Đầu tư công giữ vai trò quan trọng giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng GDP

Đầu tư công sẽ bù đắp cho yếu tố bất lợi có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP năm nay khi tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ được dự báo sẽ chậm lại.

Theo nghiên cứu mới công bố của các chuyên gia thuộc VinaCapital và ngân hàng UOB, đầu tư công sẽ giữ vai trò quan trọng giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao trong năm nay.

 Đầu tư công sẽ giữ vai trò quan trọng giúp bù đắp những tác động từ diễn biến bất lợi bên ngoài - Ảnh: Chính Phủ

Đầu tư công sẽ giữ vai trò quan trọng giúp bù đắp những tác động từ diễn biến bất lợi bên ngoài - Ảnh: Chính Phủ

Quyết tâm cao trong giải ngân đầu tư công

Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường và ông Trần Hoàng Thế Kiệt chuyên gia phân tích ngành kho vận thuộc VinaCapital nhấn mạnh, kế hoạch đầu tư công năm nay của Việt Nam sẽ được tăng lên 36 tỉ USD (so với mức 31 tỉ USD đã được phê duyệt vào cuối năm ngoái) và tăng gần 40% so với năm 2024.

Điều này được kỳ vọng sẽ bù đắp cho yếu tố bất lợi có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP năm nay khi tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ được dự báo sẽ chậm lại sau mức tăng ấn tượng 23% trong năm 2024.

Chuyên gia VinaCapital phân tích một số động thái mới nhất của Chính phủ cũng cho thấy sự quyết tâm trong việc giải ngân đầu tư công năm nay bao gồm:

Khởi xướng/phê duyệt chủ trương đầu tư của một số dự án lớn, bao gồm tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam trị giá 67 tỉ USD và tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trị giá 8 tỉ USD; Vận hành tuyến metro đầu tiên tại TP.HCM vào tháng 12-2024, được kỳ vọng sẽ là động lực đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng trong tương lai.

 Ông Michael Kokalari, CFA Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường - Ảnh: VinaCapital

Ông Michael Kokalari, CFA Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường - Ảnh: VinaCapital

Chuyên gia VinaCapital cho rằng, việc chính thức ban hành 3 luật quan trọng vào tháng trước nhằm đẩy nhanh quá trình phê duyệt dự án, đơn giản hóa việc phân bổ đầu tư và thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào các dự án cơ sở hạ tầng 1. Một số luật mới khác cũng hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng về năng lượng và giao thông.

Liên quan đến dư địa tài khóa, chuyên gia VinaCapital nhận định Việt Nam có nguồn lực dồi dào để tăng cường chi tiêu đầu tư công, trong đó nợ Chính phủ thấp hơn mức 40% GDP và ước tính ngân sách chưa giải ngân có thể lên đến 40 tỉ USD. Nút thắt chính trong việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công (hoặc có thể đạt tới mục tiêu đặt ra hằng năm) là các khó khăn về cơ chế chính sách trong quá trình phê duyệt và phát triển những dự án có quy mô lớn.

Như vậy, việc thông qua các luật được đề cập ở trên sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo rằng các mục tiêu giải ngân có thể đạt được.

 Thống kê của VinaCapital về một số dự án đầu tư công trọng điểm - Nguồn: VinaCapital

Thống kê của VinaCapital về một số dự án đầu tư công trọng điểm - Nguồn: VinaCapital

Việt Nam có thể đạt tăng trưởng 8%

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) cho rằng việc đạt mức tăng trưởng cao 8% hoặc thậm chí hai con số là hoàn toàn có thể, như kinh nghiệm của Singapore và Trung Quốc, đặc biệt khi Việt Nam đã có động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 với mức tăng trưởng trên 7%.

Tuy nhiên, chuyên gia UOB khẳng định để Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 7% và tiến tới 8% hoặc cao hơn vào năm 2025 sẽ là một thách thức, do các rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ có thể ảnh hưởng đến một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam: thương mại quốc tế.

Chuyên gia ngân hàng UOB khuyến nghị một trong những giải pháp quan trọng là tăng mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng và giảm tác động từ sự suy giảm trong xuất khẩu và sản xuất.

 Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) - Ảnh: NGỌC DIỆP

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) - Ảnh: NGỌC DIỆP

Hiện tại, Việt Nam vẫn thiếu hụt đáng kể về hạ tầng. Theo dữ liệu từ IMF, tỉ lệ chi tiêu cho hình thành vốn (capital formation expenditure) của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 41% của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, chính sách tài khóa của Việt Nam dường như đang quá thận trọng ở giai đoạn phát triển hiện nay, khi Chính phủ đặt mục tiêu giảm tỉ lệ nợ công/GDP từ 35% hiện tại xuống 31% vào năm 2029.

Cũng theo chuyên gia UOB, một vấn đề quan trọng khác là tốc độ giải ngân và thực hiện đầu tư công. Ngay cả khi ngân sách đã được phân bổ cho các dự án hạ tầng, quá trình triển khai cần được đẩy nhanh để vừa tạo động lực tăng trưởng ngắn hạn trong khi đầu tư được thực hiện, vừa nâng cao năng suất dài hạn sau khi dự án hoàn thành.

"Rất đáng khích lệ khi Quốc hội Việt Nam gần đây đã thông qua dự án đường sắt trị giá 8 tỉ USD kết nối Trung Quốc – Việt Nam, mở rộng đường cao tốc Bắc – Nam sắp hoàn thành, cũng như tăng ngân sách cho Bộ Giao thông Vận tải", chuyên gia UOB phân tích.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn cần đầu tư mạnh vào các lĩnh vực hạ tầng quan trọng khác, đặc biệt là AI/dữ liệu, năng lượng, nguồn nước,...để hỗ trợ tăng trưởng bền vững trong tương lai.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/dau-tu-cong-giu-vai-tro-quan-trong-giup-viet-nam-dat-muc-tieu-tang-truong-gdp-post836106.html
Zalo