Tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc

Đến với Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc năm 2025, người dân và du khách không chỉ được hòa mình vào không gian đậm đà bản sắc để cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam mà còn được chiêm ngưỡng các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam được tái hiện, giới thiệu.

Chủ tịch nước Lương Cường tham gia nghi thức đánh trống khai hội tại Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc năm 2025. Ảnh: ST

Chủ tịch nước Lương Cường tham gia nghi thức đánh trống khai hội tại Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc năm 2025. Ảnh: ST

Giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc

Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc năm 2025 được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Ngày hội thu hút sự tham gia của 200 đồng bào thuộc 28 cộng đồng dân tộc đến từ 14 tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhiều hoạt động ý nghĩa được thực hiện trong khuôn khổ ngày Hội sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc đã góp phần lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống.

Đây là dịp để mỗi người dân Việt Nam ôn lại, giữ gìn và làm sâu sắc hơn những giá trị văn hóa dân tộc, qua đó thắt chặt tình đoàn kết, tăng cường sự hiểu biết, sự đồng hành trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. "Ngày hội thực sự đã trở thành nguồn động viên, khích lệ, tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn để đất nước vươn tới những thành công mới, giàu mạnh và thịnh vượng".

Ngày hội là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh, giới thiệu những nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng, phong tục của các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước, góp phần thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời mở ra một không gian giao lưu đậm đà bản sắc, để các chủ thể tự giới thiệu về văn hóa của dân tộc mình, theo đúng quan điểm của Đảng ta: Nhân dân là chủ thể sáng tạo. Đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng trong việc chấn hưng và phát triển văn hóa.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Trịnh Thị Thủy, đến với Ngày hội, người dân, du khách sẽ được hòa mình vào không gian đậm đà bản sắc để cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam trong hoạt động đón Tết vui Xuân đã có từ ngàn đời nay, với những hoạt động nổi bật như: Nghi thức mở cửa Tháp của dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận, một nghi lễ mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh đặc sắc của cộng đồng dân tộc Chăm; Lễ hội khai hạ và giới thiệu, trình diễn lịch tre - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, với những phong tục tập quán độc đáo, gắn liền với mùa màng và sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên; tái hiện lễ ăn mừng đầu lúa mới của dân tộc Raglai tỉnh Ninh Thuận với những điệu múa, lời ca và những nghi lễ mang đậm tinh thần tôn vinh những giá trị cao đẹp, sự gắn kết cộng đồng.

Từ những hoạt động cụ thể này, mỗi người dân, du khách sẽ cảm nhận được sức mạnh của truyền thống, sự đa dạng và phong phú của văn hóa dân tộc, từ đó phát huy tinh thần yêu nước và trách nhiệm đối với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa trong quá trình phát triển đất nước cho du khách những trải nghiệm phong phú, sâu sắc về một nền văn hóa đa dạng, thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Đồng bào các dân tộc nô nức đón chào khách du lịch tới Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc năm 2025. Ảnh: ST

Đồng bào các dân tộc nô nức đón chào khách du lịch tới Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc năm 2025. Ảnh: ST

Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ chiến lược

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc đều có những giá trị văn hóa đặc sắc, phong phú, độc đáo, đã tạo nên bức tranh văn hóa vừa đa dạng, trong sự thống nhất cao, phản ánh sự sáng tạo và bản lĩnh của người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Chủ tịch nước Lương Cường

Tại Ngày Hội, Chủ tịch nước Lương Cường cho rằng, Ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc" không chỉ là một sự kiện mừng xuân mà còn là một sự kiện văn hóa, chính trị mang nhiều ý nghĩa. Một trong những giá trị quan trọng nhất của nền văn hóa truyền thống 54 dân tộc anh em chính là tinh thần đại đoàn kết, tương thân tương ái, đã tạo sức mạnh nội sinh, là nền tảng giúp dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước, đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Nhấn mạnh việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Chủ tịch nước lưu ý, các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành và tổ chức thực hiện tốt chính sách dân tộc, đảm bảo quyền lợi và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc; đồng thời có những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ và tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc, gìn giữ vẻ đẹp văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc. Trong số đó, cần đặc biệt chú trọng tôn vinh và trân trọng sự đóng góp quan trọng của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc.

Chủ tịch nước khẳng định, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược, nhất quán có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, trong suốt quá trình cách mạng và trong thời kỳ mới, nhằm đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc./.

THANH TRANG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/ton-vinh-net-dep-van-hoa-truyen-thong-cua-cac-dan-toc-38248.html
Zalo