Tổng Thư ký ASEAN: Hợp tác nội khối và đối thoại quốc tế là chìa khóa phát triển

Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 46 tại Malaysia sẽ đánh dấu bước khởi đầu cho lộ trình thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.

Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Indonesia. (Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN)

Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Indonesia. (Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN)

Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 46 tại Malaysia sẽ đánh dấu bước khởi đầu cho lộ trình thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.

Trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động, ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm, thúc đẩy hợp tác toàn diện. Nhân dịp này, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Jakarta về Hội nghị.

-Xin ông cho biết những nội dung chính sẽ họp bàn và những kỳ vọng về kết quả của Hội nghị cấp cao ASEAN lần này?

Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn: Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2025, Malaysia đã rất tham vọng khi đưa ra chủ đề về tính bao trùm và tính bền vững.

Tôi muốn đề cập đến Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, một định hướng chiến lược mới sẽ đặt ra lộ trình phát triển dài hạn cho ASEAN trong tương lai.

Trong đó xác định cách thức các nước thành viên ASEAN sẽ hợp tác với nhau, cũng như các phương thức ASEAN hợp tác với các đối tác bên ngoài. Đây là một bước tiến mới, nhưng kế thừa và phát triển từ những nỗ lực hợp tác đã được xây dựng trong nhiều năm qua.

Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 bắt đầu từ năm 2015 và sẽ kết thúc vào năm nay. Các nước thành viên sẽ tiến hành đánh giá toàn diện. Đó là một trong những vấn đề chính mà các nhà lãnh đạo của khối sẽ thảo luận. ASEAN sẽ chính thức khởi động Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 là một lộ trình chiến lược định hình tương lai của khu vực trong 20 năm tới.

Vấn đề khác là việc kết nạp thành viên ASEAN. Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận cách thức hiện thực hóa vấn đề này càng sớm càng tốt để đảm bảo mọi kế hoạch đi đúng hướng.

Tôi tin rằng cả Timor Leste đã nỗ lực rất nhiều để tăng cường tư cách thành viên. Tương tự, ASEAN cũng nỗ lực tối đa để đảm bảo rằng Timor Leste có thể hoàn thành 7 tiêu chí trên lộ trình để trở thành thành viên chính thức của khối.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 cũng sẽ thảo luận vấn đề Myanmar, đặc biệt trong bối cảnh trận động đất độ lớn 7,7 xảy gần đây và cách phản ứng nhanh chóng của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN, bao gồm cả Việt Nam, để hỗ trợ Myanmar.

Năm 2025 là cột mốc tròn 20 năm ASEAN triển khai hợp tác khu vực về quản lý thiên tai. Kể từ khi thiết lập cơ chế hợp tác vào năm 2005, ASEAN đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc xây dựng một khu vực có khả năng chống chịu tốt hơn trước thiên tai.

Cơ chế này đã phát huy để hỗ trợ người dân và cộng đồng khi Myanmar bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Nhưng tôi chắc chắn rằng các cuộc thảo luận sẽ vượt ra ngoài vấn đề quản lý thiên tai, hay về tình trạng và tiến độ thực hiện của đồng thuận năm điểm.

Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN sẽ giải quyết vấn đề đó, nhưng chúng tôi hy vọng các nhà lãnh đạo cấp cao cũng sẽ thảo luận về vấn đề này.

Ngoài ra, Hội nghị cấp cao ASEAN cũng sẽ đề cập các vấn đề như thuế quan và các vấn đề khu vực và toàn cầu khác.

-Dự kiến Kế hoạch Cộng đồng ASEAN 2045 sẽ được thông qua tại Hội nghị cấp cao lần này, kế hoạch này có ý nghĩa như thế nào đối với tương lai của ASEAN, thưa ông?

Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn: "Cộng đồng ASEAN: Tầm nhìn 2045" là chiến lược phát triển dài hạn của ASEAN, định hướng cho giai đoạn 20 năm tiếp theo từ năm 2025 đến 2045. Nó không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà còn thể hiện cam kết chính trị cao nhất của các quốc gia thành viên trong việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tự cường, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm.

Việc xây dựng một tầm nhìn kéo dài 20 năm cùng với 4 kế hoạch chiến lược là bước đi quan trọng, thể hiện rõ lộ trình mà ASEAN đang hướng tới cũng như cách thức để chúng ta hiện thực hóa mục tiêu đó.

Không chỉ các nước thành viên hợp tác với nhau, đây còn là cơ hội tốt để mời gọi các đối tác cùng đồng hành, hỗ trợ và đóng góp vào các nỗ lực chung của ASEAN trong tiến trình này.

Tôi cho rằng, việc công bố tầm nhìn 20 năm với 4 kế hoạch chiến lược là một dấu mốc ý nghĩa, và chính điều này sẽ trở thành chìa khóa cho sự phát triển của ASEAN trong giai đoạn tiếp theo.

Ngoài ra, Hội nghị lần này là cơ hội quan trọng để các nhà lãnh đạo gặp gỡ, cùng nhau đối thoại và tìm giải pháp cho những thách thức mà khu vực đang đối mặt, không chỉ ở góc độ quốc gia mà còn trên tinh thần hợp tác khu vực.

Hiện tại, thế giới đang dõi theo ASEAN và cách khu vực này ứng phó với những biến động trong môi trường kinh tế toàn cầu.

Đó là lý do vì sao việc duy trì lập trường trung lập luôn có ý nghĩa then chốt. ASEAN không đứng về phía nào trong các cuộc cạnh tranh chiến lược. ASEAN muốn hợp tác với tất cả các quốc gia và đối tác, để mang lại lợi ích cho người dân trong khu vực.

-ASEAN và Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông vào năm 2026. Ông đánh giá thế nào về kế hoạch này để đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên?

Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn: Các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đã được khởi động từ năm 2017.

Đây là một tiến trình rất chi tiết, trong đó từng từ ngữ, từng đoạn văn đều được các bên xem xét cẩn trọng. Cả ASEAN và Trung Quốc đều thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc sớm hoàn tất đàm phán, với mục tiêu hoàn thành COC vào năm 2026.

Cần nhấn mạnh rằng tiến trình này không bắt đầu từ con số 0. Trước đó, chúng ta đã có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), là kết quả của nhiều năm đối thoại và hợp tác. Đã có các cuộc đàm phán và các hoạt động khác nhau để xây dựng lòng tin giữa ASEAN và Trung Quốc.

Trên cơ sở đó, COC sẽ đóng vai trò nâng cao, là một công cụ có hiệu lực và ràng buộc hơn, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Mục tiêu của COC là duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông, tạo điều kiện để các bên tập trung vào thúc đẩy hợp tác khu vực. Tuy nhiên, cần hiểu rằng những tranh chấp về yêu sách và phản yêu sách phải được giải quyết thông qua một cấp độ đàm phán khác, thông qua các cơ chế riêng biệt và phù hợp.

Điều quan trọng nhất là tạo ra một môi trường đối thoại thuận lợi, trong đó tất cả các bên liên quan đều có tiếng nói và cùng chung mục tiêu. Chúng ta phải tránh mọi hiểu lầm và rủi ro có thể dẫn đến căng thẳng.

COC phải là kết quả của quá trình đàm phán mà tất cả các bên cảm thấy hài lòng và có thể chấp nhận.

Tôi tin rằng cả ASEAN và Trung Quốc đều có đủ sự sáng suốt, kiên nhẫn và tinh thần hợp tác để cùng nhau đạt được một thỏa thuận mang tính xây dựng, hướng đến lợi ích chung, vì hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực.

-Trân trọng cảm ơn Tổng Thư ký!

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tong-thu-ky-asean-hop-tac-noi-khoi-va-doi-thoai-quoc-te-la-chia-khoa-phat-trien-post1040539.vnp
Zalo