Tôn trọng shipper

Mới đây, mạng xã hội lan truyền video clip có nội dung một thanh niên mặc áo shipper bị hành hung trên đường Trần Phú (TP Vinh, Nghệ An) khiến dư luận bức xúc. Trước đó không lâu ở Hà Nội cũng đã xảy ra vụ một shipper bị đánh dã man làm dậy sóng cộng đồng mạng.

Những câu chuyện hành hung shipper (người giao hàng) gần đây đã cho thấy họ vẫn bị không ít người trong xã hội tôn trọng. Những người đó không chỉ coi thường mà còn cho họ cái quyền được hành hung, lăng mạ, miệt thị, thậm chí là quỵt tiền gọi hàng rồi lảng tránh không nhận.

Thực tế không ít shipper sau khi nhận đơn hàng, “hùng hục” chạy xe đến địa chỉ đặt hàng thì không thể liên lạc được với khách để giao hàng. Việc “bom” hàng của những “thượng đế” thiếu lương tâm này khiến shipper không chỉ tốn công mà còn thiệt hại tiền xăng, thậm chí tiền hàng.

Có những người không “bom” hàng, nhưng lại buông ra những lời lẽ thô tục để lăng mạ shipper khi nhận hàng. Nếu như khi giao nhận hàng có nảy sinh vấn đề, giữa khách hàng và shipper xảy ra chút tranh luận cũng là bình thường, nhưng có không ít người dù đã xác nhận hàng hóa không có vấn đề gì vẫn buông lời mắng nhiếc shipper, như thể việc được coi thường ai đó, nhất là shipper chính là niềm vui của họ.

Ai đã từng làm việc ngoài trời chắc sẽ thấu hiểu cho khó nhọc trong nghề nghiệp của shipper. Thử hình dung trong trời đông giá buốt, nhiều người ngồi trong văn phòng làm việc có điều hòa sưởi ấm, hoặc còn “ngủ nướng” trong chăn ấm, thì shipper đã phải ra đường, nhận đơn đi giao hàng để mưu sinh. Chịu đựng mưa phùn, giá rét cắt da nhưng lại bị “bom” hàng, quỵt tiền thì họ sẽ buồn khổ cỡ nào?

Hay những hôm trời nắng nóng đổ lửa, ngoài trời nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C, trong khi hầu hết mọi người đều “trốn” trong nhà tránh nắng thì shipper vẫn phải miệt mài chạy ngoài đường mưu sinh. Ấy vậy mà khi giao hàng lại bị khách buông lời trách mắng thử hỏi làm sao họ không khỏi xót xa?

Chưa hết, nhiều shipper không được các công ty giao nhận hàng đóng bảo hiểm xã hội cũng là một thiệt thòi lớn. Xét trên phương diện lý thuyết kinh doanh, thị trường, thì công việc giao hàng cũng là một ngành nghề dịch vụ như những loại hình dịch vụ khác: Hướng dẫn viên du lịch, nhân viên vệ sinh môi trường... Vậy tại sao loại hình dịch vụ khác được đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, trong khi nhiều shipper lại không được?

Chẳng phải các bậc tiền bối vẫn thường dạy con cháu trong nhà là nghề nghiệp không có sự sang - hèn, nghề nào cũng đáng quý, đáng trân trọng, chỉ cần giỏi trong chính công việc đó hay sao? Vậy mà vẫn không ít người có thái độ coi thường những công việc chân tay, nhất là công việc như vệ sinh môi trường, ship hàng... Thử hỏi nếu không có các shipper, hàng hóa có thể lưu thông một cách nhanh chóng đến tay người tiêu dùng?

Tác giả xin được nhấn mạnh: Dù làm công việc gì cũng chỉ là sự phân công lao động nên không có sự phân biệt sang - hèn trong nghề nghiệp. Dù là chị lao công quét đường, anh thợ sửa xe bên lề đường, shipper giao hàng, hay công chức, viên chức văn phòng, thậm chí là cán bộ chức vụ cao... cũng chỉ là công việc được xã hội phân công, không thể so bì quý - tiện, cũng không thể nói ai đáng được tôn trọng hơn ai.

Trở lại câu chuyện các shipper chịu đủ thứ thiệt thòi, khiến chúng ta cảm thấy xót xa. Để giảm thiểu những tổn thương về tâm lý, cũng như thiệt hại về tiền bạc cho các shipper, ngoài việc mỗi cá nhân trong xã hội cần có sự tôn trọng nhất định dành cho họ, còn cần các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi một số quy định để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các shipper.

Lê Anh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ton-trong-shipper-10300201.html
Zalo