Tôn vinh giá trị di sản văn hóa Trà Việt

Diễn đàn 'Thái Nguyên – Trăm năm đệ nhất danh trà' nhằm tôn vinh di sản văn hóa trà Thái Nguyên nói riêng và văn hóa Trà Việt nói chung, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa trà và định hướng phát triển bền vững cho ngành chè Việt Nam. Sự kiện do Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Hội Chè tỉnh Thái Nguyên phối hợp với HTX Chè Hảo Đạt tổ chúc nhân dịp kỷ niệm 5 năm Ngày Trà thế giới (21/5/2020 - 21/5/2025).

Thái Nguyên từ lâu đã được mệnh danh là thủ phủ "Đệ nhất danh trà", nơi những lá chè Tân Cương không chỉ là sản vật quý giá mà còn là biểu tượng văn hóa, gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần và kinh tế của người dân.

Trong bối cảnh ngành chè Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức của thời đại mới, Diễn đàn "Thái Nguyên – Trăm năm đệ nhất danh trà" là dịp khẳng định giá trị di sản chè Thái Nguyên, đồng thời thảo luận các giải pháp phát triển bền vững, kết hợp giữa văn hóa, du lịch và kinh tế.

Các đại biểu và khách mời tham dự Diễn đàn “Thái Nguyên trăm năm đệ nhất danh trà".

Các đại biểu và khách mời tham dự Diễn đàn “Thái Nguyên trăm năm đệ nhất danh trà".

Diễn đàn là một trong các hoạt động trong khuôn khổ hành trình "Trà Việt: Văn hóa và Di sản", thuộc Dự án "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt Nam". Chương trình đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ và tham dự từ đại diện các sở, ban, ngành, các chuyên gia nghiên cứu; các hội, đoàn và các HTX; doanh nghiệp và những người yêu trà tại Thái Nguyên và các cơ quan báo chí từ TW đến địa phương.

Chương trình còn có sự tham dự của TS. Đỗ Ngọc Văn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội; TS. Hứa Ngọc Tân – Phó Trưởng bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa, Khoa Đông Phương học; Bà Lê Anh – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam và NSND Nguyễn Việt Hương.

Bà Nguyễn Thị Ngà – Chủ tịch Hội Chè tỉnh Thái Nguyên (thứ hai từ trái sang) đón tiếp đại diện các đơn vị tham dự Diễn đàn.

Bà Nguyễn Thị Ngà – Chủ tịch Hội Chè tỉnh Thái Nguyên (thứ hai từ trái sang) đón tiếp đại diện các đơn vị tham dự Diễn đàn.

Về phía lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên có Ông Hoàng Anh Trung – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh; Ông Dương Sơn Hà – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường; Bà Vũ Thị Thu Hường – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ông Hoàng Đức Vỹ - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Bà Nguyễn Thị Ngà – Chủ tịch Hội Chè; Bà Đào Thanh Hải – Chủ tịch HTX Chè Hảo Đạt; Ông Mông Đông Vũ - Nhà Nghiên cứu văn hóa trà và sưu tầm ấm cổ, Nguyên Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh và Nghệ nhân văn hóa Vũ Thị Thương Huyền.

TS. Đỗ Ngọc Văn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội phát biểu khai mạc Diễn đàn.

TS. Đỗ Ngọc Văn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS Đỗ Ngọc Văn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội đã chia sẻ tâm huyết dành cho văn hóa và di sản, về vai trò của cây chè Thái Nguyên trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu. Theo TS Đỗ Ngọc Văn, “Chè Thái Nguyên không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp mà còn là biểu tượng văn hóa, tinh thần và kinh tế của vùng đất này. Trong sách "Đại Nam nhất thống chí" thời vua Tự Đức (1848-1883), các sử gia đã ghi chép chè Nam ở huyện Phú Lương, Thái Nguyên, có "vị ngon hơn chè các nơi khác". Tuy nhiên, cụm từ "Trăm năm đệ nhất danh trà" đánh dấu cột mốc từ đầu thế kỷ 20, khi chè Thái Nguyên, đặc biệt là chè Tân Cương, được tiêu chuẩn hóa, thương mại hóa và đạt danh tiếng vượt trội trong nước lẫn quốc tế. Đây là giai đoạn chè Thái Nguyên trở thành "đệ nhất danh trà", với hương thơm cốm, vị chát dịu và hậu ngọt sâu lắng”.

Các diễn giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu tham gia chia sẻ và thảo luận tại Diễn đàn.

Các diễn giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu tham gia chia sẻ và thảo luận tại Diễn đàn.

Trong tham luận với chủ đề "Phát triển du lịch Thái Nguyên bền vững gắn với văn hóa trà", một hướng đi đầy tiềm năng để đưa Thái Nguyên vươn xa trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế, bà Vũ Thị Thu Hương – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên nêu rõ: “Tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển các điểm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số và tham gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tỉnh cũng định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn bền vững, sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, vừa tạo ra sản phẩm du lịch, vừa phục vụ du lịch (sản phẩm OCOP, hàng lưu niệm…) góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân. Về chương trình OCOP, tỉnh đã đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận cho 195 sản phẩm trà, chiếm 62,3% số sản phẩm OCOP hiện có”.

Bà Vũ Thị Thu Hương – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên.

Bà Vũ Thị Thu Hương – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên.

Chia sẻ về chủ đề "Định hướng phát triển cây chè Thái Nguyên là cây chủ lực để phát triển kinh tế", ông Dương Sơn Hà – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh vai trò của cây chè trong chiến lược kinh tế địa phương. Những phân tích sắc bén và các định hướng chiến lược của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi Trường tỉnh Thái Nguyên đã làm rõ tầm quan trọng của cây chè không chỉ như một sản vật mà còn là động lực kinh tế then chốt của địa phương.

Trình diễn nghệ thuật pha trà của các Trà Nương Thái Nguyên.

Trình diễn nghệ thuật pha trà của các Trà Nương Thái Nguyên.

Các ý kiến chia sẻ tại Diễn đàn đã chỉ ra những cơ hội và giải pháp để kết nối văn hóa trà với du lịch bền vững, sẽ là kim chỉ nam cho các kế hoạch phát triển trong tương lai. Ông Hoàng Anh Trung – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh khi chia sẻ về chủ đề "Xây dựng và định vị thương hiệu quảng bá chè Thái Nguyên”: “Ông Trời đã ban cho Thái Nguyên một loại cây rất độc đáo và loại cây này đã đem lại lợi ích kinh tế rất lớn cho người dân Thái Nguyên. Chúng ta phải tự hào nhưng cũng phải có một sự tự trọng để phát huy thế mạnh và xây dựng chè Thái Nguyên ngày một tốt hơn, tạo ra nhiều sản phẩm phong phú từ cây chè có chất lượng xứng đáng với loại cây chủ lực của tỉnh mà thiên nhiên ban tặng cho địa phương”.

Ông Hoàng Anh Trung – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng chia sẻ.

Ông Hoàng Anh Trung – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng chia sẻ.

Đặc biệt tại Diễn đàn, các đại biểu và khách tham dự đã được “ngược dòng lịch sử” khám phá và tôn vinh giá trị văn hóa trà, những câu chuyện về văn hóa trà. Nhà nghiên cứu văn hóa Mông Đông Vũ – nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ về "Lịch sử hình thành và phát triển văn hóa trà và vai trò của văn hóa trà trong đời sống người Việt": “Trong các cuộc thi về chè và đấu xảo tại Hà Nội năm 1935 của ông Đội Năm Vũ Văn Điển – Ông tổ của nghề chè thời bấy giờ đã nói chè ngon của nước Việt. Mặc dù sống ở một cái làng nhỏ vùng Tân Cương này, ông vốn là người ở Mỹ Hào, Hưng Yên lên trên vùng chè Tân Cương để thi. Đây là cuộc thi có nhiều nước tham gia và sau cuộc thi dân gian đã tôn xưng ông ấy”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Mông Đông Vũ – nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Thái Nguyên.

Nhà nghiên cứu văn hóa Mông Đông Vũ – nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Thái Nguyên.

Ngoài ra, điểm nổi bật câu chuyện lịch sử văn hóa trà đầy cuốn hút, giúp chúng ta hiểu sâu hơn về ý nghĩa văn hóa của trà trong đời sống người Việt. Những chia sẻ này thực sự là một kho tàng tri thức quý giá. Với sứ mệnh bảo tồn và phát triển thương hiệu chè Tân Cương, Thái Nguyên, đại diện HTX Chè Hảo Đạt đã có phần chia sẻ về hành trình “100 năm chè Tân Cương, Thái Nguyên”: “Sứ mệnh phát triển thương hiệu chè Tân Cương là một hành trình vừa mang tính kế thừa vừa mang tính đổi mới sáng tạo, nhằm nâng cao vị thế của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Việc phát triển thương hiệu bắt đầu từ việc gìn giữ bản sắc riêng biệt, không chạy theo số lượng mà chú trọng vào chất lượng và hương vị đặc trưng. “Không để chè Tân Cương trở thành một loại chè đại trà” là giá trị cốt lõi của sứ mệnh này. Bên cạnh việc gìn giữ những giá trị truyền thống, việc áp dụng công nghệ hiện đại vào canh tác, chế biến là điều tất yếu để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Các mô hình sản xuất chè sạch, chè hữu cơ đã và đang được triển khai rộng rãi, góp phần xây dựng thương hiệu chè Tân Cương đạt chuẩn trong nước và quốc tế”.

Đại diện HTX Chè Hảo Đạt chia sẻ về thương hiệu “100 năm chè Tân Cương, Thái Nguyên”.

Đại diện HTX Chè Hảo Đạt chia sẻ về thương hiệu “100 năm chè Tân Cương, Thái Nguyên”.

Bên cạnh đó, câu chuyện về văn hóa được TS. Hứa Ngọc Tân – Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa, Khoa Đông Phương học đã đưa ra ý kiến văn hóa trà trở thành sản phẩm du lịch – du lịch văn hóa trà với sự chia sẻ "Nâng cao giá trị văn hóa trà trong các hoạt động du lịch": “Nghiên cứu, tổ chức tour du lịch tham quan, trải nghiệm (trồng, hái, làm trà) cộng với nghi thức thưởng trà (đun nước, pha trà, thưởng trà) tại không gian văn hóa trà. Nghĩa là du khách vừa được nghe giới thiệu vừa trực tiếp trải nghiệm; Quy hoạch khu vực không gian văn hóa du lịch trà (phục vụ cho nhiều mục đích) trành việc chỉ check in, mua sản phẩm xong rồi về (không có ấn tượng); Bảo tàng di sản trà (du khách thấy được lịch sử hình thành của cây chề ở Việt Nam nói chung, địa phương nói riêng, trưng bày), không giản trải nghiệm thực tế (du khách tiếp được hướng dẫn thực hiện các công đoạn làm trà, cách thức pha, thưởng….); Kết hợp ẩm thực văn hóa (đưa trà vào các món ăn); Đào tạo nguồn nhân lực và kiến thức lịch sử văn hóa trà cho HDV và kết nối giữa các bên: vùng nguyên liệu – nhà sản xuất – nhà phân phối – doanh nghiệp du lịch – tổ chức văn hóa”.

Ông Dương Sơn Hà – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thái Nguyên và TS. Hứa Ngọc Tân – Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa, Khoa Đông Phương học chia sẻ tại Diễn đàn.

Ông Dương Sơn Hà – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thái Nguyên và TS. Hứa Ngọc Tân – Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa, Khoa Đông Phương học chia sẻ tại Diễn đàn.

Những đề xuất sáng tạo tại Diễn đàn đã mở ra hướng đi mới để tích hợp văn hóa trà vào các sản phẩm du lịch. Những ý tưởng này chắc chắn sẽ truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp và cộng đồng. Cuối cùng, chúng ta sẽ cùng khám phá nét đẹp tinh tế của nghệ thuật trà Việt. Nghệ nhân văn hóa trà Vũ Thị Thương Huyền trình bày về "Nghệ thuật trình diễn và nghi thức mời trà trong đời sống văn hóa người Việt".

Đại biểu và các chuyên gia cùng khách mời chụp ảnh lưu niệm.

Đại biểu và các chuyên gia cùng khách mời chụp ảnh lưu niệm.

Diễn đàn “Thái Nguyên – Trăm năm đệ nhất danh trà” diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 5 năm Ngày Trà thế giới (21/5/2020 – 21/5/2025) là cơ hội để cùng nhìn lại hành trình 100 năm đầy tự hào của cây chè Thái Nguyên nói riêng và các vùng chè đặc sản của Việt Nam nói chung. Diễn đàn đã thảo luận về giá trị văn hóa, kinh tế và định hướng phát triển bền vững cho chè Thái Nguyên. Các chia sẻ của chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo và nghệ nhân sẽ gợi mở những hướng đi giải pháp để bảo tồn di sản, nâng tầm thương hiệu và đưa chè Thái Nguyên vươn xa trên thị trường toàn cầu.

Thùy Dương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ton-vinh-gia-tri-di-san-van-hoa-tra-viet-315074.html
Zalo