Tin tức kinh tế 21/2: giá hồ tiêu xuất khẩu tăng 66,4%
Giá vàng quay đầu giảm, nhẫn tròn trơn đắt hơn vàng miếng; giá hồ tiêu xuất khẩu tăng 66,4%; Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên lãi tiền gửi tiết kiệm… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 21/2.
Giá hồ tiêu xuất khẩu tăng 66,4%
Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, trong tháng 1/2025, Việt Nam đã xuất khẩu 13.000 tấn hồ tiêu, trị giá 87 triệu USD (giảm 25,6% về lượng nhưng tăng 23,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024).

Tin tức kinh tế 21/2: giá hồ tiêu xuất khẩu tăng 66,4%. Ảnh minh họa.
Giá hồ tiêu xuất khẩu trung bình tháng 1/2025 đạt 6.663 USD/tấn (tăng 66,4% so với cùng kỳ năm 2024).
Giá vàng quay đầu giảm, nhẫn tròn trơn đắt hơn vàng miếng
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay 2.939,18 USD/ounce, tăng 19,46 USD/ounce, tương đương với mốc tăng 0,67% trong 24 giờ qua.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng có chiều hướng giảm nhẹ. Các doanh nghiệp để vàng miếng SJC là 89,7 - 89,8 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 300.000 đồng/lượng mỗi chiều.
Giá nhẫn tròn có nơi vẫn cao hơn vàng miếng SJC cả ở chiều mua và chiều bán. Hiện biên độ mua-bán vàng miếng SJC ở mức 2,3 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn là 1,75-2,1 triệu đồng/lượng.
Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng nhẫn tròn trơn là 90,35 - 92,1 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 300.000 đồng/lượng mỗi chiều so với sáng cùng ngày.
Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên lãi tiền gửi tiết kiệm
Tại Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định về miễn thuế thu nhập cá nhân đối với lãi tiền gửi tiết kiệm như quy định hiện hành.
Hiện tại, Luật Thuế TNCN miễn thuế đối với thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, lãi trái phiếu Chính phủ, tiền lương hưu...
Theo Bộ Tài chính, quy định về miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ lãi tiền gửi nhằm khuyến khích cá nhân không có nhu cầu đầu tư trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh gửi tiền tiết kiệm qua ngân hàng.
Đây cũng là chính sách phúc lợi đối với các đối tượng không có khả năng lao động, như người về hưu, người tàn tật... mà có nguồn tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng để nhận lãi.
Doanh nghiệp sản xuất xanh sẽ được ưu đãi riêng
Bộ Công Thương đang dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhằm tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả xanh.
Trong dự thảo luật, Bộ Công Thương đề xuất thành lập quỹ tài chính quốc gia thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Quỹ này sẽ do chính phủ thành lập để cho vay ưu đãi, bảo lãnh, nhận ký quỹ, tài trợ, hỗ trợ tài chính đầu tư cho hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm các dự án chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
Chính phủ quy định nguồn vốn, bao gồm một phần từ nguồn Ngân sách Nhà nước và nguồn lực của nhân dân, của xã hội và các nguồn lực từ bên ngoài. Thủ tướng chính phủ quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ tài chính quốc gia thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
100.000 tấn gạo trắng Việt Nam sắp xuất sang Bangladesh
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Bangladesh sẽ nhập khẩu 100.000 tấn gạo trắng từ Việt Nam theo thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ (G2G), do Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Việt Nam) cung cấp với giá 474,25 USD/tấn. Đề xuất mua hàng từ Bộ Lương thực Bangladesh đã được Ủy ban Quốc hội về Mua sắm công tại Dhaka chấp thuận vào ngày 28/1/2025.
Việc nhập khẩu số lượng lớn gạo trắng từ Việt Nam là một phần trong chiến lược bình ổn giá lương thực của Bangladesh, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang triển khai Chương trình Bán hàng thị trường mở (OMS) từ tháng 2-2025.
Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ phân phối khoảng 907 tấn gạo mỗi ngày thông qua 906 trung tâm trên toàn quốc, bao gồm thủ đô Dhaka, các đô thị lớn và khu vực có nhiều lao động.