TP.HCM: Giải bài toán thiếu tài xế xe buýt
Sở GTVT TP.HCM, Trung tâm quản lý giao thông công cộng cùng các doanh nghiệp vận tải đang nỗ lực tuyển dụng, tạo điều kiện cho tài xế thi nâng hạng bằng lái để đủ điều kiện lái xe buýt theo quy định.
Thiếu gần 500 lái xe buýt
Những năm gần đây, mạng lưới xe buýt tại TP.HCM có chuyển biến tích cực, thu hút đông đảo hành khách sử dụng.
Nhiều tuyến xe buýt được thay mới phương tiện với trang thiết bị hiện đại, sử dụng năng lượng sạch... mang đến trải nghiệm tốt hơn, văn minh hơn cho người dân.
![Các đơn vị đang nỗ lực tuyển dụng, giải quyết tình trạng thiếu tài xế xe buýt.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_30_51474213/2c8f5a926bdc8282dbcd.jpg)
Các đơn vị đang nỗ lực tuyển dụng, giải quyết tình trạng thiếu tài xế xe buýt.
Tuy nhiên, loại hình giao thông công cộng này đang đứng trước khó khăn mới.
Theo ông Phạm Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, trong năm 2024, TP.HCM có khoảng 601 lái xe sở hữu giấy phép lái xe hạng D được bố trí hoạt động trên các tuyến xe buýt có sức chứa từ 30 - 47 chỗ.
Khi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực, quy định giấy phép lái xe hạng D2 cấp cho tài xế lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) đến 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) và hạng D cấp cho tài xế lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe).
Trong khi trước đây, Luật Giao thông Đường bộ quy định giấy phép lái xe hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người từ 10 - 30 chỗ ngồi.
Do đó, hiện các lái xe có giấy phép lái xe hạng D sẽ không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện trên 30 chỗ từ ngày 1/1.
Trước tình hình này, từ giữa năm 2024, Sở GTVT TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng làm việc với các đơn vị vận tải để chủ động tuyển dụng, bố trí lái xe phù hợp.
Đến nay, có 81 lái xe đã đăng ký thi nâng hạng và tuyển mới được 39 người. Dù vậy, TP vẫn còn thiếu khoảng 481 lái xe buýt (tỷ lệ 80%).
Nỗ lực tuyển dụng, hỗ trợ thi nâng hạng
Ông Phạm Vương Bảo, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết, thời gian qua đã chủ động làm việc với các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt trên địa bàn TP để thống kê số lượng lái xe bị tác động, đồng thời báo cáo đề xuất Sở GTVT các giải pháp hỗ trợ.
![TP.HCM cần bổ sung, nâng hạng hàng trăm tài xế xe buýt.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_30_51474213/bd39c524f46a1d34447b.jpg)
TP.HCM cần bổ sung, nâng hạng hàng trăm tài xế xe buýt.
Trong đó, chỉ đạo Phòng Quản lý sát hạch làm việc với các trung tâm đào tạo, ưu tiên tổ chức các lớp nâng hạng giấy phép lái xe cho tài xế xe buýt đủ điều kiện.
Đồng thời, các doanh nghiệp vận tải cũng chủ động triển khai gói hỗ trợ, chi trả 100% học phí nâng hạng để khuyến khích tài xế tham gia đào tạo.
Hiện nay, theo báo cáo của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt trên địa bàn, có 8 đơn vị đã chủ động được số lượng lái xe, đảm bảo hoạt động ổn định trên các tuyến đảm nhận. 6 đơn vị vẫn còn thiếu lái xe, ảnh hưởng nhất định đến hoạt động các tuyến xe buýt.
Theo ông Bảo, tình trạng thiếu tài xế xe buýt hiện nay vẫn trong phạm vi kiểm soát vì theo quy luật đi lại của hành khách, quý I hằng năm có nhu cầu đi lại thấp nhất do trùng vào dịp lễ, Tết.
Hiện tại, hệ thống xe buýt đang điều chỉnh giảm tần suất. Việc này phần nào giảm bớt áp lực thiếu lái xe của các đơn vị.
Về mức lương, ông Bảo cho hay, hiện tài xế xe buýt tại TP.HCM có thu nhập trung bình 14 - 17 triệu đồng/tháng, tùy theo cự ly tuyến và loại phương tiện. Đây là mức thu nhập tương đối khá, cạnh tranh so với mặt bằng chung.
Dù vậy, việc tuyển dụng vẫn gặp nhiều trở ngại do xe buýt phải cạnh tranh lao động với các loại hình vận tải khác như xe công nghệ, xe liên tỉnh tuyến cố định…
Bên cạnh đó, đặc thù của xe buýt là thường xuyên phải lưu thông trong điều kiện giao thông đông đúc, ra vào trạm liên tục, áp lực cao.
"Sở GTVT TP.HCM và Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp vận tải, đẩy nhanh quá trình tuyển dụng, đào tạo và hỗ trợ tài xế nâng hạng giấy phép, đảm bảo hệ thống xe buýt vận hành ổn định, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân", ông Bảo nói.
Lái xe buýt phải đi sớm về khuya
Ông Phạm Văn Trầm, tài xế lái xe buýt tuyến 20 (Bến Thành – Nhà Bè) chia sẻ, nghề lái xe buýt khá vất vả, phải dậy sớm, về muộn.
Từ 3h30 sáng, ông đã phải thức dậy để chuẩn bị, 4h30 nhận tài. Kết thúc một ngày làm việc, tài xế phải đưa xe về bãi, kiểm tra, thêm xăng dầu, dọn dẹp… nhiều hôm phải đến 22 - 23h mới về đến nhà.
"Chúng tôi đi làm lâu năm nên đã quen với nhịp độ công việc cũng như áp lực, còn với người mới thì khá khó khăn để thích ứng. Có lẽ vì thế mà tài xế xe buýt khó tuyển", ông Trầm chia sẻ.
Tương tự, một tài xế xe buýt tuyến số 19 (Bến Thành - Đại học Quốc gia) bày tỏ, hiện nay, do thiếu tài xế nên anh em lái xe làm việc cả tuần, không có ngày nghỉ.
Dù mức thu nhập cao hơn trước, khoảng 19 - 20 triệu đồng/tháng nhưng khá vất vả.