Đối sách của Thái Lan nhằm giảm tác động từ thuế đối ứng
Thái Lan sẽ tăng cường nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Mỹ nhằm giảm thiểu tác động từ quyết định áp thuế đối ứng 36% do Tổng thống Donald Trump áp dụng.
“Chính phủ sẽ tăng cường nhập khẩu các mặt hàng năng lượng, máy bay và nông sản từ Mỹ như một phần trong nỗ lực làm dịu tác động từ quyết định áp thuế nhập khẩu 36% đối với hàng hóa xuất khẩu của Thái Lan,” Bangkok Post trích phát biểu của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra trong cuộc họp báo ngày 6/4.
Chính phủ Thái Lan đã thành lập một nhóm công tác đặc biệt để phối hợp với khu vực tư nhân và các đối tác Mỹ, nhằm thảo luận và điều chỉnh chính sách. Trong đó, trọng tâm là đề xuất tăng cường nhập khẩu từ Mỹ ở ba lĩnh vực gồm năng lượng, hàng không và nông nghiệp.
Thủ tướng Paetongtarn chia sẻ thêm rằng những biện pháp tức thời và dài hạn đang được xây dựng để bảo vệ các doanh nghiệp Thái Lan, từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến các tập đoàn xuất khẩu lớn. “Mục tiêu hàng đầu là bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền lợi của người dân và sự ổn định của nền kinh tế,” bà cho biết.

Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra tại cuộc họp báo ngày 6/4. Ảnh: Bangkok Post
Bà Paetongtarn đã chỉ đạo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira dẫn đầu một phái đoàn cấp cao sang Washington trong tuần này để làm việc với các đối tác Mỹ trong cả khu vực công và tư nhân. “Chúng tôi muốn Mỹ hiểu rằng Thái Lan không chỉ là một quốc gia xuất khẩu, mà còn là đối tác chiến lược đáng tin cậy và có trách nhiệm,” Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thái Lan sẽ kêu gọi Mỹ khôi phục hoặc mở rộng các ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp Thái Lan tại Mỹ. Cả hai nước cũng sẽ hợp tác để kiểm soát các mặt hàng mượn danh xuất xứ Thái Lan nhằm trốn thuế hoặc lách quy định.
“Chúng tôi sẽ truyền đạt rõ ràng với phía Mỹ rằng Thái Lan mong muốn duy trì mối quan hệ đồng minh và đối tác thương mại lâu dài. Các đề xuất của chúng tôi được xây dựng trên tinh thần hợp tác, trách nhiệm và cùng có lợi,” Thủ tướng Paetongtarn khẳng định.

Hàng hóa Thái Lan sẽ bị Mỹ áp mức thuế đối ứng 36%. Ảnh: Getty
Trước tác động từ thuế đối ứng của Mỹ, các nước ASEAN sẽ họp khẩn nhằm đảm bảo mạng lưới chuỗi cung ứng và duy trì lợi ích kinh tế khu vực vào ngày 10/4 tới đây. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2025, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Tengku Datuk Seri Zafrul Abdul Aziz sẽ chủ trì cuộc họp này.
Thông báo từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) cho biết, cuộc họp dự kiến thảo luận về những tác động sâu rộng của các biện pháp thuế quan của Mỹ đối với dòng chảy thương mại và đầu tư trong khu vực, sự ổn định kinh tế vĩ mô và phản ứng phối hợp của ASEAN nhằm duy trì lợi ích kinh tế của khu vực và cam kết lâu dài đối với một hệ thống thương mại cởi mở, công bằng và dựa trên luật lệ.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng sẽ thảo luận về cách giải quyết cũng như biện pháp nhằm giảm thiểu những gián đoạn đối với thương mại khu vực, mạng lưới chuỗi cung ứng và đầu tư xuyên biên giới.
Trước đó vào ngày 2/4 theo giờ Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố các mức thuế đối ứng toàn cầu. Mức tối thiểu 10% được áp dụng từ ngày 5/4 và tối đa 50% từ ngày 9/4.
Các quốc gia thành viên ASEAN là những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thuế quan. Campuchia bị áp thuế đối ứng lên đến 49%, tiếp theo là Lào (48%), Việt Nam (46%) và Myanmar (44%). Trong khi đó, Thái Lan bị áp thuế 36%, Indonesia 32%, Brunei và Malaysia đều ở mức 24%, Philippines 17% và Singapore 10%.