Ban hành nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 192/2025/QH15 về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Nghị quyết điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký Nghị quyết số 192/2025/QH15 về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Nghị quyết này điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu, gồm GDP) đạt 8% trở lên, quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 USD; GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5 - 5%. Tất cả các chỉ tiêu này đều cao hơn mức đã được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp cuối năm 2024.
Nêu các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu Chính phủ và các cơ quan liên quan cần tập trung thực hiện, Quốc hội yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm. Xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các khu kinh tế biên giới và các vùng theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Quốc hội đồng ý bổ sung khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án có khả năng hấp thụ vốn (đường cao tốc, đường ven biển…) ngay trong năm 2025. Triệt để tiết kiệm chi, phấn đấu phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 và nguồn tăng thu ngân sách nhà nước năm 2024 để đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Nghị quyết nêu rõ.
Quốc hội cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 để thực hiện ngay trong năm 2025. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 cả nước đạt 95% kế hoạch; bổ sung, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho các dự án quy mô lớn, trọng điểm.
“Trường hợp cần thiết, điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP”, theo nghị quyết vừa được ban hành.
Nhiệm vụ của cơ quan hành pháp còn là thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng cơ chế ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng sản xuất mới, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển mạnh doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn.
Cùng với đó, Quốc hội yêu cầu chủ động làm việc với từng nhà đầu tư chiến lược để thu hút các dự án FDI lớn, công nghệ cao; triển khai hiệu quả cơ chế “luồng xanh” cho các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế trong lĩnh vực công nghệ cao để sớm triển khai, đưa dự án vào vận hành.
Rà soát, có ngay các giải pháp xử lý các dự án đang vướng mắc, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, BOT, BT, giao thông, bất động sản và các lĩnh vực khác; trước mắt, xây dựng cơ chế đặc thù tập trung tháo gỡ cho các dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố lớn để giải phóng nguồn lực ngay trong năm 2025. Sớm hoàn thành thủ tục đầu tư cảng biển quốc tế Cần Giờ. Thúc đẩy mạnh mẽ các dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi và triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII trong bối cảnh mới - nghị quyết nêu rõ.