Hơn 1,5 triệu đảng viên học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 11
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vào sáng 16/4, tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Tham dự hội nghị có Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Đại biểu thành phố Hà Nội dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Thị Minh Hoài; Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy cùng cán bộ chủ chốt thành phố.
Hội nghị nhằm quán triệt các nội dung cốt lõi, điểm mới, trọng tâm của văn kiện Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng, các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nội dung văn kiện Hội nghị Trung ương 11 ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề "Về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026 – 2030”.
Tổng kết 40 năm đổi mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn chứng con số ấn tượng, đến nay Việt Nam đã phát triển vượt bậc với quy mô nền kinh tế 470 tỷ USD, đứng thứ 32 thế giới. Đối với phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026 - 2030, Trung ương xác định ba nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện từ nay đến năm 2030 là: giữ gìn và duy trì môi trường hòa bình, an ninh, trật tự để phát triển đất nước; phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là của những người lao động, thỏa mãn nhu cầu ngày một cao hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tất cả vì nhân dân. Quyết tâm đạt tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo tiền đề cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu xây dựng hệ thống chính quyền địa phương hai cấp hiệu lực, hiệu quả, chuyển đổi trạng thái từ thụ động sang tích cực, chủ động phục vụ nhân dân, loại bỏ tư duy không quản được thì cấm. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm Trung ương tăng cường quản lý vĩ mô, giữ vai trò kiến tạo, phát triển, trao quyền tự quyết, chủ động nhiều hơn cho các cấp chính quyền.
Trình bày chuyên đề “Về sửa đổi Hiến pháp và pháp luật; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào hai nhóm nội dung. Nhóm nội dung thứ nhất là các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của MTTQ Việt Nam; vai trò tập hợp các giai cấp, tầng lớp, hướng mạnh về địa bàn dân cư, gần dân, sát dân, đến từng hộ gia đình. Nhóm nội dung thứ hai là các quy định tại Chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Chủ tịch Quốc hội thông tin, dự kiến ngày 15/3/2026 sẽ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trình bày ba nhóm chuyên đề, gồm: Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; Sửa đổi, bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị số 45 ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Trung ương đã đồng tình, thống nhất rất cao về chủ trương tổ chức chính quyền địa phương hai cấp gồm cấp tỉnh và cấp xã, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Ban Chấp hành Trung ương đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố; đồng ý sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 đến 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay. Trước ngày 15/8/2025, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương phải ban hành các quyết định kết thúc hoạt động các Đảng bộ quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.