Tôm Việt vào cuộc đua xanh

Nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, nhưng tôm Việt cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, chi phí sản xuất cao, dịch bệnh...

Bến tre có khoảng 36.000 ha nuôi tôm nước lợ, trong đó 12.500 ha nuôi tôm thâm canh có ứng dụng công nghệ cao ở. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Bến tre có khoảng 36.000 ha nuôi tôm nước lợ, trong đó 12.500 ha nuôi tôm thâm canh có ứng dụng công nghệ cao ở. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và các yêu cầu ngày càng khắt khe về phát triển bền vững, ngành hàng tôm Việt Nam đang đứng trước những áp lực không nhỏ – nhưng đồng thời cũng là cơ hội lớn để chuyển đổi theo hướng phát triển xanh. Đây được xem là con đường tất yếu để nâng thế và giá trị trong chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, trong suốt hai thập kỷ qua, ngành tôm luôn giữ vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản nói riêng và phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung. Nhờ sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người nuôi, tôm Việt Nam đã trở thành một trong những mặt hàng chủ lực, đưa Việt Nam vươn lên nhóm các quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 13–14% giá trị xuất khẩu toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, Việt Nam xuất khẩu tôm tới hơn 100 quốc gia; trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Canada. Mặc dù ngành tôm Việt Nam đang giữ vững vị thế tại nhiều thị trường và tiếp tục có những dự báo khả quan trong năm 2025, nhưng tôm Việt cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, chi phí sản xuất cao, dịch bệnh, cạnh tranh gay gắt từ các nước như Ecuador và Ấn Độ, biến động địa chính trị bất ổn làm thị trường xáo trộn, cùng với yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và bảo vệ môi trường.

Trước tình hình trên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để ngành tôm Việt Nam bứt phá, các doanh nghiệp phải có sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức, mô hình sản xuất từ truyền thống sang sản xuất hiện đại, bền vững. Doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong khâu nuôi, tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Ở góc độ phát triển thị trường xuất khẩu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Lê Hằng cũng cho rằng, tăng trưởng xanh không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để hiện thực hóa các định hướng chính sách phát triển xanh, ngành hàng tôm Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến trong quy trình nuôi tôm bền vững. Các công nghệ hiện đại như Biofloc, Micro-Nano Bubble Oxygen, hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS) và quy trình nuôi ba giai đoạn đã được áp dụng nhằm giảm thiểu chất thải và bảo vệ môi trường.

Hay việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm cũng đang trở thành xu hướng quan trọng. Các chế phẩm này giúp xử lý môi trường nước, tăng cường hệ miễn dịch cho tôm, đồng thời ức chế các vi khuẩn gây bệnh. Một ví dụ tiêu biểu là quy trình sinh học MP BIO của Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú, tập trung vào việc sử dụng vi sinh đối kháng, tạo Biofloc làm thức ăn, kiểm soát môi trường và tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho tôm, mà không sử dụng Chlorine trong xử lý nước. Quy trình này cũng chú trọng việc tạo ra nguồn thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng từ tảo và Biofloc, đồng thời lên men thức ăn bằng vi sinh vật để cải thiện khả năng hấp thụ và chuyển hóa dinh dưỡng cho tôm.

Ngoài ra, tôm Việt Nam cũng đang tập trung vào phát triển kinh tế tuần hoàn trong chế biến tôm. Mục tiêu đến năm 2030, ngành chế biến tôm sẽ tái sử dụng 100% phụ phẩm từ sản xuất như vỏ tôm, râu tôm, nước thải, bùn thải để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng như Chitin và Chitosan. Với đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 đã nhấn mạnh việc xây dựng và triển khai các dự án khoa học công nghệ để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thủy sản, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam.

Mô hình nuôi tôm, cua dưới tán rừng ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN

Mô hình nuôi tôm, cua dưới tán rừng ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN

Ở góc độ quốc tế, Việt Nam có thể học hỏi nhiều bài học từ các quốc gia có ngành tôm phát triển bền vững, đặc biệt là Ecuador, quốc gia đã vươn lên dẫn đầu về xuất khẩu tôm nhờ sản lượng lớn và sự tăng trưởng mạnh mẽ tại các thị trường quan trọng như Trung Quốc và Mỹ. Một số kinh nghiệm có thể tham khảo bao gồm: Đầu tư vào nghiên cứu và lai tạo giống tôm nội địa chất lượng cao, giảm sự phụ thuộc vào giống nhập khẩu; áp dụng các mô hình nuôi bền vững và ít thâm canh, kết hợp với giải pháp sinh học để duy trì chất lượng nước và sức khỏe tôm. Ngoài ra, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nuôi để xây dựng chuỗi cung ứng đồng bộ, thúc đẩy chế biến sâu thay vì chỉ xuất khẩu tôm nguyên liệu, cùng sự phối hợp mạnh mẽ giữa các bên liên quan để nâng cao vị thế tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tại Việt Nam, Cà Mau đang là địa phương đi đầu trong phát triển ngành tôm theo hướng bền vững. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, địa phương có khoảng 280.000 ha nuôi tôm, chủ yếu là các mô hình tôm – rừng, tôm – lúa, quảng canh kết hợp, thân thiện với môi trường. Tỉnh cũng tiên phong phát triển tôm sinh thái, tôm hữu cơ với hàng chục nghìn ha được các tổ chức quốc tế chứng nhận. Sản phẩm tôm sinh thái của Cà Mau đã có chỗ đứng tại nhiều thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản… mang lại giá trị gia tăng cao và góp phần khẳng định thương hiệu tôm Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ngành hàng tôm đặt mục tiêu năm 2025 đạt sản lượng từ 1,3 - 1,4 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu từ 4 - 4,3 tỷ USD. Tăng trưởng xanh được xác định là động lực chính để đạt mục tiêu này. Tín hiệu khả quan là trong hai tháng đầu năm 2025, xuất khẩu tôm đạt hơn 605 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy tiềm năng bứt phá nếu ngành tận dụng tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và xu hướng tiêu dùng xanh toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng ngành hàng tôm Việt Nam đang bước vào một giai đoạn cách mạng xanh với sự thay đổi mạnh mẽ. Tôm Việt không chỉ tập trung vào sản lượng mà còn ưu tiên chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và tạo ra giá trị gia tăng bền vững. Đây chính là chìa khóa để con tôm Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.

Khánh Linh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tom-viet-vao-cuoc-dua-xanh/370205.html
Zalo