Các tình huống pháp lý vụ nữ sinh bị đánh, bắt quỳ xin lỗi ở công viên Yên Sở
Theo chuyên gia, hành vi của các đối tượng trong vụ nữ sinh bị đánh, bắt quỳ gối xin lỗi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như PLO đã đưa tin, ngày 19-2, Công an quận Hoàng Mai, TP Hà Nội đã triệu tập 3 người liên quan trong vụ nữ sinh bị đánh, bị bắt quỳ gối xin lỗi xảy ra tại công viên Yên Sở.
Theo hình ảnh từ video clip, sự việc diễn ra vào 15-2, người bị đánh là một nữ sinh 17 tuổi, nguyên nhân mâu thuẫn nghi do ghen tuông. Nữ sinh này bị nhóm thanh thiếu niên giật tóc, đá vào mặt, đánh vào đầu, đạp vào bụng; những người không tham gia đánh nữ sinh này thì đứng xung quanh cổ vũ, la hét…
Hiện cơ quan chức năng đã tạm giữ hình sự NPA (17 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai) và ĐMD (17 tuổi, trú tại Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).

Thời điểm xảy ra sự việc tối 15-2, người bị đánh là một nữ sinh 17 tuổi. Ảnh CTV
Trao đổi với PLO, luật sư (LS) Nguyễn Trung Hiếu (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, căn cứ vào tính chất, mức độ của vụ việc, hành vi của các đối tượng trong vụ đánh nữ sinh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 134 BLHS về tội cố ý gây thương tích.
Trong trường hợp, thương tích của nhân dưới 11% nhưng các đối tượng này phạm tội với tính chất côn đồ, có tổ chức… thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Khoản 1 Điều 134 BLHS với mức hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp, tỉ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp khoản 1 Điều này thì bị phạt tù 2-5 năm.
Tuy nhiên, cần lưu ý theo khoản 1 Điều 155 BLTTHS chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại Khoản 1 Điều 134 BLHS khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Trong trường hợp này, mẹ của nạn nhân đã đến công an trình báo và yêu cầu xử lý các đối tượng trên, nên cơ quan điều tra hoàn toàn có cơ sở khởi tố vụ án để xử lý theo quy định pháp luật.
Cạnh đó, LS Hiếu cho biết thêm, đặt trường hợp các đối tượng này tự ý quay video clip ghi lại cảnh đánh nạn nhân rồi phát tán lên mạng xã hội thì có dấu hiệu của tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS.
Theo Khoản 1 Điều 155 BLHS, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Còn theo Khoản 2 điều này, phạm tội thuộc một trong các trường hợp như sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân… sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Bên cạnh đó, qua đoạn video clip, ngoài các đối tượng đánh nạn nhân, còn các đối tượng khác đứng bên ngoài cổ vũ, hò hét, gây mất trật tự...
Trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng kết luận hành vi này gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc các đối tượng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này… thì các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 BLHS với khung hình phạt tối đa lên đến 7 năm.
Trong trường hợp hành vi trên của các đối tượng không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021, quy định hình thức xử phạt khi vi phạm quy định về trật tự công cộng.
Theo Khoản 1 Điều 7 phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi gây mất trật tự ở khu dân cư; gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự... Khoản 2 Điều này quy định phạt tiền 1-2 triệu đồng với các hành vi tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng.
Khoản 3 Điều này quy định phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác; tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Tại Khoản 5 điều này quy định hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt cao nhất lên đến 8 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc cải chính thông tin sai sự thật; buộc xin lỗi công khai; buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh tùy theo hành vi vi phạm...