Tổng cục Thống kê: 4 giải pháp để giảm rủi ro và tận dụng thời cơ từ cuộc chiến thuế quan
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động với những thách thức, Việt Nam cần có những giải pháp táo bạo, kịp thời để vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội và duy trì đà tăng trưởng.
Năm 2025 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động với những thách thức từ chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng địa chính trị, Việt Nam cần có những giải pháp táo bạo và kịp thời để vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội và duy trì đà tăng trưởng.
Để làm rõ hơn về bức tranh kinh tế-xã hội hiện tại và những giải pháp ứng phó, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
Động lực cho sự tăng tốc và bứt phá
- Thưa bà, xin bà chia sẻ một số đánh giá tổng quan về tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2025?
Bà Nguyễn Thị Hương: Khác với năm trước, năm nay cả nước đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ cùng trong tháng Một. Đây cũng là thời điểm các bộ, ngành, địa phương bắt tay vào triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2025 của Chính phủ, tạo động lực cho sự tăng tốc và bứt phá.
Nhìn chung, chúng ta đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng cũng không ít thách thức. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tiến độ gieo cấy lúa Đông Xuân tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi ổn định và nuôi trồng thủy sản đẩy mạnh thu hoạch, đảm bảo nguồn cung cho dịp Tết Nguyên đán.
Thời điểm các bộ, ngành, địa phương bắt tay vào triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2025 của Chính phủ, tạo động lực cho sự tăng tốc và bứt phá.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_293_51438146/53d2b7d88c9665c83c87.jpg)
(Ảnh: Vietnam+)
Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sức mua của người dân tăng mạnh trong dịp Tết. Cùng với đó, vận chuyển hành khách và hàng hóa cũng tăng trưởng hai con số, lần lượt là 17% và 12,5%. Đáng chú ý, ngành du lịch cũng có những tín hiệu tích cực với lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 2,1 triệu lượt người, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy các chương trình thu hút khách du lịch quốc tế đang phát huy hiệu quả.
Một điểm sáng khác là vốn đầu tư nước ngoài (FDI) điều chỉnh tăng thêm trong tháng Một đạt 2,73 tỷ USD, gấp 6,1 lần so với cùng kỳ năm 2024, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào Việt Nam. Vốn FDI thực hiện đạt 1,51 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ. Về vĩ mô, lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) với tăng 3,63% so với cùng kỳ năm trước. Công tác an sinh xã hội cũng được đảm bảo, các cấp ban, ngành đã tặng quà cho hơn 13,5 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí trên 7.943 tỷ đồng và hơn 6.876 tấn gạo, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong dịp Tết.
Bên cạnh những thành tựu, chúng ta cũng đối mặt với không ít thách thức. Trong đó, sự giảm tốc của sản xuất công nghiệp với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, thậm chí giảm 9,2% so với tháng trước. Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm giảm so với cùng kỳ năm trước và giảm ở nhiều địa phương có quy mô công nghiệp lớn do số ngày làm việc trong tháng ít hơn năm trước.
Cùng với đó, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu hàng hóa cũng giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 63,15 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 4,3%, đạt 33,09 tỷ USD. Một vấn đề đáng quan tâm khác là số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao, lên tới 58,3 nghìn doanh nghiệp, cao hơn nhiều so với số doanh nghiệp gia nhập thị trường (33,5 nghìn doanh nghiệp).
Trong nông nghiệp, diện tích gieo trồng một số cây hằng năm cũng giảm do nhu cầu thị trường tiêu dùng giảm. Đáng lo ngại hơn, diện tích rừng bị thiệt hại tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước với tổng diện tích 38,7 ha và tăng 90,6%.
![Vốn FDI thực hiện đạt 1,51 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ. (Ảnh: Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_293_51438146/c0a53eaf05e1ecbfb5f0.jpg)
Vốn FDI thực hiện đạt 1,51 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ. (Ảnh: Vietnam+)
Linh hoạt trong bối cảnh nhiều thách thức
- Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là nguy cơ chiến tranh thương mại. Bà đánh giá như thế nào về khả năng này và những ảnh hưởng tiềm tàng đến Việt Nam?
Bà Nguyễn Thị Hương: Chiến tranh thương mại toàn cầu là một rủi ro hiện hữu, nhất là trong bối cảnh căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn. Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, cạnh tranh công nghệ và chuỗi cung ứng gay gắt, cùng với các cuộc xung đột địa chính trị là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ này. Năm 2025, kinh tế thế giới có thể đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là từ các chính sách bảo hộ thương mại và chính sách thuế của Mỹ, nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu do các biện pháp trả đũa lẫn nhau về thuế quan giữa các nền kinh tế lớn. Mỹ đe dọa đánh thuế lên các sản phẩm nhập khẩu từ các nước xuất khẩu vào Mỹ nhiều như Trung Quốc, Mexico, Canada... gây lo ngại toàn cầu. Trong đó, hàng Trung Quốc vào Mỹ sẽ bị đánh thuế nhập khẩu 10%, có hiệu lực từ ngày 4/2/2025. Để đáp trả, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế 15% đối với khí LNG, than đá của Mỹ vào nước này đồng thời đánh thuế 10% đối với các sản phẩm như dầu thô, ôtô, thiết bị nông nghiệp... các hình thức áp thuế sẽ từ ngày 10/2/2025.
Chiến tranh thương mại toàn cầu là một rủi ro hiện hữu, nhất là trong bối cảnh căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn.
Trong khi đó, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở thương mại lớn và Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đều là đối tác thương mại quan trọng. Do vậy, chiến tranh thương mại có thể tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức. Trong đó, cơ hội đến từ khả năng dịch chuyển chuỗi cung ứng, khi doanh nghiệp Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc (China+1).
Bên cạnh đó, xuất khẩu một số mặt hàng (dệt may, điện tử, nông sản…) có thể tăng nếu Việt Nam tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP…). Chúng ta cũng có thể thu hút thêm đầu tư nước ngoài (FDI) nhờ các công ty tìm kiếm môi trường sản xuất ổn định hơn. Các công ty logistics cũng sẽ có cơ hội phát triển khi nhiều doanh nghiệp tìm cách dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia có lợi thế thuế quan, thúc đẩy nhu cầu vận tải, kho bãi và dịch vụ hậu cần.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra là xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng, nếu nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm do chiến tranh thương mại. Chúng ta cũng đối mặt với nguy cơ bị áp thuế hoặc các biện pháp phòng vệ thương mại từ Mỹ, EU nếu Việt Nam bị xem là điểm trung chuyển hàng hóa Trung Quốc.
Một thách thức lớn khác là nâng cao năng lực thể chế, nếu chỉ thu hút được đầu tư ở mức lắp ráp, gia công giá trị thấp, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa để trốn thuế trước các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng khắt khe. Những điều này có thể sẽ khiến nền kinh tế bỏ lỡ cơ hội bứt phá và rơi vào nguy cơ tụt hậu. Cuối cùng là đồng Việt Nam có thể chịu áp lực từ biến động tỷ giá do dòng vốn đầu tư dịch chuyển.
![Đồng Việt Nam có thể chịu áp lực từ biến động tỷ giá do dòng vốn đầu tư dịch chuyển. (Ảnh: Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_293_51438146/3a15c81ff3511a0f4340.jpg)
Đồng Việt Nam có thể chịu áp lực từ biến động tỷ giá do dòng vốn đầu tư dịch chuyển. (Ảnh: Vietnam+)
- Trước những thách thức và cơ hội đan xen như vậy, Tổng cục Thống kê có kiến nghị gì về các giải pháp ứng phó để Việt Nam có thể tận dụng tối đa cơ hội và giảm thiểu rủi ro?
Bà Nguyễn Thị Hương: Trước bối cảnh trong nước và quốc tế như trên, nước ta cần có phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, không để lỡ thời cơ và giữ đà, giữ nhịp, giữ khí thế đang có để tiếp tục phát triển. Để ứng phó với bối cảnh mới, đặc biệt là trong trường hợp chiến tranh thương mại trên thế giới có nguy cơ xảy ra đồng thời tập trung phát triển kinh tế, hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của năm 2025, Tổng cục Thống kê đề xuất một số kiến nghị, giải pháp.
Trước bối cảnh trong nước và quốc tế như trên, nước ta cần có phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, không để lỡ thời cơ và giữ đà, giữ nhịp, giữ khí thế đang có để tiếp tục phát triển.
(Ảnh: Vietnam+)
Một là phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hài hòa, hiệu quả các chính sách, trong đó điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.
Các cấp quản lý cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế. Diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình quốc tế, khu vực cần theo dõi sát, từ đó chủ động phân tích, dự báo và kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước. Bên cạnh đó, danh mục hàng hóa bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc, cũng như động thái tỷ giá của đồng USD, CNY và một số đồng tiền chủ chốt khác như đồng Euro, đồng yen… cần chủ động cập nhật để có phản ứng kịp thời.
Hai là đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo đó, các chính sách thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần được đổi mới. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp trong bối cảnh mới, nhất là đảm bảo cung cấp đủ nguồn nhân lực có trình độ và kỹ thuật cao phục vụ sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ba là thúc đẩy xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất cũng như thị trường xuất, nhập khẩu. Những điều này cần gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm. Việt Nam cũng cũng tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu. Đặc biệt là khai thác hiệu quả các cơ hội từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Chính sách hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, chủ lực và tăng cường khai thác các thị trường mới, tiềm năng, thị trường Trung Đông, Halal, Mỹ La-tinh, châu Phi.
Bốn là có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia. Chính sách ưu đãi và cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., từ đó thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) tại Việt Nam./.
Xin cảm ơn bà!
![Chính sách ưu đãi và cạnh tranh nhằm thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., từ đó thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_293_51438146/ea731d792637cf699626.jpg)
Chính sách ưu đãi và cạnh tranh nhằm thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., từ đó thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)