Học tập đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Sứ mệnh trong tim!
Trở về Việt Nam đúng vào dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng càng có ý nghĩa hơn khi vinh dự đại diện cho các tác giả Pháp nhận giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề 'Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh'.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng (thứ hai, từ trái sang) nhận giải Tác giả nước ngoài xuất sắc tại Lễ trao giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt II, giai đoạn 2021-2025. (Ảnh NVCC)
Xin Đại sứ chia sẻ cảm xúc khi đại diện nhận giải Tác giả nước ngoài xuất sắc tại Lễ trao giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt II, giai đoạn 2021-2025?
Khi bước lên bục nhận giải thưởng nhân dịp 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay tại Thủ đô Hà Nội, tôi vô cùng xúc động và trào dâng niềm tự hào. Câu chuyện về Bác có ý nghĩa rất lớn lao, đi vào lòng người, với cả bạn bè thế giới và đặc biệt bạn bè Pháp.
Là cán bộ ngoại giao đang công tác tại một địa bàn xa đất nước, hàng ngày, hàng giờ theo dõi nhịp thở, nhịp sống của đất nước, được trở về và nhận giải thưởng ý nghĩa này là kỷ niệm khó quên trong tôi. Tôi cảm nhận rõ không khí hào hùng của dân tộc trong những ngày lịch sử, thời khắc kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của đất nước như 95 năm Ngày thành lập Đảng, 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có nhiều kỷ niệm tại Pháp, hình ảnh của Người cũng gắn bó với nhân dân, bạn bè nơi đây. Giải thưởng mà tôi nhận lần này thực ra cũng là nhân danh bạn bè, nhân dân và các tầng lớp khác nhau trong xã hội Pháp, luôn trân quý những tình cảm từ vị Lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam; tiếp tục nuôi dưỡng những hình ảnh và tình cảm đó trong suốt những năm qua.
Đó cũng là tình cảm của cộng đồng, cán bộ nhân viên của các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp dành cho Bác - một tấm gương lớn về tư tưởng và nhân cách. Tôi muốn gửi lời cảm ơn Ban tổ chức đã có sự tri ân kịp thời và xứng đáng đối với những đóng góp của những người bạn Pháp trong việc tôn vinh hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp cũng như trên trường quốc tế.
Hành trình, tâm huyết và câu chuyện đằng sau giải thưởng ý nghĩa này là gì, thưa Đại sứ?
Bác Hồ không chỉ là Lãnh tụ của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước mà cũng là ngọn cờ dẫn đường nhân dân bị áp bức trên thế giới, là nguồn cảm hứng để họ tiến hành cuộc đấu tranh của chính mình. Người cũng là tấm gương phấn đấu không mệt mỏi trên nhiều lĩnh vực, tấm gương điển hình về học tập suốt đời. Tư tưởng của Bác, cho đến nay, vẫn soi sáng cho nhiều hoạt động chính trị quốc tế, trong đó có các vấn đề về hòa bình, dân tộc… Tư tưởng Hồ Chí Minh còn là cầu nối cho mối quan hệ Việt Nam - Pháp.
Tôi cũng như cán bộ, nhân viên của các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp luôn tâm niệm rằng tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ, sứ mệnh và trọng tâm trong các hoạt động ngoại giao.
Các thế hệ cán bộ ngoại giao công tác tại Pháp tiếp nối và truyền lửa cho nhau thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Những gì chúng tôi đã và đang làm hiện nay cũng là tiếp bước con đường của các thế hệ cán bộ ngoại giao khác nhau đã công tác tại các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp.
Với chúng tôi, việc gìn giữ, tôn vinh giá trị và hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp có những điều kiện thuận lợi song vẫn cần những nỗ lực hàng ngày, hàng giờ thông qua việc bám sát địa bàn, tìm đến những nơi lưu giữ ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục tuyên truyền về tư tưởng của Người đến các đối tác, bạn bè và nhân dân Pháp.
Trong nhiệm kỳ công tác của mình từ năm 2021 đến nay, hoạt động tưởng nhớ, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp nhiều thuận lợi. Cụ thể, năm 2021, Đại sứ quán đã dựng tấm biển tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Marseilles nhân dịp 110 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên đặt chân tới nước Pháp.
Tháng 10/2024, nhân chuyến thăm chính thức Pháp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng chính quyền địa phương đã khánh thành biển tưởng niệm trong giai đoạn Người hoạt động tại thành phố Sainte - Adresse (1911-1912).
Thời gian qua, Đại sứ quán cũng thực hiện nhiều chiến dịch khác nhau để tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục lan tỏa hình ảnh của Người đến bạn bè, người dân Pháp. Công tác này đòi hỏi sự bền bỉ, đan xen, kết hợp trong nhiều hoạt động cụ thể, trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa đến tư tưởng nghệ thuật...
Đại sứ có nói “kể” câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Pháp có thuận lợi và khó khăn đan xen, cụ thể đó là gì?
Có một điều với chúng tôi vừa là thuận lợi nhưng cũng là thách thức. Đó là, di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất lớn, không chỉ là kỷ vật, những dấu chân của Người mà còn là cả ký ức về Người trong trái tim người dân Pháp. Trên mỗi chặng đường bôn ba nơi đất Pháp, Người đã gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều tầng lớp người dân khác nhau. Những tư tưởng của Người về các vấn đề như dân tộc, hòa bình, hữu nghị, hợp tác vẫn trường tồn. Đó là thuận lợi lớn của chúng tôi khi “kể” câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Pháp. Những nỗ lực tôn vinh Người luôn nhận được sự hưởng ứng cao từ đối tác, bạn bè, nhân dân và chính quyền tất cả các cấp tại Pháp.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiệm vụ rất lớn đối với chúng tôi. Làm thế nào để chung sức, tiếp tục phát huy những giá trị cũng như ảnh hưởng của Người; tiếp nối những tư tưởng của Người về tình hữu nghị giữa các dân tộc; vấn đề hợp tác quốc tế, trong đó có quan hệ hợp tác và hữu nghị Việt Nam - Pháp.
Đối với quan hệ Việt Nam-Pháp, việc lan tỏa tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh - một danh nhân văn hóa thế giới, có ý nghĩa như thế nào thưa Đại sứ?
Quan hệ Việt Nam-Pháp thời gian qua đã có những bước phát triển tích cực. Trao đổi cấp cao diễn ra thường xuyên, với đột phá là hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào nhân chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tháng 10/2024. Đó là “trái ngọt” trong hợp tác song phương, thể hiện quyết tâm của hai nước đưa quan hệ phát triển sâu sắc và toàn diện, chiến lược hơn trên tất cả các lĩnh vực.
Tôi nghĩ rằng những bước đi đó hoàn toàn hợp với những mong muốn cũng như tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về hợp tác Việt Nam-Pháp cũng như đường lối đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Tiếp tục phát huy tư tưởng của Người đã giúp Việt Nam tranh thủ hơn nữa các đối tác lớn, quan trọng trên thế giới, trong đó có Pháp. Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng sẽ được tiếp nối bởi các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước trong năm nay, tạo ra sự khăng khít chính trị hơn giữa hai nước; cho phép khai thác tốt hơn những thế mạnh trong hợp tác song phương cũng như với các đối tác châu Âu; qua đó thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Trong bối cảnh quốc tế biến chuyển rất khó lường và phức tạp, quan hệ của chúng ta với các đối tác lớn, trong đó có Pháp và các nước châu Âu sẽ giúp củng cố hơn nữa vị thế đối ngoại của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Là nhà ngoại giao “mang chuông đi đánh xứ người”, với Đại sứ, tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh có tầm ảnh hưởng như thế nào?
Tư tưởng Hồ Chí Minh rất rộng lớn và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho cán bộ ngoại giao, trong đó có những tư tưởng cốt lõi về độc lập dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, hợp tác quốc tế…
Đó là những nguyên tắc của chúng ta trong hoạt động đối ngoại nói chung cũng như “kim chỉ nam” mà cán bộ ngoại giao tại địa bàn Pháp tiếp tục noi theo để phấn đấu thúc đẩy quan hệ với Pháp cũng như các đối tác mà chúng tôi phụ trách.
Bên cạnh đó, những tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao như “đắc nhân tâm”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” cũng là bài học lớn trong những hoạt động ngoại giao tại Pháp.
Công tác ngoại giao ở một địa bàn thường rất phong phú, đa dạng và có chiều sâu. Ở Pháp, chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ rất lớn từ mọi tầng lớp nhân dân, chính quyền các cấp khác nhau.
Dù vậy, làm sao để nuôi dưỡng được quyết tâm thúc đẩy hợp tác hiệu quả, thiết thực, tạo những đột phá trong phát triển ngay trong bối cảnh còn tồn tại nhiều thách thức? Điều này đòi hỏi các cán bộ ngoại giao phải có bản lĩnh, nắm chắc được chủ trương, đường lối nhưng đồng thời cũng linh hoạt, mềm dẻo, học tập không ngừng để kiến tạo đột phá, đưa vị thế Việt Nam ngày càng vươn xa.