Tokyo đón chào năm mới bằng nghi lễ truyền thống

Giao thừa năm 2025, các ngôi đền, chùa tại thủ đô Tokyo vẫn mở cửa cho người dân đến đón giao thừa theo phong tục truyền thống.

Dòng người chen kín tại đền Meiji Jingu, ngôi đền nổi tiếng của Nhật Bản, để đón chào năm mới 2025. Ảnh: Nguyễn Tuyến - Pv TTXVN tại Nhật Bản

Dòng người chen kín tại đền Meiji Jingu, ngôi đền nổi tiếng của Nhật Bản, để đón chào năm mới 2025. Ảnh: Nguyễn Tuyến - Pv TTXVN tại Nhật Bản

Giao thừa năm 2025 là giao thừa thứ hai của Nhật Bản kể từ khi chính thức hạ cấp căn bệnh COVID-19 xuống cấp độ cúm mùa. Mặc dù không còn áp đặt các biện pháp hạn chế tụ tập đông người, nhưng thủ đô Tokyo tiếp tục duy trì việc hủy bỏ sự kiện đếm ngược đến năm mới (countdown) tại Shibuya - giao lộ nổi tiếng nhất tại thủ đô Tokyo, thu hút hàng triệu người. Trong khi đó, các ngôi đền, chùa vẫn mở cửa cho người dân đến đón giao thừa theo phong tục truyền thống.

Người đi lễ thực hiện nghi lễ rửa tay để thanh tẩy trước khi được ban phúc và cầu nguyện cho năm mới. Ảnh: Nguyễn Tuyến - Pv TTXVN tại Nhật Bản

Người đi lễ thực hiện nghi lễ rửa tay để thanh tẩy trước khi được ban phúc và cầu nguyện cho năm mới. Ảnh: Nguyễn Tuyến - Pv TTXVN tại Nhật Bản

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trước đây, Nhật Bản cũng ăn Tết theo Âm lịch như các nước châu Á khác. Vào năm 1873, tức 5 năm sau khi tiến hành công cuộc Duy Tân, quốc gia này chính thức chuyển sang ăn Tết theo Dương lịch song vẫn giữ phong tục đón Tết truyền thống trong đó có việc đi lễ đầu năm tại các đền, chùa, gọi là Hatsumode.

Vào những khoảnh khắc cuối cùng của ngày 31/12, tiếng chuông vang lên trên khắp đất nước để báo hiệu kết thúc năm cũ và bắt đầu của năm mới. Tại mỗi ngôi đền, chùa, tiếng chuông ngân lên 108 lần theo một nghi lễ Phật giáo gọi là joya no kane, tượng trưng cho việc thanh tẩy 108 ham muốn trần tục. Tiếng chuông cuối cùng vang lên vào năm mới và mọi người sẽ bắt đầu nghi thức Hatsumode truyền thống.

Người đi lễ được các tư tế trong đền ban phúc trước khi cầu nguyện. Ảnh: Nguyễn Tuyến - Pv TTXVN tại Nhật Bản

Người đi lễ được các tư tế trong đền ban phúc trước khi cầu nguyện. Ảnh: Nguyễn Tuyến - Pv TTXVN tại Nhật Bản

Như mọi khi, đền Meiji Jingu, một trong những ngôi đền lớn nhất thủ đô Tokyo, là nơi đón nhiều khách thập phương đến chào đón giao thừa nhất. Không chỉ người dân của thủ đô Tokyo mà còn từ khắp nơi của Nhật Bản và trên thế giới tụ họp tại đây để được đón giây phút đầu tiên của năm mới tại một trong những ngôi đền nổi tiếng của Nhật Bản.

Không chỉ những ngôi đền lớn như Meiji Jingu, những ngôi đền, chùa nhỏ cũng thực hiện nghi lễ rung chuông năm mới. Tại những ngôi đền, chùa nhỏ, những ngọn đèn vàng tỏa sáng thay cho ánh lửa. Mọi người làm nghi lễ đi vòng quanh cổng chào bện bằng rơm gọi là Menowa và được những vị tư tế trong đền ban phúc. Sau khi cầu nguyện cho một năm mới tốt lành, những người đi lễ được mời thưởng thức chén amazake ấm áp và ngọt ngào trong một khung cảnh thanh bình và ấm cúng.

Những người đi lễ được mời thưởng thức chén amazake ấm áp và ngọt ngào sau khi cầu nguyện./.Ảnh: Nguyễn Tuyến - Pv TTXVN tại Nhật Bản

Những người đi lễ được mời thưởng thức chén amazake ấm áp và ngọt ngào sau khi cầu nguyện./.Ảnh: Nguyễn Tuyến - Pv TTXVN tại Nhật Bản

Kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, các lễ hội đếm ngược đã bị hủy bỏ, trong đó đáng chú ý có lễ hội đếm ngược tại giao lộ Shibuya nổi tiếng ở thủ đô Tokyo. Giao thừa năm 2025, do lo ngại tình trạng hỗn loạn nếu tụ tập đông người, chính quyền các quận lớn của thủ đô Tokyo như Shinjuku và Shibuya tiếp tục không tổ chức lễ hội countdown. Hai quận nổi tiếng thu hút đông đảo khách du lịch nhất thủ đô Tokyo còn ban hành lệnh yêu cầu người dân không tụ tập uống rượu trên đường phố vào dịp năm mới. Tại các khu vực đông đúc như Shibuya, lực lượng cảnh sát túc trực để yêu cầu mọi người tiếp tục di chuyển và không được dừng lại.

Trong khi các sự kiện countdown được thu nhỏ quy mô hoặc được tổ chức trong các không gian kín, thì phong tục truyền thống vẫn được duy trì với những dòng người đổ xô đến các đền, chùa đầu năm. Có thể nói Nhật Bản có phong tục đón giao thừa vô cùng đặc sắc với sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại.

Thời khắc giao thừa của Nhật Bản đã được bắt đầu với âm thanh vang vọng của tiếng chuông joya no kane đồng loạt được rung lên trên khắp đất nước, báo hiệu sự khởi đầu năm mới 2025.

Nguyễn Tuyến (P/v TTXVN tại Tokyo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tokyo-don-chao-nam-moi-bang-nghi-le-truyen-thong/358687.html
Zalo