròn 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-3.4.2025), việc hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giảm nghèo tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra minh chứng cho cuộc sống người dân Thành phố đã được cải thiện so với trước đây, không còn trong chuẩn nghèo của Thành phố giai đoạn 2021-2025.

Song song đó là thể hiện sự quan tâm, chăm lo của cả hệ thống chính trị TP HCM đối với người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Kết quả của Chương trình giảm nghèo bền vững là một món quà hết sức ý nghĩa của Đảng bộ, chính quyền TP HCM tặng cho người dân Thành phố nhân kỷ niệm ngày Lễ trọng đại của đất nước.

Đồng thời, bày tỏ sự tri ân các tổ chức, cá nhân đã quan tâm chia sẻ, ủng hộ, đóng góp cùng với chính quyền các cấp chăm lo cho hộ dân trong chương trình giảm nghèo. Nhất là tri ân những tấm gương nỗ lực vươn lên vượt nghèo trong suốt những năm qua và đang tiếp tục cùng chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp đỡ các hộ còn khó khăn trong chương trình.

Phóng viên: Thưa ông, nhờ đâu mà việc triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững được thành công?

- Để đạt được những thành công trong Chương trình giảm nghèo bền vững của TP HCM thời gian qua đó là phát huy đối với truyền thống "Tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách và nghĩa tình" của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thành phố mang tên Bác.

Nhờ vào sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, hội, đoàn thể, sự đồng lòng của toàn thể nhân dân.

Quận Phú Nhuận trao tặng phương tiện sinh kế cho người dân. Ảnh: Ái My

Quận Phú Nhuận trao tặng phương tiện sinh kế cho người dân. Ảnh: Ái My

Đặc biệt ý chí vượt khó, không an phận, cố gắng vươn lên thoát nghèo của người nghèo, cận nghèo.

Ngoài ra, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng, Thành ủy TP HCM đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 21-3-2024 về tăng cường sự lãnh đạo trong công tác giảm nghèo bền vững. Chỉ thị này nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân; khuyến khích sự đóng góp của các mạnh thường quân, cộng đồng và doanh nghiệp trong việc xã hội hóa giảm nghèo, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Đồng thời, TP HCM chủ trương triển khai thực hiện lồng ghép chương trình, kế hoạch giảm nghèo vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội thường xuyên của các ngành, các cấp hàng năm và cả giai đoạn.

Các chính sách và giải pháp hỗ trợ của Chương trình giảm nghèo bền vững luôn được quan tâm, triển khai đúng đối tượng và kịp thời. Đặc biệt là tạo điều kiện cho hộ nghèo và cận nghèo tiếp cận các chính sách hỗ trợ vốn vay tín dụng để làm ăn, sản xuất, tiếp cận các dịch xã hội cơ bản.

Các mô hình giảm nghèo hiệu quả luôn được quan tâm, giới thiệu áp dụng trên địa bàn TP HCM đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm thiếu hụt và tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Theo ông Lê Văn Thinh, trong thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tuy không còn tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình nhưng Chương trình giảm nghèo TP HCM vẫn sẽ được Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thành phố tiếp tục lãnh đạo và tổ chức thực hiện với quyết tâm cao hơn nữa.

Qua đó, cần có những yêu cầu và mục tiêu trọng tâm để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, hỗ trợ cho các hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

Cụ thể, tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo của Thành phố trong giai đoạn mới trên cơ sở Nghị quyết của HĐND Thành phố về chuẩn nghèo đa chiều Thành phố giai đoạn 2026-2030.

Đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa của Chương trình giảm nghèo, nâng cao nhận thức cho thành viên hộ nghèo và hộ cận nghèo chủ động tiếp cận các chính sách giảm nghèo và nỗ lực vươn lên thoát nghèo, giảm tình trạng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ chính sách của nhà nước và của cộng đồng.

Vận động nguồn lực xã hội chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo về trợ cấp xã hội, giải quyết việc làm, kết hợp với đào tạo nghề và hỗ trợ phương tiện sinh kế. Từ đó, giúp hộ nghèo có thể tự tổ chức sản xuất, tạo việc làm và tham gia vào các doanh nghiệp.

Quan tâm xây dựng đội ngũ làm công tác giảm nghèo ổn định, thường xuyên kiện toàn và tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn để nâng cao năng lực và trình độ.

LÊ VĨNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-giam-ngheo-vuot-tien-do-mon-qua-y-nghia-danh-tang-nguoi-dan-196250219221404531.htm
Zalo