Tổng thống Donald Trump còn nhiều 'vũ khí' tài chính sau đòn thuế đối ứng?

Loạt thuế mới của Tổng thống Donald Trump còn chưa ráo mực chữ ký nhưng nhiều bên đã lo ngại ông dùng các 'vũ khí' tài chính để tiếp tục gây áp lực.

Với vị thế là trung tâm tài chính toàn cầu và quốc gia phát hành đồng tiền dự trữ chính của thế giới, Mỹ sở hữu nhiều công cụ có thể dùng để gây sức ép lên các nước khác, từ hệ thống thẻ tín dụng cho đến việc cung cấp thanh khoản USD cho các ngân hàng nước ngoài.

Theo giới chuyên gia, việc sử dụng các công cụ trên có thể phản tác dụng và gây thiệt hại không nhỏ cho Mỹ, nhưng những kịch bản này không nên bị loại trừ.

Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng. Ảnh: Washington Post.

Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng. Ảnh: Washington Post.

Đặc biệt, nếu chính sách thuế không giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với cả thế giới - một kịch bản nhiều nhà kinh tế cho là khả thi, chính quyền ông Donald Trump có thể càng quyết liệt hơn. Việc Trung Quốc đáp trả hôm 4-4 khiến thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc càng làm xoáy sâu cơn khủng hoảng.

"Tôi hoàn toàn có thể tưởng tượng ra kịch bản ông Donald Trump sẽ thử những ý tưởng kỳ quặc, dù không có nhiều cơ sở logic" - giáo sư Barry Eichengreen từ Đại học California, Berkeley nhận định.

Để tái cân bằng cán cân thương mại, một phương án từng được nêu trong tài liệu của ông Stephen Miran - ứng viên do ông Donald Trump đề cử làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế - là thỏa thuận "Mar-a-Lago", nhằm kêu gọi các ngân hàng trung ương nước ngoài tăng giá đồng bản tệ để làm suy yếu đồng USD.

Tuy nhiên, theo ông Maurice Obstfeld, chuyên gia tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, "đó là kịch bản rất khó xảy ra" bởi tình hình kinh tế và chính trị hiện tại khác xa thời điểm ký kết Thỏa thuận Plaza năm 1985. Ông cũng cho rằng các nước lớn như châu Âu, Nhật Bản hay Trung Quốc sẽ không chấp nhận thỏa thuận đòi hỏi họ nâng lãi suất và đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Thuế đối ứng Mỹ bắt đầu có hiệu lực

Nếu không đạt được đồng thuận, chính quyền ông Donald Trump có thể chuyển sang các biện pháp quyết liệt hơn như sử dụng vị thế của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Điều này có thể bao gồm việc ngắt kết nối các ngân hàng trung ương nước ngoài khỏi mạng lưới hỗ trợ thanh khoản bằng USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Dù FED hiện hoạt động độc lập nhưng việc ông Donald Trump gần đây thay đổi nhân sự cấp cao vẫn khiến giới quan sát lo ngại.

"Không còn là điều không tưởng khi ông Donald Trump dùng điều này như một dạng đe dọa nghiêm trọng trong các cuộc đàm phán lớn" - ông Spyros Andreopoulos, nhà sáng lập hãng tư vấn Thin Ice Macroeconomics, cảnh báo.

Mỹ cũng có thể gây sức ép thông qua các tập đoàn thanh toán như Visa và Mastercard - hai công ty xử lý tới 2/3 giao dịch thẻ trong khu vực đồng euro. Nếu các công ty này bị buộc ngưng dịch vụ, người dân châu Âu sẽ phải quay lại dùng tiền mặt hoặc chuyển khoản ngân hàng phức tạp.

Các quan chức châu Âu đang cân nhắc cách phản ứng nhưng dè dặt vì lo ngại leo thang căng thẳng. Những biện pháp đáp trả như áp thuế hay hạn chế ngân hàng Mỹ tiếp cận thị trường EU đều khó triển khai do ảnh hưởng toàn cầu của Phố Wall và nguy cơ trả đũa các ngân hàng châu Âu đang hoạt động tại Mỹ.

Lạc Chi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tong-thong-donald-trump-con-nhieu-vu-khi-tai-chinh-sau-don-thue-doi-ung-196250404225236567.htm
Zalo