Tôm hùm rớt giá, người nuôi thua lỗ

Tôm hùm là đối tượng nuôi biển chủ lực của tỉnh, người dân thả nuôi gần 100.000 lồng, sản lượng mỗi năm đạt hơn 3.000 tấn. Ước tính tôm hùm nuôi trên vịnh Cam Ranh chiếm đến hơn 70% của toàn tỉnh. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá tôm xuống thấp khiến người nuôi tôm tại địa phương này thua lỗ nặng.

Người nuôi tôm ở TP. Cam Ranh bán tôm hùm xanh với giá thấp.

Người nuôi tôm ở TP. Cam Ranh bán tôm hùm xanh với giá thấp.

Tôm thịt rớt giá

Gặp chúng tôi khi vừa cập cảng Đá Bạc (TP. Cam Ranh), ông Ngô Đình Pho (phường Cam Thuận, TP. Cam Ranh) cho biết: “Trước Tết Nguyên đán, giá tôm hùm xanh thương phẩm còn ở mức 800.000 đồng/kg, loại 3 - 4 con/kg; sau Tết tôm rớt giá liên tục, cách đây 1 tuần còn ở mức 720.000 đồng/kg, hiện nay chỉ còn 680.000 đồng/kg nên người nuôi thua lỗ nặng”.

Theo tính toán của ông Pho, lứa tôm xuất bán từ Tết Nguyên đán đến nay chủ yếu được người dân thả nuôi trước đó 10 tháng. Thời điểm đó khan hiếm tôm hùm giống nên người nuôi phải mua giống với giá rất cao, có hộ mua 100.000 đồng/con tôm giống, trong quá trình nuôi hao hụt đến hơn 25%; giá thức ăn cho tôm cũng cao, cá tạp mức 17.000 đồng/kg nên hộ nào cũng thua lỗ. Như gia đình ông Pho, lứa tôm thịt này có 150 lồng, 600 con/lồng; hao hụt trong quá trình nuôi đến gần 25% do bệnh sữa; khi xuất bán mỗi lồng chỉ được khoảng 110kg tôm thịt. Trước Tết, ông xuất bán 100 lồng, với giá 800.000 đồng/kg, thu chưa đủ bù chi, lỗ mấy chục triệu đồng tiền thuê nhân công, tiền dầu ra vào vùng nuôi. Hiện nay, thương lái hỏi mua 50 lồng tôm thịt còn lại nhưng giá bán thấp hơn nữa nên ông đang phân vân bởi bán lúc này sẽ lỗ đến 600 - 700 triệu đồng.

Gia đình ông Đinh Văn Hưởng (phường Cam Linh, TP. Cam Ranh) cũng nuôi tôm trên vịnh Cam Ranh, với 80 lồng tôm hùm xanh thương phẩm loại 3 - 4 con/kg. Cách đây mấy ngày, ông Hưởng thu hoạch 20 lồng tôm hùm xanh, được hơn 2,2 tấn. Với giá bán 690.000 đồng/kg, ông Hưởng thu được 1,5 tỷ đồng nhưng vẫn thua lỗ gần 230 triệu đồng. “Chi phí nuôi năm nay rất cao, nhất là giá tôm giống, hồi tôi mua thả nuôi lứa tôm này đến 100.000 đồng/con; rồi thức ăn đắt đỏ, tăng đến 30%, chi phí nhân công cũng tăng nên tôm hùm xanh thương phẩm phải đạt từ 830.000 đồng/kg trở lên mới có lãi. Với giá bán như hiện nay, mỗi tấn tôm thịt, người nuôi lỗ 130 triệu đồng. Tôm hùm bông cũng có giá rất thấp, chỉ 1 - 1,1 triệu đồng/kg, thấp nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây. Điều chúng tôi lo lắng, nếu tiếp tục nuôi lưu giữ, tôm càng lớn càng khó bán, chi phí thức ăn lại tăng cao, nếu tôm tiếp tục rớt giá thì càng thua lỗ nặng”, ông Hưởng nói.

Nguyên nhân do đâu?

Người nuôi tôm khẳng định, thị trường Trung Quốc và nội địa vẫn “ăn” tôm đều đặn, thương lái thu mua tôm xuất khẩu đi Trung Quốc vẫn hàng ngày ra bè thu tôm.Từ sau Tết đến nay, lượng tôm hùm từ các vùng nuôi về qua cảng Đá Bạc vẫn đạt hàng chục tấn mỗi ngày nên việc tôm hùm rớt giá không phải do không tiêu thụ được.

Tôm hùm xanh được đưa lên xe đưa đi tiêu thụ.

Tôm hùm xanh được đưa lên xe đưa đi tiêu thụ.

Ông Lê Đăng Tiến - Trưởng Ban Quản lý cảng Đá Bạc cho biết: “Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 25 tàu chở tôm hùm cập cảng Đá Bạc để đưa lên 20 - 25 xe lạnh đưa đi tiêu thụ, chủ yếu vẫn là xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc; sản lượng tôm qua cảng khoảng 25 tấn/ngày. Những ngày cao điểm lên đến 35 tàu, sản lượng trung bình 1 tấn/tàu. Ngoài cảng Đá Bạc, một lượng lớn tôm hùm thương phẩm nuôi trên vịnh Cam Ranh còn được người dân thu hoạch đưa về các bến dân sinh rồi thương lái đưa lên xe chở đi tiêu thụ”.

Trao đổi về nguyên nhân tôm hùm thương phẩm rớt giá, ông Nguyễn Văn Tuấn - chủ vựa thu mua tôm xuất khẩu đi Trung Quốc ở phường Cam Thuận cho hay: Hiện nay, có đến 75 - 80% tôm hùm thương phẩm trên địa bàn tỉnh xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc và chủ yếu theo đường tiểu ngạch, phần còn lại tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang một số thị trường khác. Thời gian gần đây, việc xuất khẩu tôm hùm thương phẩm sang thị trường này vẫn tương đối thuận lợi, sản lượng xuất khẩu vẫn tăng nhưng giá bán thấp do có sự cạnh tranh rất lớn giữa tôm hùm Việt Nam với tôm hùm các nước khác như: Australia, Philippines, Indonesia, Malaysia… Ngoài ra, thị trường nhập khẩu này cũng có một số thay đổi, như: Tăng cường kiểm soát về tiêu chuẩn chất lượng, trước đây họ ưa chuộng tôm cỡ lớn thì nay chủ yếu nhập tôm cỡ nhỏ hơn để phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng, do đó tôm cỡ lớn giảm giá mạnh…

Trước thực tế giá tôm hùm bấp bênh diễn ra từ nhiều năm nay, người nuôi kiến nghị các cơ quan chức năng có giải pháp để ổn định đầu ra cho người nuôi; xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu loại đặc sản này, tránh phụ thuộc vào 1 thị trường như hiện nay; xây dựng các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp thu mua xuất khẩu với người nuôi; sớm triển khai việc giao khu vực biển để người dân yên tâm sản xuất, phục vụ truy xuất nguồn gốc trong xuất khẩu theo đường chính ngạch. Cùng với đó, nghiên cứu, hoàn thiện quy trình nuôi tôm hùm theo nhiều giai đoạn, nghiên cứu thức ăn công nghiệp cho tôm hùm để phổ biến đến người nuôi nhằm nâng cao năng suất, tăng tỷ lệ sống, giảm chi phí thức ăn, giảm rủi ro do dịch bệnh để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202502/tom-hum-rot-gia-nguoi-nuoi-thua-lo-84f4952/
Zalo