Người 'thắp lửa' văn hóa Dao Tiền giữa đại ngàn Hồng Thái

Bằng tình yêu và tâm huyết với những giá trị truyền thống của dân tộc, chị Triệu Thúy Hằng, người con của thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang), đã và đang bền bỉ 'thắp lửa', gìn giữ và lan tỏa nét đẹp độc đáo của nghệ thuật vẽ sáp ong, thêu dệt trang phục của người Dao Tiền. Những việc làm ý nghĩa của chị không chỉ góp phần bảo tồn một di sản văn hóa quý báu mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, tiếp nối dòng chảy văn hóa dân tộc.

Chị Hằng tỉ mỉ in sáp ong lên vải.

Chị Hằng tỉ mỉ in sáp ong lên vải.

Chị Hằng sinh ra và lớn lên giữa cộng đồng người Dao Tiền, nơi những bộ trang phục thổ cẩm rực rỡ và kỹ thuật vẽ sáp ong tinh xảo là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần, chị Triệu Thúy Hằng (sinh năm 1976) đã thấm nhuần tình yêu với văn hóa truyền thống từ thuở ấu thơ. Hình ảnh người bà, người mẹ cần mẫn bên khung thêu, tỉ mỉ tạo nên từng đường nét hoa văn trên tấm vải chàm đã khắc sâu vào tâm trí chị, trở thành nguồn cảm hứng để chị quyết tâm gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của cha ông.

Với chị Hằng, mỗi bộ trang phục truyền thống là hiện thân của vẻ đẹp người phụ nữ, đồng thời là sợi dây kết nối với dòng chảy ký ức, là câu chuyện kể về lịch sử, phong tục và tâm hồn của người Dao Tiền. Từ những lời ru của bà, lời dạy của mẹ, chị đã học được cách nhuộm chàm, cách vẽ sáp ong, cách thêu nên những họa tiết mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Chị chia sẻ: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được bà và mẹ dạy cho từng đường kim, mũi chỉ. Tôi hiểu rằng, đây không chỉ là nghề thủ công mà còn là trách nhiệm gìn giữ hồn cốt của dân tộc mình”.

Công đoạn chấm, vẽ sáp ong lên vải phải giữ bút vẽ cẩn trọng, cho lượng sáp chảy đều, không loang lổ.

Công đoạn chấm, vẽ sáp ong lên vải phải giữ bút vẽ cẩn trọng, cho lượng sáp chảy đều, không loang lổ.

Từ suy nghĩ đó, dù cuộc sống còn nhiều bộn bề lo toan, chị Hằng vẫn dành thời gian để tự tay làm nên những bộ trang phục truyền thống cho các con. Mỗi đường kim, mũi chỉ không chỉ thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ mà còn gửi gắm tình yêu thương và mong muốn các con luôn nhớ về cội nguồn. Chị tâm sự: “Tôi làm những bộ trang phục này để các con có dịp mặc trong những ngày lễ, Tết, khi trở về quê hương. Đó cũng là cách để chúng không quên mình là người Dao Tiền, luôn tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc”. Đặc biệt, chị còn cẩn thận chuẩn bị một bộ trang phục cưới truyền thống dành tặng cho con dâu tương lai, một việc làm thể hiện sự trân trọng và mong muốn tiếp nối truyền thống tốt đẹp của gia đình và dân tộc.

Không chỉ gìn giữ nghề trong gia đình, năm 2023, khi xã Hồng Thái tổ chức lớp tập huấn về nghề thêu và chấm sáp ong trên vải, chị Hằng đã nhiệt tình tham gia với vai trò người hướng dẫn. Bằng sự tận tâm và kinh nghiệm của mình, chị đã truyền dạy tỉ mỉ từng công đoạn, từ cách chọn vải, căng khung, giữ kim đến kỹ thuật vẽ sáp ong sao cho hoa văn hiện lên mềm mại, sống động. Quan trọng hơn, qua những câu chuyện kể bên khung thêu, chị đã khơi dậy trong lòng mỗi học viên niềm tự hào và ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản văn hóa của cha ông.

Du khách tìm hiểu các nét hoa văn trên thổ cẩm của người Dao Tiền.

Du khách tìm hiểu các nét hoa văn trên thổ cẩm của người Dao Tiền.

Chị Hằng bộc bạch: “Việc giữ gìn văn hóa truyền thống tuy không mang lại nhiều lợi ích kinh tế trước mắt, nhưng tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Tôi mong muốn thế hệ trẻ sẽ tiếp tục yêu quý và phát huy những giá trị này, để bản sắc văn hóa của người Dao Tiền mãi trường tồn”.

Giữa dòng chảy hiện đại, những người như chị Hằng là hạt giống vàng quý, âm thầm ươm mầm và bền bỉ tỏa hương. Chị là tấm gương sáng gìn giữ bản sắc dân tộc, là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, truyền thống với phát triển. Tinh thần đó không chỉ lan tỏa qua mỗi bộ trang phục mà còn thắp sáng ý thức và niềm tự hào của thế hệ mới.

Bài, ảnh: Cảnh Trực

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nguoi-thap-lua-van-hoa-dao-tien-giua-dai-ngan-hong-thai-212301.html
Zalo