Vang mãi bản hùng ca Phước Long

Bài 2:
LÒNG DÂN - TƯỢNG ĐÀI VĨNH CỬU

BPO - Trong dòng chảy liên tục của lịch sử, chiến thắng Đường 14 - Phước Long cũng là một trong những biểu tượng về sức mạnh đoàn kết của toàn dân. Chiến thắng Đường 14 - Phước Long là sự đóng góp, hy sinh rất lớn của quân và dân tỉnh Bình Phước, trong đó là sự đóng góp to lớn về sức người, vật chất của các tầng lớp công nhân cao su và đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Trú ẩn nơi lòng dân

Một ngày cuối tháng 10-2024, ông Nguyễn Văn Thỏa (Bảy Thỏa), bà Huỳnh Thị Minh Tuyết đều là những cựu biệt động Bà Rá, đến thăm gia đình ông bà La Vĩnh Cơ và Thị Sốt, một cơ sở cách mạng quan trọng 50 năm trước, tại khu phố Bình Giang 1, phường Sơn Giang, thị xã Phước Long. Ông Cơ đã mất, chỉ còn bà tuổi đã ngoài 90, sức khỏe yếu, mắt mờ, tai nghe không còn rõ, nhưng khi ông Bảy cất tiếng chào, bà Thị Sốt nhận ra ngay người quen.

Cựu đội trưởng Đội biệt động Bà Rá Nguyễn Văn Thỏa thăm hỏi bà Thị Sốt - gia đình cơ sở cách mạng tại thị xã Phước Long - Ảnh: Tiến Dũng

Theo lời kể của bà Tuyết, phía sau nhà bà Thị Sốt trước đây có đào một hầm bí mật làm nơi trú ẩn cho bộ đội. Hiện nay, vị trí này đã được lấp lại nhưng chị La Thái Bình, con gái bà Thị Sốt vẫn nhớ như in khu vực đó. Sinh năm 1975, chị Bình chỉ biết đến việc nuôi giấu cách mạng của ba mẹ mình qua những câu chuyện kể của ba mẹ, của bà con lối xóm. Trong ký ức của chị, vẫn còn in đậm lời kể của hàng xóm xung quanh về nhà chị “Sáng nào cũng xay lúa, nhưng đến chiều không có gạo nấu cơm”. Vì gạo đó để dành phục vụ cho cách mạng. Vì gạo đó để tiếp tế cho Đội biệt động Bà Rá.

“Lương thực đồng bào đem lên bằng cách, đối với phụ nữ khi đi thì mang theo cái địu con, họ bỏ vào khoảng chừng 1 lít gạo, trong cái bầu đựng cơm thì che giấu bằng cách ở phía trên là lớp cơm mỏng, ở dưới để gạo, hoặc muối, mắm ruốc, tiếp tế cho đơn vị biệt động” - bà Huỳnh Thị Minh Tuyết, Đội trưởng Đội biệt động Bà Rá giai đoạn 1968-1972, nhớ lại.

Trong dòng chảy liên tục của lịch sử, chiến thắng Ðường 14 - Phước Long là một trong những biểu tượng về sức mạnh đoàn kết toàn dân. Trong ảnh: Ðô thị Phước Long ngày càng khởi sắc theo hướng sinh thái, hiện đại - Ảnh: Phú Quý

Đội biệt động Bà Rá do Tỉnh ủy Phước Long thành lập tháng 5-1965 - một đội vũ trang tuyên truyền có nhiệm vụ luồn sâu, áp sát, bám trụ bí mật ngay trong lòng địch. Nhiệm vụ của đội là thực hiện 3 mũi giáp công ngay trên địa bàn, trong đó có việc vận động xây dựng cơ sở cách mạng, tuyên truyền, vận động để giác ngộ cho binh lính sĩ quan địch, tổ chức các hoạt động quân sự “diệt ác phá kìm”.

Dẫu hàng chục năm đã đi qua, nhưng ấn tượng lớn nhất của bà Tuyết chính là lòng dân. Bà khẳng định: Đơn vị bà trụ lại được là nhờ dân. Dân họ nuôi mình, từ đồng bào Kinh cho đến đồng bào dân tộc thiểu số.

Tương tự, với ông Nguyễn Văn Thỏa (Bảy Thỏa), những ngày công tác ở Đội biệt động Bà Rá là những tháng ngày không thể nào quên trong cuộc đời chiến đấu của mình.

Ông Bảy kể, từ sau năm 1968-1974 là thời kỳ khó khăn, ác liệt nhất đối với Đội biệt động Bà Rá. Đó là vì trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1968, để tiến công vào Chi khu Quân sự Phước Bình và thị xã Phước Long, các đơn vị bộ đội địa phương của tỉnh, huyện đã hành quân lên núi qua hướng Tư Hiền tạo 1 mũi tiến công vào thị xã Phước Long, dẫn đến địch phát hiện sự có mặt của lực lượng ta ở trên núi nên chúng thường xuyên càn quét truy sát, dùng pháo từ các căn cứ cố định hoặc bắn vào các vị trí nghi có quân ta đồn trú. Địch cũng gắt gao tìm kiếm, truy bắt khủng bố đồng bào và cơ sở cách mạng của ta.

Ðồng bào ta, cơ sở cách mạng của ta có thể nói đã chấp nhận hy sinh, đánh đổi sự sống, chịu đựng tù đày để cán bộ, chiến sĩ cách mạng dù ngay giữa vòng vây quân thù nhưng cũng ở trong vòng tay yêu thương của đồng bào. Cán bộ, chiến sĩ cách mạng sống, chiến đấu được là nhờ dân. Ðảng, Bác Hồ luôn nói: Dân là gốc! Ðúng là như vậy!

Ông NGUYỄN VĂN THỎA, nguyên Ðội trưởng Ðội biệt động Bà Rá (giai đoạn 1972-1975)

Kiên định mục tiêu lấy người dân làm trung tâm

“Dân rất nhiệt tình” là điều mà ông Trần Đức Thủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Phước Long (cũ) cảm nhận được trong quá trình vận động nhân dân chung tay hưởng ứng các chủ trương của Đảng. Ông khẳng định công tác dân vận rất khó, nhưng không phải không làm được”. “Để dân tin mình thì không phải chuyện thường, phải có thời gian và qua nhiều thời kỳ. Nhưng quan trọng nhất là phải tích cực gần gũi với nhân dân, nắm bắt tình hình của dân và lắng nghe ý kiến người dân góp ý thì mình sẽ làm được. Nếu người ta nói mà mình cứ nạt nộ thì sẽ không bao giờ thành công” - nguyên Chủ tịch UBND huyện Phước Long (cũ) Trần Đức Thủy chia sẻ.

Sự đoàn kết và lòng tin tưởng của nhân dân đối với cán bộ, đối với chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước là rất quan trọng. Khi dân đã tin thì Ðảng, Nhà nước nói bất cứ việc gì dù khó đến mấy dân vẫn thực hiện. Khi dân đã đồng ý thực hiện là kết quả tốt nhất để khẳng định sự việc đã thành công.

Nguyên Chủ tịch UBND huyện Phước Long (cũ) TRẦN ÐỨC THỦY

Tiếp tục phát huy truyền thống dựa vào dân, trọng dân và bài học lấy dân làm gốc của các thế hệ tiền nhiệm, sau 50 năm giải phóng, thị xã Phước Long đặc biệt chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế, từ đó tạo nguồn lực vững chắc chăm lo đời sống nhân dân. Một trong những kết quả nổi bật của thị xã trong năm 2024 là đã xóa hết hộ nghèo. Các chỉ số thuộc lĩnh vực phát triển con người như thu nhập, phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân đều đạt cao.

Tượng đài chiến thắng Phước Long và Bảo tàng chiến dịch Đường 14 - Phước Long - Ảnh: Phú Quý

Tính riêng năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của thị xã đạt hơn 116 triệu đồng - cao hơn mức bình quân của tỉnh. Công tác y tế dự phòng thực hiện tốt; đạt mục tiêu đề ra về tỷ lệ số giường bệnh/vạn dân (45 giường) và số bác sĩ/vạn dân (9,9 bác sĩ); giải quyết việc làm đạt 124,5%. 100% xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế theo chuẩn mới; tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi còn 4%. 7/7 xã, phường đã hoàn thành phổ cập giáo dục THPT, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Với khát vọng vươn mình, cấp ủy, chính quyền thị xã Phước Long đang nỗ lực, quyết tâm trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành đưa kinh tế phát triển, đời sống người dân nâng cao. Trong ảnh: Một góc thị xã Phước Long ngày nay - Ảnh: Phú Quý

Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Phước Long Huỳnh Thị Thùy Trang khẳng định: Việc kiên định mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, xây dựng xã hội hạnh phúc cùng với việc phát huy khát vọng, sức sáng tạo trong dân, tinh thần đoàn kết bền chặt sẽ giúp chúng ta có sức mạnh vô tận, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, hoàn thành thắng lợi mọi mục tiêu trên các mặt trận, phát triển địa phương. Đó là một trong những bài học mà các thế hệ lãnh đạo thị xã Phước Long đã đúc rút ra được và vận dụng trong quá trình lãnh đạo, xây dựng địa phương phát triển như hôm nay.

Việc giữ và phát huy sức mạnh toàn dân có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Sức mạnh toàn dân chỉ có khi xây dựng được niềm tin trong dân, phải làm sao cho dân tin tưởng tuyệt đối vào Ðảng, chính quyền, từ đó mới chuyển hóa thành hành động tích cực, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp toàn dân.

Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Phước Long HUỲNH THỊ THÙY TRANG

Phước Long hiện đang đổi mới mạnh mẽ và là một cực tăng trưởng quan trọng của tỉnh Bình Phước. Đó là kết quả của việc khơi dậy và phát huy được sức mạnh toàn dân. Trong những năm tháng chiến tranh, nhân dân đã chở che cách mạng, góp sức làm nên chiến thắng vang dội ngày 6-1-1975. Trong thời bình, họ lại tiếp tục là nguồn lực quan trọng, đưa Phước Long tiến những bước mạnh mẽ và vững chắc vào kỷ nguyên mới.

Nam Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/167424/vang-mai-ban-hung-ca-phuoc-long
Zalo