TP.HCM: cần cơ chế vượt trội phát triển đường sắt đô thị

TP.HCM đã có Đề án đặt ra đến năm 2035 sẽ hoàn thành 355 km đường sắt đô thị. Số vốn đầu tư dự kiến cho 355 km metro lên đến 40,2 tỷ USD, trong đó phần lớn là vốn đầu tư công.

Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố lớn nhất cả nước, đóng vai trò đầu tàu kinh tế, đã khởi công xây dựng đường sắt đô thị từ năm 2007, nhưng tiến độ triển khai ở cả hai thành phố đều chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc về cơ chế, chính sách, đặc biệt là các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư, tổ chức thực hiện và huy động vốn.

Những vướng mắc về cơ chế của TP Hà Nội đã cơ bản được tháo gỡ nhờ Luật Thủ đô 2024. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh đang cần nhiều nhóm cơ chế đặc thù để bứt tốc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị theo kế hoạch.

UBND TP Hồ Chí Minh vừa đề xuất đầu tư, hoàn thành 7 tuyến metro dài khoảng 355 km vào năm 2035, tổng mức đầu tư khoảng 40,21 tỷ USD. Đến năm 2045, thành phố sẽ hoàn thành thêm 155 km, nâng tổng chiều dài lên khoảng 510 km. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn bởi chỉ trong vòng 10 năm tới phải hoàn thiện gấp đôi lượng công việc là 355km so với dự kiến trước đây chỉ là 183km

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết: "TP Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ trình cơ chế, chính sách để triển khai ngay. TP Hồ Chí Minh cần bắt tay vào triển khai ngay từ 2025 và phải hoàn thành cho được 355km vào năm 2035".

Hàng loạt cơ chế vượt trội đã được UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất như: được rút gọn các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, được áp dụng phương thức quy hoạch điều chỉnh đất trong khu vực đô thị mô hình TOD; được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn của dự án.

UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất được sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu từ việc khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD; được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ tổ chức tài chính trong nước, vay lại khoản vay của Chính phủ, được quyền quyết định chính sách hấp dẫn về lãi suất cho trái phiếu.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng thành phố sẽ làm chi tiết hơn để xác định rõ các phương thức huy động trái phiếu. Chúng ta có thể huy động trái phiếu cho các công trình phát triển hạ tầng hoặc phát hành trái phiếu theo từng chủ đề, từng dự án cụ thể".

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Cần rút ngắn thời gian chuẩn bị từ ba đến năm năm, thời gian thi công cũng từ ba đến năm năm. Đồng thời, phải huy động nguồn vốn, đào tạo nhân lực và giải quyết các vấn đề tài chính của dự án, đặc biệt là các dự án TOD. Thành phố sẽ khởi công tuyến metro số 2 trước, áp dụng các cơ chế, chính sách của đề án này như một mô hình thí điểm. Sau đó, chúng ta sẽ triển khai theo nhóm tuyến thay vì làm lần lượt từng tuyến".

Thành phố sẽ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức vay trong nước khác là 4,34 tỷ USD, huy động từ nguồn vốn BT trả chậm là 2,34 tỷ USD.

Các cơ chế chính sách đặc thù sẽ tối ưu hóa khai thác quỹ đất, đồng thời trao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giúp hai đô thị linh hoạt triển khai các dự án đường sắt đô thị theo nhu cầu thực tiễn phát triển, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Vũ Hà

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/tphcm-can-co-che-vuot-troi-phat-trien-duong-sat-do-thi-302858.htm
Zalo