Tổng Bí thư Tô Lâm: Cần hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn, đất nước là quê hương

Tổng Bí thư chia sẻ, chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và chính quyền địa phương 2 cấp sẽ tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, bởi mỗi con người Việt Nam chúng ta đều in sâu trong ký ức về hình ảnh quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, chúng ta phải thay đổi về tư duy, tầm nhìn, thống nhất về nhận thức, tư tưởng, phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung của đất nước.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sáng 16/4, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, đây là hội nghị mang tính lịch sử, quyết sách những vấn đề quan trọng, đột phá của giai đoạn cách mạng mới, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Không được có tư tưởng "quyền anh, quyền tôi; địa phương này, địa phương kia"

Trên cơ sở sự thống nhất đường lối, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 60 ngày 12/4/2025 với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng, tập trung vào 2 nhóm vấn đề: Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Những nội dung này có liên quan chặt chẽ với nhau và đều là những vấn đề trọng tâm, cấp bách mà chúng ta phải tập trung thực hiện ngay sau hội nghị này và đến hết năm 2025.

Tổng Bí thư phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tổng Bí thư phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Bộ Chính trị cũng có Quyết định số 284 ngày 12/4/2025 phân công 19 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư phụ trách các địa phương theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai nghị quyết.

"Về cơ bản các chủ trương đã rõ, phương án, kế hoạch, lộ trình triển khai đã cụ thể. Đây là điểm mới trong tổ chức quán triệt triển khai các nghị quyết của Đảng theo hướng rõ người, rõ việc, rõ cách làm, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành, sau hội nghị có thể bắt tay vào làm và thực hiện được ngay", Tổng Bí thư chỉ rõ.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu 3 yêu cầu chung và 4 lưu ý mà các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện. Trong đó, phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, xác định đây là cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất nước. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu phải sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc, đầy đủ tầm quan trọng của chủ trương này, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng trong toàn Đảng, lan tỏa trong toàn xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, định hướng mà Trung ương đã đề ra.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tinh thần "làm việc nào chắc việc đó, làm việc này phải tính đến việc khác có liên quan".

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tinh thần "làm việc nào chắc việc đó, làm việc này phải tính đến việc khác có liên quan".

"Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các công việc trên tinh thần "đúng vai, thuộc bài", phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương và giữa các địa phương với nhau, không được có tư tưởng "quyền anh, quyền tôi; địa phương này, địa phương kia", tất cả vì lợi ích chung của đất nước, vì nhân dân" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, triển khai các công việc tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng" nhưng phải thận trọng, chắc chắn, bài bản, không nóng vội, chủ quan, có thứ tự ưu tiên, "làm việc nào chắc việc đó, làm việc này phải tính đến việc khác có liên quan", và phải đúng quy trình quy định, không làm tắt, làm ẩu, không qua loa, đại khái, bám sát các mốc thời gian để đảm bảo các công việc đúng tiến độ theo kế hoạch. Nhất là các mốc thời gian quan trọng: trước ngày 30/6/2025 phải hoàn thành sửa đổi Hiến pháp và pháp luật có liên quan, bắt đầu kết thúc hoạt động của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2027 theo lộ trình chuyển tiếp và hoàn thành toàn bộ trước ngày 15/8/2025, hoàn thành sáp nhập các tỉnh trước ngày 1/9/2025 và hoàn thành đại hội đảng cấp xã trước ngày 31/8/2025, hoàn thành đại hội cấp tỉnh trước ngày 31/10/2025.

Tránh khuynh hướng sắp xếp xã, phường như "huyện thu nhỏ" hoặc quá nhỏ, hạn chế về không gian

Về 4 vấn đề lưu ý, Tổng Bí thư nhìn nhận, việc thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận, đánh giá kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt để đi đến thống nhất cao việc thực hiện chủ trương này với nguyên tắc, tiêu chí việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, xác định tên gọi, đặt địa điểm trung tâm chính trị, hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp, các tiêu chí, tiêu chuẩn định hướng sắp xếp cấp xã...

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

"Triển khai thực hiện chủ trương này sẽ tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đây là điều dễ hiểu, bởi mỗi con người Việt Nam chúng ta đều in sâu trong ký ức về hình ảnh quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, chúng ta phải thay đổi về tư duy, tầm nhìn, thống nhất về nhận thức, tư tưởng, phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung của đất nước, vượt qua những khó khăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường, vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn: đất nước là quê hương", Tổng Bí thư nêu quan điểm.

Tổng Bí thư cho rằng, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính, mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển, là cơ hội sàng lọc, sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Chính quyền địa phương sau sắp xếp phải đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, tạo thế và lực mới cho nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tạo đà và động lực cho sự phát triển kinh tế, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tổng Bí thư cho rằng, sáp nhập tỉnh, xã là cơ hội sàng lọc, sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Tổng Bí thư cho rằng, sáp nhập tỉnh, xã là cơ hội sàng lọc, sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

"Khắc phục 2 khuynh hướng: sắp xếp các xã, phường quá rộng, như một cấp huyện thu nhỏ, dẫn đến không quán xuyến được địa bàn, không chủ động phục vụ được nhân dân, dẫn đến chủ trương "không tổ chức cấp huyện thành không tổ chức cấp xã; hoặc sáp nhập các xã, phường quá nhỏ, dẫn đến hạn chế về không gian, dư địa phát triển, đầu mối nhiều hơn, dẫn đến cồng kềnh, kém hiệu quả", Tổng Bí thư lưu ý.

Cán bộ phải hội tụ đủ đức, tài, tâm, tầm, sức, nhiệt huyết cách mạng

Về công tác cán bộ, Tổng Bí thư khẳng định, diện cán bộ chịu ảnh hưởng trong đợt sắp xếp lần này rất lớn, chủ trương chung là bố trí biên chế cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã như hiện đã có để đảm bảo ổn định. Sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động sẽ chỉ đạo rà soát, hoàn thiện vị trí việc làm, xác định biên chế từng cấp trong tổng biên chế chung của cả hệ thống chính trị.

Quang cảnh hội trường.

Quang cảnh hội trường.

Tổng Bí thư yêu cầu, phải hết sức công tâm, khách quan trong bố trí cán bộ, thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn về công tác cán bộ đảm bảo công khai, minh bạch, tăng cường kiểm soát quyền lực gắn với trách nhiệm cá nhân, không để xảy ra tình trạng mất đoàn kết, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, cục bộ, bè phái, tham nhũng, lãng phí trong công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy của đơn vị hành chính các cấp. Đặc biệt, lưu ý làm tốt công tác lựa chọn, bố trí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau khi sáp nhập, phải tính toán đồng bộ, liên thông giữa các giai đoạn.

Công tác nhân sự đã rất quan trọng, nay lại càng quan trọng hơn trước yêu cầu mới. Tiêu chí đầu tiên để bố trí cán bộ là tiêu chí công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác. "Nhân sự lãnh đạo các cấp và nhân sự Đại hội Đảng XIV phải hội tụ đủ đức, đủ tài, đủ tâm, đủ tầm, đủ sức, đủ nhiệt huyết cách mạng để gánh vác trọng trách lịch sử của đất nước. Trong tình hình hiện nay, không có chỗ cho những cán bộ cơ hội, bon chen, trung bình chủ nghĩa, lừng chừng, ngại đổi mới, thu vén cá nhân. Những ai tự thấy mình không đáp ứng yêu cầu, tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho người khác xứng đáng hơn, tự nguyện đứng về phía sau, vì sự nghiệp phát triển cũng là bản lĩnh, dũng cảm, đáng tự hào, đáng được khen ngợi", Tổng Bí thư nhấn mạnh thêm.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/tong-bi-thu-to-lam-can-huong-toi-tu-duy-tam-nhin-rong-lon-hon-dat-nuoc-la-que-huong-i765313/
Zalo