Tổng thu ngân sách năm 2024 của Hà Nội tăng 19,6%
Tại Hội nghị thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, sáng 4/12, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải đã báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2024 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Đáng chú ý, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) của Hà Nội đạt khoảng 492 nghìn tỷ đồng, ước đạt 120,5% dự toán, tăng 19,6% so với 2023.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải, năm 2024, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. GRDP 9 tháng đầu năm tăng 6,12% (cùng kỳ tăng 5,99%, dự kiến cả năm đạt khoảng trên 6,5% (cùng kỳ 6,27%).
Thành phố bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách và nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Tổng thu NSNN khoảng 492 nghìn tỷ đồng, ước đạt 120,5% dự toán, tăng 19,6% so với 2023; thu nội địa đạt khoảng 462 nghìn tỷ đồng, tăng 21,2% chiếm 93,8% trong tổng thu. Thu ngân sách địa phương được hưởng theo điều tiết năm 2024 là 143.573,3 tỷ đồng, đạt 111,3% dự toán, tăng 34% so với cùng kỳ.
Hà Nội cũng thực hiện hiệu quả các chính sách tài chính, tín dụng trên địa bàn, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh.
Theo Phó Chủ tịch Hà Minh Hải, năm 2024, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa xã hội Thành phố cơ bản hoàn thành, dự kiến 23/24 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch, có 1 chỉ tiêu còn khó khăn là “Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng”.
An sinh xã hội được bảo đảm, Hà Nội luôn là địa phương đi đầu trong công tác chăm lo đời sống cho nhân dân và đối tượng chính sách, người có công, người có hoàn cảnh khó khăn; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Thành phố giải quyết việc làm cho trên 196 nghìn lao động, đạt 118,9 % kế hoạch năm. Chú trọng thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân.
Đến nay, Thành phố đã bố trí gần 10 nghìn tỷ đồng qua Ngân hàng chính sách xã hội cho hơn 96 nghìn hộ khó khăn và các đối tượng chính sách được vay vốn... và là địa phương dẫn đầu cả nước. Hoàn thành kế hoạch xây dựng, sửa chữa nhà 714/714 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hỗ trợ 265 tỷ đồng tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Phú Thọ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Cải cách hành chính, chuyển đổi số gắn với Đề án 06 là khâu đột phá được Thành ủy quan tâm chỉ đạo với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, thực chất, đem lại giá trị cho người dân và doanh nghiệp.
Công tác phòng chống tiêu cực, lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh. Thành phố tập trung quyết liệt trong việc nhận diện, rà soát 712 dự án chậm triển khai gây lãng phí nguồn lực và bức xúc xã hội. Hà Nội là địa phương đầu tiên cả nước thành lập Ban chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng chống lãng phí (ngày 20/11/2024).
Hà Nội cũng tập trung thực hiện nhiều biện pháp xử lý, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, để đẩy nhanh tiến độ giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án, đưa đất vào sử dụng, không để chậm, gây lãng phí, hoang hóa, từ đó, tạo nguồn thu ngân sách rất lớn cho Nhà nước.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải, bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, còn một số tồn tại, hạn chế như: Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều; tư duy và phương pháp làm việc, nhận thức của một số cán bộ, công chức ở một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế, thiếu năng động, sáng tạo, thiếu tính chuyên nghiệp; ý thức trách nhiệm chưa cao, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trong thực thi công vụ.
Cùng với đó, việc xây dựng quy chế ở một số nơi chưa được ban hành đầy đủ, nhất là các quy chế phối hợp liên thông, các quy trình thủ tục còn chưa tinh gọn; việc tái cấu trúc các thủ tục hành chính (TTHC) còn chậm, còn hình thức; công tác xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước còn chậm.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) giảm bậc xếp hạng. Nguyên nhân do một số bộ phận TTHC vẫn còn rườm rà, phức tạp, còn những rào cản gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai...
Quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo, định hướng chiến lược của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhận thức và hành động về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”; nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, tiềm năng đặc thù, lợi thế vượt trội của Hà Nội trong sự nghiệp đổi mới, năm 2025 và tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải khẳng định Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để đưa Thủ đô phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng đáng với vai trò, vị thế Thủ đô của một đất nước đang bước vào Kỷ nguyên mới.
Quyết tâm hoàn thành và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trong đó, trọng tâm là thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược trong Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị, định hướng trong quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô với các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô.
Thành phố xây dựng 25 chỉ tiêu (5 chỉ tiêu về kinh tế tổng hợp; 14 chỉ tiêu về văn hóa xã hội; 05 chỉ tiêu về đô thị, nông thôn và môi trường), đặc biệt là quyết tâm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về môi trường; năm 2025, đề xuất thêm 1 chỉ tiêu (tổng số nhà ở và diện tích nhà ở xã hội hoàn thành trong năm).
Về tăng trưởng: Thành phố xây dựng 3 kịch bản: Kịch bản 1: GRDP sẽ tăng 6-6,5%; GRDP/người đạt 171,5-172,4 triệu đồng. Kịch bản 2 (cơ sở): GRDP sẽ đạt mức tăng 6,5-7,5%; GRDP/người đạt 172,4-174 triệu đồng. Kịch bản 3 (cao): GRDP sẽ tăng trên 8,0%; GRDP/người đạt trên 175 triệu đồng.
Để thực hiện các nội dung trên, Hà Nội đặt ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, có nhiệm vụ tập trung phát triển kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô; tiếp tục rà soát các dự án đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư.