Ngân hàng Việt và cửa mở thêm cho khối ngoại
Thị trường ngân hàng Việt Nam đang trải qua giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ với sự thoái lui của một số cổ đông nước ngoài và sự xuất hiện của các thương vụ M&A tiềm năng. Việc nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài có thể mở ra cơ hội mới cho cả ngân hàng nội địa và nhà đầu tư quốc tế trong thời gian tới.

Ngành ngân hàng có bước tiến mới trong việc thu hút vốn ngoại chảy vào ngân hàng. Ảnh minh họa: L.Vũ
Nhà đầu tư ngoại cũng tái cấu trúc
Bối cảnh thị trường quốc tế không thuận lợi khiến nhiều nhà đầu tư ngoại tính đường tái cấu trúc. Trong đó không chỉ có các tập đoàn sản xuất mà còn cả các ngân hàng nội địa cũng đối diện với tình trạng cổ đông ngoại thoái vốn.
Đơn cử như trường hợp của Commonwealth Bank of Australia (CBA), chính thức rút lui khỏi ngân hàng VIB sau đợt bán cổ phiếu trên sàn hồi tháng 3. Trước đó cổ đông chiến lược này đã không còn là cổ đông lớn sau đợt bán hồi tháng 10 năm ngoái.
Trong cuộc họp đại hội cổ đông thường niên năm 2025 mới đây, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT ngân hàng VIB kể CBA đã đầu tư vào ngân hàng 175 triệu đô la Mỹ vào giai đoạn nền kinh tế tương đối khó khăn, gọi đây là “sự đầu tư đúng thời điểm và có tác động đúng lúc”.
Thực tế cuộc rút lui của của CBA nằm trong chiến lược tái cấu trúc toàn cầu kể từ thời điểm dịch Covid-19, cổ đông này cũng đã rút lui khỏi HĐQT nhiều năm trước.
CBA là cái tên mới chính thức rút lui khỏi ngành ngân hàng sau nhiều năm tham gia. Năm ngoái, Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) cũng thoái vốn khỏi ABBank (tỷ lệ sở hữu hơn 8%). Trước đó, nhiều cái tên quen thuộc cũng đã rút lui như trường hợp của HSBC với Techcombank (năm 2017), hay bán lại mảng bán lẻ cho đơn vị khác như ANZ với Shinhan Bank, Citi với UOB.
Nhìn chung, các nhà đầu tư chiến lược trong giai đoạn trước đây hầu như đã thoái vốn, chủ yếu diễn ra sau giai đoạn 10–15 năm đầu tư. Đây là giai đoạn ngân hàng nội nói riêng và ngành ngân hàng Việt Nam có vẻ đã ổn định, đi cùng lý do thường là tái cơ cấu danh mục đầu tư toàn cầu. Trong khi những năm gần đây, số thương vụ bắt tay chiến lược kiểu này lại hiếm hoi chỉ có số ít như trường hợp của VPBank với nhà đầu tư Nhật Bản vào tháng 10-2023.
Việc làn sóng các nhà đầu tư ngoại rút lui để lại chỗ trống, bao gồm vị trí đối tác chiến lược và cả tỷ lệ sở hữu cổ phần của khối ngoại. Theo quy định, giới hạn sở hữu khối ngoại tại một ngân hàng là tối đa 30%, nhưng một định chế thì tối đa chỉ được sở hữu 15% cổ phần ngân hàng.
Thực trạng hiện nay lại cho thấy bức tranh không cân xứng về xu hướng đầu tư ngân hàng. Một số ngân hàng thì luôn lấp đầy phần trăm sở hữu khối ngoại, nhưng một số thì không, thậm chí tỷ lệ sở hữu khối ngoại còn bằng 0.
Dù vậy, bối cảnh thị trường trong những năm gần đây không thực sự thuận lợi đối với việc tìm kiếm nhà đầu tư ngoại. Các ngân hàng vẫn tích cực đẩy mạnh việc tăng vốn, nhưng lại ưu tiên gọi vốn từ nhà đầu tư nội bằng các hình thức như chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu. Cũng có ngân hàng chọn cách khóa room ngoại do chưa tìm được hoặc đang trong quá trình đàm phán chiến lược.

Theo lãnh đạo VIB, khoản đầu tư 175 triệu đô la Mỹ của CBA đã mang lại hiệu quả khi tổ chức này thu về gần 500 triệu đô sau khi thoái vốn. Ảnh: CL.
Những kỳ vọng mới
Năm 2025 có nhiều bước tiến mới trong việc nới lỏng giới hạn tỷ lệ sở hữu khối ngoại. Theo Nghị định 69/2025 của Chính phủ, tổng mức sở hữu cổ phần của khối ngoại tại các ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc (Trừ ngân hàng nhà nước nắm trên 50% cổ phần), được tăng lên tối đa mức 49%. Điều này mở ra cơ hội huy động vốn mới cho ngân hàng MB, HDBank và VPBank khi quy định này có hiệu lực từ ngày 19-5-2025, là những ngân hàng nhận chuyển giao lần lượt là Oceanbank, DongABank và GPBank.
Trước đó, về mặt lý thuyết, theo Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA), các định chế tài chính từ châu Âu có thể sở hữu tối đa lên đến 49%. Dù vậy, quy định này khó thành hiện thực khi nhìn vào bức tranh các ngân hàng châu Âu thường không chọn cách xuất hiện tại Việt Nam theo kiểu như các ngân hàng khu vực châu Á, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á.
Góc độ khác là sự xuất hiện của các ngân hàng số thế hệ mới đang góp phần hình thành hành lang pháp lý mới cho khối ngoại gia nhập lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam, theo đánh giá của nhóm phân tích Công ty chứng khoán VPBankS. Đây là những ngân hàng theo mô hình mẹ - con, pháp lý là công ty TNHH và mang đến cơ hội nâng cao giới hạn sở hữu theo lý thuyết.
Trong hội nghị do Bộ tài chính tổ chức hồi cuối tháng 3, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN, từng chia sẻ về giải pháp nâng cao tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại các công ty niêm yết. Trong đó cũng nhắc đến việc các công ty có thể rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chuyển sang sở hữu gián tiếp thông qua công ty con. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng đang nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm đầu tư giúp loại bỏ giới hạn tỷ lệ sở hữu.
Nhìn chung, từ trước đến nay, các chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư ngoại thường “chê” tỷ lệ sở hữu thấp nên khó có thể tham gia sâu hơn vào ngành ngân hàng, dù rất hấp dẫn xét từ góc độ quy mô và sức tiêu dùng. Việc nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài vì thế có thể mở ra cơ hội mới cho cả ngân hàng nội địa và nhà đầu tư quốc tế trong thời gian tới.
Theo ông Minh Đỗ, Giám đốc Quốc gia của Warburg Pincus tại Việt Nam (đơn vị có các thương vụ lớn như đầu tư vào Techcombank, MoMo, Vincom Retail), tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong một ngân hàng thương mại tại Việt Nam là 30%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Ấn Độ (74%), Indonesia (99%), Thái Lan (không giới hạn) hay Singapore (không giới hạn). Việc nâng giới hạn sở hữu nước ngoài do đó sẽ là một bước quan trọng giúp lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ như các nước phát triển trong khu vực.
Chuyên gia này đề xuất tăng giới hạn sở hữu nước ngoài đối với các nhà đầu tư chiến lược và tài chính và tích hợp một lộ trình rõ ràng và từng bước trong chiến lược phát triển thị trường tài chính. “Chúng tôi hiểu rằng Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ lo ngại việc các ngân hàng nước ngoài nắm giữ cổ phần chi phối có thể ảnh hưởng đến chủ quyền kinh tế. Tuy nhiên, điều này ít ảnh hưởng hơn nếu áp dụng cho các nhà đầu tư tài chính như quỹ đầu tư hoặc nhà đầu tư chiến lược”, ông Minh bình luận.
Trong khi đó, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng việc còn trống room ngoại là cơ hội lớn cho các nhà băng. Như ông Vỹ nói HĐQT của VIB đang trao đổi với các ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty tư vấn để tìm kiếm một trong số các đối tác phù hợp để phục vụ cho nhu cầu tăng vốn trong giai đoạn tiếp theo. “Tiêu chí là đảm bảo giá tốt, cộng hưởng giá trị”, ông Vỹ nói.